Bị viêm amidan uống thuốc gì?

Bị viêm amidan uống thuốc gì?

Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm của một hoặc hai tuyến hình bầu dục nằm ở phía sau cổ họng có vai trò chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và miệng. Hầu hết các trường hợp viêm amidan là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn ở trẻ em. Vậy trẻ bị viêm amidan uống thuốc kháng sinh gì là thắc mắc của nhiều phụ huynh?

1. Viêm amidan là gì?

Amidan là 2 hạch bạch huyết nằm 2 bên cổ họng có nhiệm vụ ngăn ngừa nhiễm trùng và bảo vệ cho cơ quan hô hấp dưới. Tuy nhiên khi cơ quan này bị nhiễm trùng do sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn sẽ gây ra viêm nhiễm. Người bị viêm amidan thường sẽ có biểu hiện đau họng, sốt cao, nuốt khó, thở có mùi hôi,… Khi thăm khám cho các trường hợp này thấy tình trạng sưng đỏ, thậm chí có mủ ở amidan. Bệnh cần được điều trị triệt để thì mới ngăn chặn được nguy cơ tái phát hoặc chuyển sang viêm amidan mạn tính.

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến viêm amidan gồm có:

  • Môi trường sống nhiều khói bụi;
  • Thời tiết thay đổi đột ngột;
  • Sử dụng nhiều đồ ăn, thức uống lạnh;
  • Sự phát triển mạnh của tạng bạch huyết nên có nhiều hạch ở cổ và họng dẫn tới dễ bị viêm amidan;
  • Do cấu trúc và vị trí amidan có nhiều ngóc ngách và khe kẽ nên các tác nhân gây hại dễ dàng trú ẩn ở đây.

2. Viêm amidan uống thuốc gì?

Điều trị nội khoa bằng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với căn bệnh này. Tuỳ vào triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh ở từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định thuốc điều trị viêm amidan, cụ thể như sau:

Nước súc miệng sát khuẩn:

  • Là nhóm không thể thiếu để điều trị viêm amidan, nhất là với các trường hợp do vi khuẩn gây ra. Loại dung dịch đường dùng để sát khuẩn thường chứa povidon-iod hoặc chlorhexidine giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn và giúp giảm viêm.
  • Nước súc miệng sát khuẩn thường dùng chủ yếu cho các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm, do nấm Candida hoặc do viêm họng. Ngoài ra những người dễ bị cảm, viêm đường hô hấp cũng nên dùng dung dịch sát khuẩn hàng ngày để giúp cho khoang miệng được làm sạch, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển quá mức.
  • Cách sử dụng: Mỗi lần lấy 20-30ml để súc miệng ít nhất 30 giây, mỗi ngày 3-4 lần duy trì trong nửa tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ .

Thuốc giảm đau, hạ sốt:

  • Là nhóm thuốc dùng khi bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, đau vòm họng và cơ thể đau nhức.
  • Loại thuốc giảm đau hạ sốt được dùng phổ biến nhất là paracetamol bởi có độ an toàn cao, phù hợp với nhiều đối tượng và ít tác dụng phụ.
  • Ngoài ra, Aspirin cũng có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhưng tuyệt đối không được dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Loại thuốc này còn giúp chống kết tập tiểu cầu gây chảy máu kéo dài, đồng thời kích thích phản ứng dị ứng ở người có cơ địa dị ứng.

Thuốc kháng sinh:

  • Nhóm thuốc này chỉ nên dùng khi bị viêm amidan do vi khuẩn. Nguyên nhân là vì viêm nhiễm do vi khuẩn thường nghiêm trọng và dễ bị biến chứng hơn so với viêm amidan do virus.
  • Cephalosporin và Penicillin là thuốc đặc trị viêm amidan hốc mủ và do vi khuẩn được ưu tiên dùng để điều trị bệnh. Thuốc cần được dùng liên tục 7-10 ngày.

Thuốc giảm phù nề, chống viêm:

  • Thuốc dạng men: Alpha choay là thuốc hay dùng ngậm dưới lưỡi, giúp giảm viêm và chống phù nề hiệu quả.
  • Thuốc NSAID (thuốc chống viêm không steroid): Giúp giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Thuốc mang lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn, dễ dùng nhưng chỉ được phép dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để tránh nguy cơ xuất huyết dạ dày hoặc chảy máu kéo dài.
  • Thuốc uống chứa corticoid: Là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm mạnh nhất với cơ thể hoạt động tương tự như hormone cortisol do tuyến thượng thận bài tiết.

Ngoài các thuốc trên thì người bệnh viêm amidan cũng có thể được kê đơn sử dụng thêm thuốc giảm ho, thuốc kháng histamin H1, kẽm và vitamin C.

3. Lưu ý trong việc sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm amidan

Về vấn đề sử dụng kháng sinh: Hầu hết các thuốc kháng sinh thông thường chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn chứ không có tác dụng với các tác nhân gây bệnh khác. Vì vậy nếu dùng kháng sinh cho các trường hợp viêm amidan không do vi khuẩn sẽ không có hiệu quả.

Về thời gian sử dụng kháng sinh: Thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan nên dùng trước bữa ăn bởi hấp thu của thuốc tốt nhất qua đường tiêu hoá. Đối với trẻ nhỏ, thuốc không nên dùng quá 10 ngày

4. Điều trị viêm Amidan tại nhà như thế nào?

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, chăm sóc và điều trị viêm amidan tại nhà cũng rất quan trọng. Bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc như sau:

  • Uống nhiều nước ấm: Nước ấm có thể làm dịu cơn đau họng. Ngoài ra, các loại trà thảo mộc chứa mật ong, pectin hoặc glycerine có thể hữu ích vì tạo thành lớp màng bảo vệ màng nhầy trong miệng và cổ họng, làm dịu kích ứng
  • Tránh thức ăn cứng: Bệnh nhân viêm amidan ăn thức ăn cứng hoặc sắc nhọn có thể gây khó chịu, thậm chí đau đớn. Thức ăn cứng cũng có thể làm xước cổ họng, dẫn tới kích ứng và viêm thêm. Tránh ăn các loại thực phẩm như khoai tây chiên, bánh quy, ngũ cốc khô, bánh mì nướng, cà rốt, táo sống,… Thay vào đó nên dùng các thực phẩm mềm, súp và sinh tố.
  • Súc miệng bằng nước muối: Giúp làm dịu tạm thời cơn đau. Bệnh nhân có thể pha 1 thìa cà phê múa vào 200ml nước ấm và khuấy dung dịch cho đến khi muối tan. Súc miệng bằng nước muối trong vài giây rồi nhổ ra, tuy nhiên không phù hợp với trẻ nhỏ vì nguy cơ trẻ hít phải chất lỏng và bị sặc.
  • Tăng độ ẩm trong nhà: Không khí khô có thể làm bệnh nhân đau họng thêm, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát mẻ giúp giải phóng độ ẩm trở lại không khí, giảm bớt khó chịu ở cổ họng
  • Tránh làm căng giọng: Quá trình làm căng giọng có thể gây đau đớn, làm nặng thêm tình trạng tổn thương, bệnh nhân viêm amidan nên để giọng nói nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “bị viêm amidan uống thuốc gì?” . Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định thuốc điều trị phù hợp nhất.

Close
Social profiles