Cây dướng có tác dụng gì?

Cây dướng có tác dụng gì?

Cây dướng, tên khoa học là Broussonetia papyrifera, đây một loại cây mọc tự nhiên ở miền núi phía Bắc nước ta. Cây dướng có nhiều giá trị về kinh tế, nó được sử dụng để làm giấy, dây thừng, làm thức ăn cho gia súc và cây cảnh. Bên cạnh đó, cây dướng cũng là một dược liệu sử dụng nhiều trong các bài thuốc Y Học Cổ Truyền chữa bệnh.

1. Đặc điểm cây dướng

Dướng là loài cây thân gỗ nhỏ đường kính khoảng 2,5cm, thường cao từ 10-16m. Vỏ thân cây thường nhẵn, màu tro. Cành cây lá dướng mọc hướng tỏa rộng, cành non màu lục nhạt có lông tơ mềm bao phủ, trong khi đó cành già nhẵn và có màu xám. Cây ưa sáng, lớn nhanh và sống được trên nhiều loại đất.

Lá cây có hình dạng không cố định, dạng hình tim hay hình trứng từ không thùy tới xẻ thùy sâu, đầu lá nhọn, mép lá có khía răng cưa. Các lá dài khoảng 7–20 cm, rộng 3-8cm, với bề mặt phía trên thô nhám, phủ lông tơ mềm phía dưới. Cuống lá 2,3–8 cm.

Hoa dướng là loại đơn tính, đực cái khác gốc cây. Hoa đực dạng bông dài ở ngọn cành, hoa cái mọc thành cụm hoa, hình cầu. Quả màu đỏ hoặc cam, đường kính khoảng 2-4cm, vị ngọt, mềm và là nguồn thức ăn cho động vật hoang dã. Mùa hoa vào tháng 5-6 hàng năm, mùa quả thu hoạch vào các tháng 8-11.


cây dướng
Cây dướng là một loại cây mọc tự nhiên ở miền núi phía Bắc nước ta

2. Cây dướng có tác dụng gì?

2.1. Tác dụng cây dướng theo Y Học Cổ Truyền

Lá, quả, vỏ thân cành và vỏ rễ của cây dướng đều được dùng để làm dược liệu trong Y Học Cổ Truyền phương Đông. Vỏ rễ có vị ngọt, tính bình. Lá dướng có vị ngọt nhạt, tính hàn, điều trị bệnh tả, cầm máu. Quả có vị ngọt, tính hàn.

Cây dướng bổ gan thận, thanh nhiệt, tiêu thũng, khai thông tầm nhìn, bổ dưỡng cho mắt, điều trị tiêu chảy. Nó được sử dụng cho sự suy nhược của lưng và đầu gối, yếu cơ xương khớp, thiếu máu, chóng mặt. Tuy nhiên, cây dướng không được khuyên dùng ở người có tỳ thận hư nhược.

2.2. Công dụng của cây dướng

Cành, lá và rễ khô của cây này được sử dụng cho các mục đích chữa bệnh khác nhau, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc bổ và ức chế phù nề, chống viêm, chống hen, chống oxy hóa, chống ung thư, chống vi khuẩn, chống ngưng tập tiểu cầu.

  • Lá cây dướng

Các hoạt chất chính trong lá cây dướng là flavonoid và alkaloid. Các chức năng chính của flanovid bao gồm các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư. Alkaloid là hợp chất cơ bản chứa nitơ thường liên quan đến các hoạt động sinh lý quan trọng.

Nước ép từ lá cây có tác dụng tiêu độc và nhuận tràng. Lá cây dướng được sử dụng trong điều trị bệnh kiết lỵ và được dùng để đắp lên các tổn thương da, vết cắn. Lá được dùng để chữa ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, vết thương chảy máu trong y học Trung Quốc.

Một số tác dụng có lợi khác của lá cây dướng đã được xác định như tác dụng kháng khuẩn và kháng u, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm lượng đường trong máu, làm chậm quá trình lão hóa.

  • Vỏ thân cây dướng

Vỏ cây được sắc uống để chữa báng bụng và đầy hơi, ngoài ra còn được dùng để giảm sưng hoặc phù nề. Ở Trung Quốc, thân cây dùng chữa một số bệnh ngoài da. Tro từ vỏ cây đã đốt cháy dùng bôi lên tổn thương trong bệnh nấm miệng. Một số báo cáo cho rằng vỏ thân có tác dụng cầm máu. Rễ được nấu với các loại thực phẩm khác có tác dụng kích thích sự tiết sữa.

  • Quả dướng

Quả có tác dụng lợi tiểu, thuốc bổ mắt, chữa dạ dày. Quả được dùng để điều trị liệt dương và rối loạn nhãn khoa.

Nhựa cây dướng là một loại thuốc nhuận tràng nhẹ. Bên cạnh đó, nó cũng được sử dụng bên ngoài đối với viêm da thần kinh, nhiễm nấm da, chàm, ong đốt, côn trùng cắn


cây dướng
Cây dướng chữa cảm ho

2.3. Các ứng dụng khác của cây dướng

  • Sợi từ vỏ cây được sử dụng để làm giấy, vải, dây thừng… Sợi được sản xuất bằng cách đập các dải vỏ cây trên một bề mặt phẳng bằng búa gỗ. Vải được làm theo cách này, đập vỏ càng nhiều thì vải càng mịn. Vỏ cây lá dướng còn được sử dụng trong sản xuất hoa giá, ô, quạt, đèn lồng…
  • Cây dướng cũng được dùng để sản xuất thuốc nhuộm tự nhiên có màu từ xanh lục đến xanh lục vàng.
  • Công dụng tiềm năng trong mỹ phẩm: Nó dường như là một chất chống oxy hóa mạnh được cho là có tác dụng mạnh như butylated hydroxytoluene, một chất chống oxy hóa phổ biến được sử dụng để bảo quản thực phẩm.
  • Cây dướng được coi là có hoạt tính chống nấm, vì có chứa hợp chất broussonin A.

3. Một số đơn thuốc có chứa dược liệu cây dướng

Có nhiều cách sử dụng vị thuốc từ cây dướng: dùng độc vị hay kết hợp với các vị khác; phơi khô sắc uống hoặc dùng tươi.

Sau đây là một số bài thuốc trị liệu thường dùng có chứa dược liệu từ cây dướng:

  • Bài thuốc trị mắt mờ khó nhìn: Quả dướng 500g, hoa kinh giới 500g. Nghiền nát rồi trộn với mật thành viên bằng đầu ngón trỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần nhai 1 viên uống với nước sắc bạc hà.
  • Bài thuốc trị người già yếu suy nhược, chân phù, tiểu nhiều: Quả dướng 12g, ngưu tất 8g, tiểu hồi hương 3g; bạch truật, phục linh, đỗ trọng, câu kỷ tử mỗi vị 10g. Sắc lửa nhỏ tất cả vị trên với 3 bát nước đến khi còn lại 1 bát thì ngừng. phục linh 10g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 10g, Chia thuốc làm 3 ngày uống 3 lần, uống vào trước ăn 30 phút.
  • Bài thuốc chữa rong kinh: Vỏ cây dướng (cạo bỏ lớp vỏ ngoài), kinh giới mỗi vị 12g. Sắc nước uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa cảm ho, lưng gối mỏi: Lấy quả dướng với lượng từ 9-15g sắc nước thuốc. Chia nước này uống làm 2 lần trong ngày. Uống mỗi ngày 1 thang từ 1 tuần đến 10 ngày.
  • Chữa phù toàn thân: lá dướng đem nấu thành cao. Hòa với nước nóng, uống 3 lần trong ngày.

Cây dướng là một loại cây mọc tự nhiên ở miền núi phía Bắc nước ta và được sử dụng nhiều trong Y Học Cổ Truyền chữa bệnh. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh chỉ nên sử dụng khi có sự tư vấn của bác sĩ.

Close
Social profiles