Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa

Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh lý về thần kinh phổ biến hiện nay. Vậy rối loạn lo âu lan tỏa là gì, dấu hiệu của bệnh là như thế nào? Làm gì khi biết mình mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa?

1. Rối loạn lo âu lan tỏa là gì?

Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh liên quan đến căng thẳng, lo lắng kéo dài và có xu hướng tiến triển thành mãn tính. Tình trạng lo âu này thường không tập trung vào một hoàn cảnh hay sự kiện cụ thể mà tản mạn, lan tỏa ở nhiều mối lo sợ khác nhau.

Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống nhiều áp lực và thay đổi nhanh chóng hiện nay. Bệnh có thể bắt đầu từ lúc nhỏ hoặc giai đoạn vị thành niên, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

2. Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa

Các bệnh lý rối loạn lo âu thường dễ bị nhầm lẫn vì đều có dấu hiệu là lo lắng, nhưng rối loạn lo âu lan tỏa đặc trưng bởi tình trạng lo lắng quá mức và tản mạn, có thể được mô tả như sau:

  • Sợ hãi, lo lắng thái quá về những sự kiện, hoạt động trong thời gian dài (trên 6 tháng) và không thể kiểm soát được nỗi sợ của mình.
  • Căng thẳng vận động với những biểu hiện như run tay run chân, bồn chồn, đầu căng không thể thư giãn, mệt mỏi, căng cơ.
  • Thần kinh thực vật hoạt động quá mức như đổ mồ hôi, thở gấp, mạch đập nhanh, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, khó tập trung, chóng mặt, cảm thấy khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, khô miệng.
  • Hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa gặp phải nhiều loại lo lắng khác nhau đến từ đa dạng các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Các lo lắng tập trung của người bệnh cũng không bị giới hạn như những rối loạn tâm thần khác.

Các giai đoạn rối loạn lo âu lan tỏa thường có nhiều biến động và kéo dài, đặc biệt khi có căng thẳng kèm theo, tình trạng lo lắng có thể trở nên tồi tệ hơn. Ngoài rối loạn lo âu lan tỏa, phần lớn bệnh nhân còn mắc thêm một hoặc nhiều chứng rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, ám ảnh, hoảng sợ.


rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn giấc ngủ là dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa

3. Phòng bệnh rối loạn lo âu lan tỏa

Các vấn đề về tâm lý rất khó phát hiện nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý về tiêu hóa và tim mạch như hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, …

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng, rối loạn tâm thần nói chung, chúng ta cần chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh từ các bác sĩ, cơ sở y tế uy tín được đăng trên các tạp chí, sách, báo chính thống.

Trong cuộc sống, xác định được mục đích sống của mình, sống có ước mơ, khát vọng, đam mê, … sẽ khiến bạn cảm thấy sống có ý nghĩa và tạo ra nhiều giá trị hơn. Hãy xây dựng cho mình những mối quan hệ đáng tin cậy để có thể chia sẻ niềm vui, khó khăn trong cuộc sống để phần nào giúp bạn giảm bớt lo âu, căng thẳng.

Sắp xếp dành đủ thời gian cho bản thân cũng như những người xung quanh, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe là cách phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa.

Khi thấy bản thân thường xuyên lo lắng hay sợ hãi quá mức và kéo dài, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày, hay những dấu hiệu rối loạn lo âu lan tỏa nêu trên, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý để được tư vấn điều trị phù hợp.

Tùy vào nguyên nhân gây lo âu, hiệu quả điều trị sẽ khác nhau, nếu đáp ứng tốt, người bệnh sẽ ổn định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bệnh có khả năng tái phát cao do tính cách người bệnh hay lo lắng sợ hãi.

Dấu hiệu của rối loạn lo âu lan tỏa là tình trạng lo lắng, sợ hãi một cách quá mức về nhiều sự kiện, hoạt động trong thời gian dài kèm theo các biểu hiện căng thẳng vận động và thần kinh thực vật.

Rối loạn lo âu lan tỏa là bệnh liên quan đến căng thẳng, lo lắng kéo dài và có xu hướng tiến triển thành mãn tính. Người bệnh nên tìm đến sự trợ giúp y tế nếu các biện pháp điều trị và phòng ngừa không đem lại tác dụng.

Close
Social profiles