Tác dụng phụ của thuốc Sunigam 300

Tác dụng phụ của thuốc Sunigam 300

Thuốc Sunigam 300 có mặt khá rộng rãi trên toàn hệ thống các nhà thuốc với công dụng giảm đau và điều trị viêm. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về dòng thuốc Sunigam 300 qua bài viết sau đây.

1. Thuốc Sunigam 300 là thuốc gì?

Thuốc Sunigam 300 là thuốc gì? Thuốc Sunigam 300 thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc điều trị Gút và các bệnh xương khớp, thuộc nhóm chống viêm không Steroid.

Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén, đóng gói theo hộp 3 vỉ x 10 viên. Thành phần chính của thuốc Sunigam 300 là Acid tiaprofenic 300 mg.

2. Thuốc Sunigam 300 có tác dụng gì?

Thuốc Sunigam 300 được chỉ định dùng cho người lớn và trẻ em trên 30kg để giảm đau và điều trị viêm trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh bị rối loạn cơ xương và khớp như: Viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa đốt sống- cứng khớp và viêm cột sống dính khớp, đau sau thắt lưng.
  • Điều trị trong rối loạn quanh khớp điển hình như: Viêm xơ và viêm bao hoạt dịch.
  • Điều trị viêm mỏm lồi cầu, viêm các mô mềm, bong gân và căng cơ.
  • Điều trị đau và viêm sau phẫu thuật, đau các vùng mô mềm khác .

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Sunigam 300

Thuốc Sunigam 300 được chỉ định liều dùng theo từng đối tượng cụ thể:

  • Người lớn: Liều dùng 300mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ em >30kg: Liều dùng không vượt quá 300mg/ ngày
  • Người già: Cần thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân lớn tuổi. Theo nghiên cứu lâm sàng đối với nhóm bệnh nhân này có nguy cơ cao xảy ra những tác dụng không mong muốn. Khuyến cáo nên dùng liều thấp nhất, trong trường hợp tăng liều cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ , dược sỹ và phải theo dõi liên tục tình trạng chảy máu đường tiêu hóa khi bắt đầu điều trị với NSAID.

Lưu ý: Liều dùng và cách dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào mức độ diễn tiến và thể trạng của từng bệnh nhân. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để có liều dùng phù hợp nhất.

4. Chống chỉ định dùng thuốc Sunigam 300 điều trị

Chống chỉ định dùng thuốc Sunigam 300 trong những trường hợp sau đây:

  • Không dùng thuốc Sunigam 300 đối với những người bệnh mẫn cảm với Acid tiaprofenic hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân có tiền sử dị ứng: hen phế quản, viêm mũi, phù mạch, nổi mề đay mẩn ngứa với các thuốc như Ibuprofen, Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Người bệnh loét dạ dày, tá tràng tiến triển và có tiền sử bị xuất huyết tiêu hóa liên quan đến việc sử dụng thuốc NSAID trước đó.
  • Người bệnh bị suy tim ứ máu, suy thận và suy gan nặng.
  • Người bệnh có triệu chứng hoặc đang mắc các bệnh về bàng quang và tiền liệt tuyến.
  • Người bệnh có tiền sử rối loạn về đường tiết niệu tái phát.
  • Phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 30kg.

5. Tương tác thuốc Sunigam 300

Tương tác thuốc Sunigam 300 có thể xảy ra như sau:

  • Không nên dùng chung với Heparine, Ticlopidine, các thuốc chống đông máu và kết dính tiểu cầu: do làm tăng nguy cơ xuất huyết.
  • Không nên dùng chung với Methotrexat: khi sử dụng cùng với Sunigam có thể thể làm giảm thải trừ Methotrexate- làm tăng độc tính trên máu. Vì vậy nên tránh dùng thuốc với Methotrexate ở liều cao và thận trọng dùng khi ở liều thấp.
  • Không nên dùng chung với các thuốc kháng viêm không steroid: do làm tăng nguy cơ gây loét và chảy máu dạ dày.
  • Không nên dùng chung với Lithium: thuốc Sunigam làm giảm đào thải Lithilum nên có nguy cơ gây ngộ độc do Lithiim huyết tăng cao.
  • Thận trọng khi phối hợp với các thuốc lợi tiểu: Nên cho người bệnh uống nhiều nước, thời gian đầu trị liệu thì cần theo dõi chức năng thận do có nguy cơ gây suy thận cấp tính ở những người bệnh bị mất nước hoặc giảm lượng máu.
  • Thận trọng khi phối hợp với thuốc hạ đường huyết: Làm giảm tác dụng hạ huyết áp, nên cần điều chỉnh liều khi kết hợp với Sunigam.
  • Các thuốc ức chế beta sẽ giảm tác dụng của việc hạ huyết áp.
  • Ciclosporine: nguy cơ nhiễm độc thận có thể sẽ tăng cao khi dùng phối hợp Sunigam với Ciclosporine.
  • Vòng tránh thai: Hiện nay đã có báo cáo thuốc Sumigam làm giảm hiệu lực của vòng tránh thai.
  • Thuốc tan huyết khối: Làm tăng nguy cơ xuất huyết.

6. Những tác dụng phụ của thuốc Sunigam 300 đối với cơ thể

Sunigam 300 có thể gây ra một số những tác dụng phụ như sau:

Đường tiêu hóa

  • Rối loạn đường tiêu hóa như: khó tiêu, đầy hơi, ợ nóng, táo bón ,buồn nôn, nôn (hoặc nôn ra máu), đau bụng, tiểu tiện phân đen.
  • Viêm dạ dày tá tràng, viêm loét miệng, đợt cấp của viêm đại tràng và bệnh Crohn.
  • Loét dạ dày tá tràng, nguy cơ xuất huyết tiêu hoá tiềm tàng hoặc tiến triển, đặc biệt là ở người già và có thể dẫn đến tử vong.
  • Phát ban, ngứa, ban xuất huyết, nổi mề đay, rụng tóc, hồng ban đa dạng và viêm da bóng nước.
  • Hội chứng Stevens-Johnson hoặc hoại tử biểu bì nhiễm độc, phản ứng nhạy cảm ánh sáng.

Hệ thống miễn dịch:

  • Sunigam 300 có thể gây phản ứng quá mẫn khi điều trị với thuốc NSAID.
  • Đã có báo cáo về các phản ứng dị ứng không đặc hiệu, bệnh hen suyễn, đặc biệt là đối với bệnh nhân dị ứng với aspirin và các NSAID khác.
  • Một số tình trạng hiếm gặp như: co thắt phế quản, khó thở, phù mạch và sốc phản vệ cũng đã được báo cáo.

Máu và hệ bạch huyết:

  • Thuốc có thể gây giảm lượng tiểu cầu, thời gian chảy máu kéo dài, giảm hoặc mất bạch cầu trung tính, xuất huyết gây thiếu máu cho người bệnh.

Tiền đình, hệ thần kinh trung ương:

Đường tiết niệu:

  • Đau tức hoặc viêm bàng quang gây nên tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, giữ muối và nước. Một số trường hợp người bệnh có thể bị viêm thận kẽ, hội chứng thận hư và suy thận.

Gan – mật:

  • Viêm gan, vàng da, vàng mắt

Ngoài ra có một số tác dụng phụ đã được báo cáo nhưng không cụ thể với acid tiaprofenic như sau:

  • Thần kinh thị giác, viêm dây thần kinh và rối loạn thị giác
  • Dị cảm cơ xương, mô liên kết
  • Thần kinh: Theo báo cáo đối với những bệnh nhân có rối loạn hệ thống tự miễn: Lupus ban đỏ, mô liên kết hỗn hợp có thể gây ra trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, triệu chứng cứng cổ, đau đầu, buồn nôn, nôn, sốt hoặc mất phương hướng.
  • Mệt mỏi toàn thân.
  • Tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, phù nề não,nguy cơ huyết khối tim mạch.

7. Chú ý đề phòng khi dùng thuốc Sunigam 300

Để giảm thiểu những tác dụng không mong muốn, bệnh nhân nên tuân theo phác đồ điều trị theo bác sỹ, dược sỹ, sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất để kiểm soát các triệu chứng. Đối với bệnh nhân điều trị bằng NSAID lâu dài thì cần theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ.

Thuốc Sunigam 300 cần được sử dụng thận trọng cho các nhóm đối tượng sau:

  • Bệnh nhân suy thận mạn tính, hội chứng thận hư, tăng huyết áp động mạch, suy tim, người lớn tuổi và người bệnh có tiền sử suy gan.
  • Đối với bệnh nhân đang điều trị hoặc có tiền sử hen phế quản liên quan đến NSAID nên cẩn trọng khi dùng thuốc.
  • Đối với các triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu và viêm bàng quang xuất hiện như: tiểu khó, tiểu đêm hoặc tiểu máu cần ngừng ngay Sunigam 300 và lấy mẫu phân tích nước tiểu.
  • Thận trọng khi dùng thuốc đối với bệnh nhân có triệu chứng hoặc có tiền sử bệnh đường tiêu hóa nghiêm trọng, vì có thể gây ra xuất huyết tiêu hóa, loét hoặc thủng dạ dày, thậm chí có thể gây tử vong.
  • Khi phối hợp điều trị Acid tiaprofenic với các thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét hoặc chảy máu như Corticosteroid đường uống, thuốc chống đông máu Warfarin, thuốc ức chế chọn lọc Serotonin hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin cần phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng.
  • Khi dùng thuốc Sunigam 300 có xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, phát ban, niêm mạc tổn thương hoặc bất cứ dấu hiệu quá mẫn cần ngưng sử dụng thuốc ngay. Các phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra như viêm da tróc vảy, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử bị nhiễm độc đã có báo cáo, tuy nhiên những trường hợp này cũng hiếm gặp.
  • Thuốc Sunigam 300 không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ có ý định mang thai hoặc những bệnh nhân đang điều trị vô sinh, vì theo nghiên cứu khi sử dụng Acid tiaprofenic có thể làm giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ.
  • Chống chỉ định cho những bệnh nhân hen suyễn, polyp mũi, nổi mề đay, vì có nguy cơ giả dị ứng rất cao.
  • Do các nhóm thuốc giảm đau (NSAID) có thể làm ảnh hưởng xấu đến chức năng tiểu cầu, nên cần thận trọng dùng thuốc cho những người bệnh bị xuất huyết não và chảy máu nội tạng.
  • Đối với bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và rối loạn mô liên kết hỗn hợp khi dùng thuốc có thể gây tăng nguy cơ viêm màng não vô khuẩn.
  • Nguy cơ huyết khối tim mạch.

Thực tế, lâm sàng cho thấy khi sử dụng thuốc Sunigam 300 ở liều cao có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch, bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nặng có thể dẫn tới tử vong. Thông thường, nguy cơ này có thể xuất hiện sớm khi người bệnh sử dụng thuốc trong những tuần đầu và có thể tăng lên theo thời gian uống thuốc.

Vì vậy, nên người bệnh cần được tư vấn về các triệu chứng của biến cố tim mạch và cần báo với bác sĩ ngay sau khi có triệu chứng này. Khuyến cáo cho người bệnh cần sử dụng Sunigam 300 hàng ngày ở liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện những biến cố gây ảnh hưởng sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles