Rối loạn tạo răng có nguy hiểm?

Rối loạn tạo răng có nguy hiểm?

Rối loạn tạo răng là những yếu tố phát sinh trong thời kỳ phôi thai hoặc trong suốt quá trình phát triển của răng và có thể đưa đến những bất thường về số lượng, hình dạng, màu sắc hoặc cấu trúc của răng.

1. Bất thường về số lượng

Tình trạng bất thường về số lượng xảy ra do xáo trộn trong giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn lá răng và dẫn đến các hậu quả như không có răng, thiếu răng và dư răng.

  • Không có răng (Anadontia)

Đây là tình trạng hiếm gặp với biểu hiện thiếu hoàn toàn răng trên cả hệ răng sữa lẫn răng vĩnh viễn. Một số trường hợp không có răng có thể liên quan đến loạn sản ngoại bì hoặc vô sản hoàn toàn lá răng.

  • Thiếu răng

Là tình trạng không có 1 hoặc vài răng và đây là trường hợp thường gặp trong dân số hiện đại với việc giảm số lượng răng được xem là xu hướng tiến hoá của con người. Đa số các trường hợp có nguồn gốc gen và liên quan đến chủng tộc.

Một trường hợp đặc biệt của thiếu răng đó là thiếu nhiều răng (Oligodontia) có liên quan đến hội chứng loạn sản ngoại bì.

  • Dư răng

Dư răng là bất thường về số lượng với tỷ lệ gặp phải tương đối cao từ 0.1-4% và thường gặp nhất ở răng cửa giữa hàm trên, răng cối, răng cối nhỏ thứ 3 hàm dưới. Nguyên nhân được dựa trên các giả thuyết: Sự tăng trưởng dư của lá răng, hiện tượng phân đôi của mầm răng bình thường.

2. Bất thường về hình dạng răng

  • Núm phụ răng

Núm phụ răng hay còn gọi là nhô răng (Dens Evaginatus). Đây là 1 bất thường phát triển với biểu hiện 1 núm là 1 phần lồi ra từ bề mặt răng.

Tình trạng này thường xuất hiện ở mặt nhai răng cối nhỏ như 1 múi phụ (núm phụ mặt nhai) hoặc cingulum răng cửa.

Núm phụ răng nhanh chóng bị vỡ hoặc mòn dẫn đến lộ tuỷ và gây ra các bệnh lý quanh chóp ở người trẻ không sâu răng. Các hậu quả này thường xảy ra khi chân răng chưa phát triển đầy đủ hoặc chưa đóng chóp.

Do đó, để bảo tồn răng hiệu quả thì cần phát hiện sớm và mài dần phần nhô này để kích thích tạo ngà thứ cấp. Sau khi mài, tiến hành che phủ chỗ ngà lộ bằng vật liệu dán.

  • Hạt trai men

Hạt trai men là phần lắng đọng men răng ở vị trí bất thường, đa số là mặt ngoài chân răng. Vị trí thường ở vùng chia chân và xuất hiện ở răng cối lớn hàm trên nhiều hơn răng cối lớn hàm dưới, trường hợp hiếm gặp có ở răng cối nhỏ 1 chân. Hạt trai men phát hiện trên X-quang và không có biểu hiện lâm sàng.

3. Bất thường về màu sắc

  • Đổi màu do Tetracycline

Đây là nguyên nhân gây đổi màu nội sinh thường gặp nhất. Tetracycline có ái tính với răng và xương nên lắng đọng trên vị trí này trong hoạt động chuyển hoá. Màu vàng nhạt của thuốc chính là màu phản ánh trên răng mọc sau đó. Dần dần theo thời gian thì Tetracycline sẽ bị oxy hoá, dẫn đến đổi từ vàng nhạt sang nâu hoặc xám.

Tetracycline có thể đi qua nhau thai nên nếu trẻ uống thuốc này trong giai đoạn 6-7 tuổi thì sẽ ảnh hưởng đến bộ răng của trẻ sau đó. Do đó, chống chỉ định kháng sinh Tetracycline cho bà mẹ mang thai và trẻ dưới 7 tuổi. Mức độ ảnh hưởng của răng tỉ lệ thuận với liều lượng và thời gian dùng thuốc.

Trên lâm sàng, răng bị đổi màu do Tetracycline được chia thành 3 mức độ:

  • Mức độ nhẹ: Răng màu vàng nhạt hay xám nhạt;
  • Mức độ trung bình: Răng màu vàng nâu hay xám đậm hơn;
  • Mức độ nặng: Răng vàng ánh nâu hay xám với những dải nhiễm sắc rõ.

Điều trị tẩy trắng chỉ có kết quả đối với mức độ nhẹ, trường hợp đổi màu mức độ trung bình và nặng thì tẩy trắng chỉ làm răng sáng lên tương đối nên cần phục hình để cải thiện màu sắc.

4. Bất thường về cấu trúc

Thiểu sản men:

Một số nguyên nhân toàn thân dẫn đến thiểu sản men, bao gồm:

  • Thiếu Vit A, C, D, Ca, P;
  • Nhiễm trùng nặng: Rubella, sởi, viêm phổi, giang mai, sốt cao;
  • Tổn thương thần kinh như bại não;
  • Trẻ sinh non, sang chấn khi sinh, ngạt và thiếu oxy;
  • Nhiễm độc, nhiễm xạ;
  • Sử dụng Tetracycline;
  • Nhiễm Flour.

Khi bị chấn thương hay nhiễm trùng răng sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến mầm răng vĩnh viễn bên dưới và dẫn đến tình trạng răng Turner.

Nếu hàm lượng fluor trong nước uống vượt 1ppm có khả năng dẫn đến thiểu sản men hoặc calci hoá kém, gọi là nhiễm Fluor (Fluorosis). Răng nhiễm fluor đề kháng với sâu răng nhưng thẩm mỹ kém và được chia ra với hai mức độ như sau:

  • Dạng nhẹ đến trung bình: Đốm trắng đến đổi màu nâu, trắng lốm đốm.
  • Dạng nặng: Men đổi màu, có rãnh, lỗ rỗ.

Trường hợp trẻ bị giang mai bẩm sinh cũng có thể gây thiểu sản men răng cửa và răng cối lớn với hình dạng đặc biệt như:

  • Răng cửa nhọn cạnh cắn, có khía chữ V giữa cạnh cắn (Răng cửa Hutchinson).
  • Răng cối lớn có mặt nhai phân thuỳ hay nhiều khía gọi là răng cối quả dâu.

Sinh ngà bất toàn (Dentogenesis Imperfecta):

Sinh ngà bất toàn có đặc điểm di truyền tính trạng trội, nhiều biểu hiện khác nhau gây ảnh hưởng ngà răng cả bộ răng sữa và vĩnh viễn. Trên lâm sàng còn được gọi là ngà óng ánh di truyền do sự loạn màu của ngà trên lâm sàng.

Sinh ngà bất toàn được chia thành 3 loại:

Loại 1: Sinh ngà bất toàn kết hợp sinh xương bất toàn.

  • Do khiếm khuyết hình thành collagen, làm cho xương xốp, giòn.
  • Răng sữa thường bị ảnh hưởng hơn răng vĩnh viễn.
  • Đa thấu quang quanh chóp, thân răng hình củ, buồng tuỷ bít kín, chân răng ngắn, gãy, răng màu hổ phách trong suốt.

Loại II: Ngà óng ánh di truyền với đặc điểm tương tự loại I nhưng không kèm theo sinh xương bất toàn.

Loại III: Kiểu Brandywine.

  • Răng có dạng vỏ sò, thân răng hình chuông

Loạn sản ngà răng (Dentin Dysplasia)

Đây là bất thường hiếm gặp do di truyền tính trội ảnh hưởng đến ngà răng.

Loạn sản ngà răng được phân thành 2 loại:

Loại I: Ảnh hưởng đến chân răng

  • Hình thái và màu sắc thân răng bình thường
  • Chân răng ngắn, sang thương viêm quanh chóp, răng mất sớm
  • Trên phim tia X có hình ảnh thấu quang quanh chóp rộng, chân răng ngắn, không có hốc tuỷ.

Loại II: Ảnh hưởng đến thân răng

  • Hiếm gặp hơn loại I
  • Màu răng sữa óng ánh, màu răng vĩnh viễn bình thường
  • Buồng tuỷ răng vĩnh viễn rộng và lấp đầy bởi cầu ngà bất thường

Nội tiêu (Internal resorption):

  • Thường chỉ xảy ra ở một răng bất kỳ do hoạt hoá huỷ ngà bào và hủy cốt bào mặt trong chân răng hay thân răng.
  • Thường không có triệu chứng cho đến khi thủng chân răng và có thông thương với túi nha chu. Trong trường hợp nặng, răng có ánh hồng do buồng tuỷ tiến gần bề mặt răng.
  • Khi đã thông thương với túi nha chu, tiên lượng giữ lại răng rất thấp.

Ngoại tiêu

  • Ngoại tiêu là tình trạng rối loạn hệ thống răng với biểu hiện tiêu ngót từ mặt ngoài. Đây có thể là kết quả của một bệnh lý lân cận như viêm mạn tính, nang và u. Ngoài ra có thể liên quan đến chấn thương, chỉnh nha, cấy lại răng và răng ngầm. Một số trường hợp răng ngoại tiêu không rõ nguyên nhân.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov

Close
Social profiles