Các tác dụng phụ của thuốc Partamol tab

Các tác dụng phụ của thuốc Partamol tab

Thuốc Partamol tab là thuốc có chứa paracetamol và được sử dụng trong điều trị đau từ nhẹ đến vừa bao gồm các tình trạng đau đầu, đau bụng kinh, đau họng, đau cơ xương, sốt, đau sau tiêm vaccine,… Vậy thuốc Partamol tab có tác dụng gì?

1. Thuốc Partamol tab có tác dụng gì?

Thuốc Partamol tab thuộc phân nhóm thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm không steroid, có chứa thành phần là paracetamol một chất giảm đau và hạ sốt. Partamol tab có tác dụng trong điều trị đau từ nhẹ đến vừa bao gồm các tình trạng như:

  • Đau đầu
  • Đau nửa đầu
  • Đau cơ
  • Đau bụng kinh
  • Đau họng
  • Đau cơ xương
  • Sốt
  • Đau sau tiêm vaccine
  • Đau sau khi nhổ răng hoặc thực hiện các thủ thuật nha khoa
  • Đau răng
  • Đau do viêm xương khớp

Bên cạnh những công dụng trên, thuốc Partamol tab có thể còn được sử dụng điều trị một số bệnh lý khác mà không được liệt kê ở trên. Do vậy, trước khi sử dụng thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc hiệu quả.

2. Cách sử dụng thuốc Partamol tab

Thuốc Partamol tab được bào chế dưới dạng viên nén do vậy người bệnh có thể sử dụng thuốc lúc đói hoặc no. Theo đó, bạn hãy uống thuốc với một ly nước đầy để tránh tình trạng kích thích dạ dày. Liều lượng sử dụng thuốc Partamol tab sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của bệnh nhân như:

  • Đối với người lớn sử dụng từ 500mg-1gram paracetamol, uống cách nhau từ 4-6 giờ nếu cần. Liều tối đa hàng ngày là 4000mg và không dùng quá liều chỉ định, không sử dụng các loại thuốc khác có chứa paracetamol.
  • Đối với trẻ em uống với liều từ 10-15mg/kg cân nặng, uống cách nhau 4-6 giờ nếu cần. liều tối đa là 60mg/kg.

Sử dụng thuốc Partamol tab thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ nó. Để sử dụng thuốc an toàn hãy uống thuốc Partamol tab theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định. Tuyệt đối không tự ý tăng liều lượng của thuốc hay lạm dụng thuốc quá lâu trong thời gian dài. Điều này không làm cho tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn mà còn làm tăng nguy cơ mắc phải những tác dụng không mong muốn.

3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Partamol tab

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Partamol tab bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu
  • Buồn nôn, nôn
  • Phản ứng quá mẫn trên da như ban đỏ, phù mạch, hội chứng stevens johnson
  • Co thắt phế quản ở những bệnh nhân mẫn cảm với aspirin và các thuốc NSAID khác
  • Bất thường tại gan
  • Gây độc tính trên thận khi sử dụng dài ngày
  • Mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Partamol tab đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Partamol tab vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy, khi xuất hiện những triệu chứng bất thường đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với những dấu hiệu kèm theo như khó thở, chóng mặt nghiêm trọng, phát ban, sưng hoặc ngứa vùng mặt, cổ họng, lưỡi,… Trong trường hợp này, người bệnh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được can thiệp ngay lập tức.

4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Partamol tab

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Partamol tab bao gồm:

  • Thông báo cho bác sĩ biết về tiền sử dị ứng với Partamol tab hay bất kỳ dị ứng nào khác. Partamol tab có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
  • Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thuốc nhuộm hay chất bảo quản.
  • Thận trọng sử dụng thuốc Partamol tab trên bệnh nhân bị suy gan, nghiện rượu, suy dinh dưỡng mãn tính hoặc bị mất nước.
  • Chú ý người bệnh thiếu G6PD gây tan máu, suy dinh dưỡng và bệnh nhân chán ăn thì không nên sử dụng thuốc.
  • Sự gia tăng nguy cơ gây hại của paracetamol đối với gan trên những bệnh nhân đang mắc các vấn đề về gan: Những bệnh nhân được chẩn đoán là suy gan hoặc suy thận cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
  • Trường hợp bị sốt quá cao trên 39,5 độ C và kéo dài hơn 3 ngày hoặc tái phát tình trạng sốt thì không được tự ý sử dụng thuốc Partamol tab.
  • Không sử dụng thuốc Partamol tab để giảm đau trên 10 ngày đối với người lớn và 5 ngày đối với trẻ em.
  • Thuốc Partamol tab có thể sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú, nhưng cần cân nhắc khi dùng cho phụ nữ có thai.

Hãy bổ sung lại liều thuốc đã quên trong thời gian sớm nhất có thể. Tuy nhiên, nếu thời gian bạn nhớ ra gần với thời gian của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng thuốc như lịch trình ban đầu. Không được tự ý bổ sung gấp đôi liều dùng thuốc nhiều hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Partamol tab có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau bụng, suy nhược cơ thể,…

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc Partamol tab, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả những loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ không nên tự ý dừng, bắt đầu hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào.

Một số loại thuốc có thể tương tác với Partamol tab như:

  • Thuốc chống đông máu
  • Phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt
  • Thuốc chống co giật như phenytoin, carbamazepin, barbiturat
  • Probenecid
  • Isoniazid và các loại thuốc kháng lao vì làm tăng độc tính của thuốc
  • Cholestyramin
  • Metoclopramind hoặc domperidon

6. Cách bảo quản thuốc Partamol tab

Bảo quản thuốc Partamol tab ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Partamol tab ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Partamol tab trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Partamol tab tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hoặc đã quá hạn sử dụng hãy xử lý thuốc đúng quy trình. Không được tự ý vứt thuốc Partamol tab vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu. Hãy tham khảo thêm ý kiến của công ty môi trường xử lý rác thải hoặc dược sĩ về cách tiêu hủy thuốc Partamol tab an toàn để giúp bảo vệ môi trường.

Tóm lại, thuốc Partamol tab là thuốc có chứa paracetamol có tác dụng trong điều trị đau từ nhẹ đến vừa bao gồm các tình trạng đau đầu, đau bụng kinh, đau họng, đau cơ xương, sốt, đau sau tiêm vaccine,… Tuy nhiên, Partamol tab có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc, vì vậy hãy thông báo với bác sĩ những loại thuốc bạn đang sử dụng để giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ và đồng thời làm tăng hiệu quả cho quá trình điều trị.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles