Tác dụng của cây kế sữa

Tác dụng của cây kế sữa

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BSCKII Phan Thị Minh Hương – Bác sĩ Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cây kế sữa hay còn gọi là cây cúc gai, cây kế thánh (tên tiếng Anh: Milk thistle) là cây thân thảo vốn mọc hoang dã ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những hoạt chất quan trọng của cây kế sữa là silymarin, được chiết xuất từ hạt của cây. Silymarin là một flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và được sử dụng để điều trị các bệnh về gan.

1. Tác dụng của cây kế sữa

Cây kế sữa là một loại cây có nguồn gốc từ châu Âu và được thực dân đầu tiên đưa đến Bắc Mỹ. Cây kế sữa hiện được tìm thấy trên khắp miền đông Hoa Kỳ, California, Nam Mỹ, Châu Phi, Úc và Châu Á. Cây kế sữa được đặt tên dựa trên nhựa của cây như sữa chảy ra từ lá khi chúng bị bẻ gãy. Tất cả các bộ phận lộ trên mặt đất và hạt giống đều được sử dụng để làm thuốc. Silymarin là thành phần hoạt chất chính trong cây kế sữa, đây là chất vừa chống viêm, chống oxy hóa và có tác dụng hạ đường huyết. Hạt giống cây kế sữa có thể bảo vệ các tế bào gan khỏi các hóa chất và thuốc độc hại.

Hiện nay, cây kế sữa được dùng bằng đường uống là phổ biến nhất cho các rối loạn gan, bao gồm tổn thương gan do hóa chất, rượu và hóa trị liệu, cũng như tổn thương gan do ngộ độc nấm Amanita, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh viêm gan cấp tính, xơ gan và viêm gan mạn tính.

Một số người bôi cây kế sữa trực tiếp lên da để làm giảm tổn thương da do bức xạ.

Trong thực phẩm, lá và hoa cây kế sữa được ăn như một loại rau cho món salad và thay thế cho rau bina. Hạt cây kế sữa được rang để sử dụng như cà phê.

Tuy nhiên đừng nhầm lẫn cây kế sữa với cây kế thiêng (có tên tiếng Anh là Cnicus benedictus)


Kế sữa
Hạt giống cây kế sữa có thể bảo vệ các tế bào gan khỏi các hóa chất và thuốc độc hại

2. Hướng dẫn sử dụng cây kế sữa

Hiện nay trên thị trường, chiết xuất từ cây kế sữa có các dạng như viên nang uống, viên nén, bột và dạng chất lỏng.

Liều dưới đây được khuyến cáo cho người lớn sử dụng bằng đường miệng:

  • Đối với bệnh tiểu đường: Các sản phẩm có chứa 140 mg chiết xuất từ cây kế sữa được uống ba lần mỗi ngày trong 45 ngày. Người bệnh có thể sử dụng 200 mg chiết xuất từ cây kế sữa mỗi ngày hoặc ba lần mỗi ngày trong 4 tháng đến một năm. Các sản phẩm kết hợp khác như 210 mg chiết xuất từ cây kế sữa và 1176 mg chiết xuất từ củ nghệ trong 3-12 tháng.
  • Đối với chứng khó tiêu: 01 ml gồm cây kế sữa và một số loại thảo dược khác dùng ba lần mỗi ngày trong 4 tuần.

3. Tác dụng phụ của cây kế sữa


Tiểu đường
Một số hóa chất trong cây kế sữa có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường
  • Khi dung đường uống: Chiết xuất cây kế sữa là an toàn cho hầu hết người sử dụng. Ở một số người, uống chiết xuất cây kế sữa có thể gây ra tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, chán ăn và có thể đau đầu.
  • Khi thoa lên da: Chiết xuất cây kế sữa an toàn khi thoa trực tiếp lên da trong thời gian ngắn.
  • Mang thai và cho con bú: Hiện nay chưa có đủ bằng chứng đáng tin cậy để biết liệu cây kế sữa có an toàn khi sử dụng khi mang thai hoặc cho con bú. Do đó các sản phụ và bà mẹ cho con bú không nên sử dụng sản phẩm này.
  • Trẻ em: Cây kế sữa an toàn khi được dùng đường uống với liều thích hợp cho trẻ từ 9 đến 1 tuổi trở lên.
  • Dị ứng với cỏ phấn hương (ragweed) và các loại thực vật có họ hàng với cỏ phấn hương: Cây kế sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm với thực vật họ Asteraceae/Compositae. Các cây họ hàng với Asteraceae/Compositae gồm cỏ phấn hương, hoa cúc, cúc vạn thọ và nhiều loại khác. Nếu bạn bị dị ứng với các loại hoa này, hãy xin ý kiến của bác sĩ trước khi dùng cây kế sữa.
  • Bệnh tiểu đường: Một số hóa chất trong cây kế sữa có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Các bệnh nhạy cảm với nội tiết tố như ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung: Chiết xuất cây kế sữa có thể hoạt tính như estrogen. Nếu bạn có bất kỳ bệnh nào có thể trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với estrogen thì không nên sử dụng các chiết xuất từ cây kế sữa.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; Mayoclinic.org

Close
Social profiles