Công dụng thuốc Spinolac 50mg

Công dụng thuốc Spinolac 50mg

Thuốc Spinolac 50mg thuộc nhóm thuốc lợi tiểu với thành phần chính là Spironolactone. Vậy tác dụng thuốc Spinolac là gì? là thắc mắc của không ít người. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về công dụng của Spinolac 50mg cũng như những lưu ý để sử dụng thuốc này an toàn.

1. Thuốc Spinolac 50mg là gì?

Trước khi đi tìm hiểu về tác dụng thuốc Spinolac, chúng ta hãy cùng đi giải đáp thắc mắc thuốc Spinolac là gì?

Spinolac 50mg là một sản phẩm của Công ty TNHH Hasan – Dermapharm. Thuốc có thành phần chính là spironolacton cùng với nhiều tá dược khác.Thuốc Spinolac được bào chế dưới dạng viên nén, được đóng gói dạng hộp 2 vỉ, 10 vỉ x 10 viên.

2. Tác dụng thuốc Spinolac

2.1. Tác dụng của thuốc Spinolac

Thuốc Spinolac 50mg được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Cổ trướng do xơ gan, phù gan, phù thận, phù tim khi các thuốc chữa phù khác kém tác dụng, đặc biệt khi có nghi ngờ chứng tăng aldosteron.
  • Tăng huyết áp, khi cách điều trị khác kém tác dụng hoặc không thích hợp.
  • Tăng aldosteron tiên phát, khi không thể phẫu thuật.

2.2. Chống chỉ định

Một số nhóm đối tượng dưới đây không được chỉ định kê đơn thuốc Spinolac 50mg:

  • Bệnh nhân suy thận cấp.
  • Người bệnh suy thận nặng.
  • Vô niệu.
  • Bệnh nhân gặp phải tình trạng tăng kali huyết.
  • Bất cứ ai mẫn cảm với spironolacton.
  • Chị em đang trong giai đoạn thai kỳ

2.3. Về dược lực học

Spironolacton là chất đối kháng mineralcorticoid, tác dụng qua việc ức chế cạnh tranh với aldosteron và các mineralocorticoid khác, tác dụng chủ yếu ở ống lượn xa, kết quả là tăng bài tiết natri và nước. Spironolacton làm giảm bài tiết các Ion kali, amoni (NH4+) và H+. Cả tác dụng lợi tiểu và chống tăng huyết áp đều qua cơ chế đó.

Cơ chế tác động của Spironolacton chậm. Sau khoảng 2 – 3 ngày thuốc mới bắt đầu có tác dụng, thuốc sẽ giảm dần tác dụng trong khoảng 2 – 3 ngày sau khi ngừng thuốc.

Sự tăng bài tiết magnesi và kali của các thuốc lợi tiểu thiazid và lợi tiểu quai (furosemid) sẽ bị giảm khi dùng đồng thời với spironolacton. Spironolacton và các chất chuyển hóa chính của nó (7 alpha-thiomethyl-spironolacton và canrenon) đều có tác dụng kháng mineralocorticoid.

Spironolacton làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương, tác dụng hạ huyết áp tối đa đạt được sau 2 tuần điều trị. Vì spironolacton là chất đối kháng cạnh tranh với aldosteron, liều dùng cần thiết được điều chỉnh theo đáp ứng điều trị. Tăng aldosteron tiên phát hiếm gặp. Tăng aldosteron thứ phát xảy ra trong phù thứ phát do xơ gan, hội chứng thận hư và suy tim sung huyết kéo dài và sau khi điều trị với thuốc lợi tiểu thông thường. Tác dụng lợi tiểu được tăng cường khi dùng phối hợp với các thuốc lợi tiểu thông thường, spironolacton không gây tăng acid uric huyết hoặc tăng glucose huyết, như đã xảy ra khi dùng thuốc lợi tiểu thiazid liều cao.

2.4. Dược động học

  • Hấp thu: Spironolacton hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi uống 1 giờ.
  • Phân bố: Hơn 90% spironolacton liên kết với protein huyết tương khi vào máu.
  • Chuyển hóa: Spironolacton chuyển hóa nhanh qua gan và thận. Chất chuyển hóa có hoạt tính dược lý là 7-alpha-thiomethyl-spironolacton và canrenon.
  • Thải trừ: Spironolacton và các chất chuyển hóa của nó đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một phần qua mật.

3. Liều dùng thuốc Spinolac 50mg

Liều dùng của thuốc Spinolac được kê đơn theo mục đích điều trị, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Dưới đây là liều dùng tham khảo của thuốc Spinolac:

3.1. Đối với người lớn

  • Lợi tiểu khi phù kháng trị do xơ gan, hội chứng thận hư, suy tim sung huyết, đặc biệt nghi ngờ có tăng aldosteron: Liều ban đầu là uống 1 – 4 viên/ngày, chia 2 – 4 lần, dùng ít nhất 5 ngày, liều duy trì là 2 – 8 viên/ngày, chia 2 – 4 lần.
  • Chống tăng huyết áp: Liều ban đầu uống 1 – 2 viên/ngày, chia 2 – 4 lần, dùng ít nhất 2 tuần, liều duy trì điều chỉnh theo từng người bệnh.
  • Tăng aldosteron: Liều 2 – 8 viên/ngày, chia 2 – 4 lần trước khi phẫu thuật. Liều thấp nhất có hiệu quả có thể duy trì trong thời gian dài đối với người bệnh không thể phẫu thuật.

3.2. Đối với trẻ em

Lợi tiểu hoặc trị tăng huyết áp, cổ trướng do xơ gan: Liều ban đầu uống 1 – 3mg/kg/ngày, dùng 1 lần hoặc chia 2 – 4 lần, liều được điều chỉnh sau 5 ngày.

3.3. Xử lý khi bị quá liều hoặc quên liều

Quá liều thuốc Spinolac 50mg có thể gây ra một số triệu chứng như: khó thở, mệt mỏi, yếu cơ, bồn chồn. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh áp dụng biện pháp rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để loại bỏ dược tính của thuốc. Bên cạnh đó sẽ tiến hành kiểm tra cân bằng điện giải và chức năng thận.

Nếu vô tình quên liều thuốc, bạn không nên quá lo lắng. Hãy bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn, bạn nên bỏ qua liều bị quên để tránh trường hợp bị quá liều.

4. Tác dụng phụ của thuốc Spinolac 50mg

Giống như các loại thuốc Tây khác, Spinolac 50mg có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Người bệnh có thể gặp phải một hoặc nhiều tác dụng phụ dưới đây:

  • Một số tác dụng phụ thường gặp nhất là: mệt mỏi, đau đầu, to vú ở đàn ông, rối loạn kinh nguyệt, buồn nôn, tiêu chảy…
  • Các tác dụng ít gặp hơn như: ban đỏ, chuột rút, tăng kali huyết,…
  • Một số tác dụng hiếm gặp hơn có thể kể đến như: giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt…

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Spinolac 50mg

Để sử dụng thuốc an toàn, người bệnh cần “nằm lòng” một số lưu ý sau:

  • Hạn chế hoặc không sử dụng thuốc Spinolac 50mg với một số thuốc lợi tiểu khác bởi có thể gây ra tình trạng tăng kali huyết.
  • Phụ nữ mang thai không được phép sử dụng các loại thuốc lợi tiểu vì có thể gây hại cho sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.
  • Thuốc Spinolac có thể gây ra tác dụng buồn ngủ và ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Phụ nữ đang cho con bú có thể hỏi ý kiến bác sĩ khi có nhu cầu sử dụng thuốc Spinolac 50mg.

6. Tương tác thuốc

Thuốc Spinolac 50mg khi kết hợp với một số thuốc khác có thể xảy ra hiện tượng tương tác. Tương tác thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Một số tương tác thuốc mà người bệnh cần tránh như:

  • Dùng chung spironolacton với các chất ức chế enzym chuyển (ACE – 1) tăng nguy cơ bị “tăng kali huyết” nặng, đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người có suy thận.
  • Thuốc Spinolac 50mg có thể làm giảm tác dụng chống đông của coumarin, hay dẫn chất indandion hay heparin
  • Các thuốc chống viêm không steroid làm giảm tác dụng chống tăng huyết áp của spironolacton.
  • Kết hợp lithi và spironolacton có thể dẫn đến ngộ độc lithi, do giảm độ thanh thải.
  • Sử dụng đồng thời các thuốc có chứa kali với spironolacton làm tăng kali huyết.
  • Thời gian bán thải của digoxin và các glycosid tim có thể tăng khi dùng đồng thời với spironolacton.

Close
Social profiles