Bị sốt xuất huyết có kiêng gió không?

Bị sốt xuất huyết có kiêng gió không?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến hiện nay và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời. Bên cạnh đó quá trình chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cũng cần lưu ý một số vấn đề quan trọng. Vậy bị sốt xuất huyết có kiêng gió không hay có nên nằm quạt không?

1. Tổng quan về sốt xuất huyết

Trước khi tìm hiểu vấn đề sốt xuất huyết có kiêng gió quạt không, chúng ta cần tìm hiểu tổng quan về căn bệnh nguy hiểm này. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Trong cơ chế bệnh sinh, trung gian lây truyền virus sốt xuất huyết là loài muỗi vằn. Loài muỗi này chủ yếu sinh sống trong nhà, vị trí ưa thích là những khu vực thiếu ánh sáng (như dưới gầm bàn, gầm giường, hộc tủ…) và chúng có thể hút máu người cả ban ngày lẫn ban đêm. Đặc điểm dễ nhận biết muỗi vằn là chúng có nhiều khoang trắng ở lưng và chân.

Sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không có sự khác biệt về giới tính, tuy nhiên có xu hướng mắc nhiều ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn. Các biến chứng của sốt xuất huyết vô cùng nguy hiểm, bao gồm: giảm số lượng tiểu cầu gây xuất huyết các mức độ, sốc, suy tim, suy thận hoặc tổn thương đa cơ quan. Các trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong cao.

Để trả lời thắc mắc sốt xuất huyết có kiêng gió không, chúng ta cần nắm được các triệu chứng bệnh. Sau khoảng thời gian ủ bệnh 4 đến 5 ngày, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh, bao gồm:

  • Sốt cao khó hạ: Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sốt cao 39 đến 40 độ C, rất khó hạ sốt hoặc nếu hạ thì nhanh chóng sốt trở lại. Triệu chứng sốt cao kéo dài từ 2 đến 7 ngày, tùy thể trạng cũng như cơ địa của người bệnh;
  • Nhức mỏi cơ toàn thân: Tương tự khi nhiễm các loại virus khác, virus Dengue gây sốt xuất huyết cũng làm cơ thể người bệnh nhức mỏi, đặc biệt là mỏi cơ và nhức khớp. Kèm theo đó bệnh nhân thường mệt mỏi, bải hoải, bứt rứt hoặc không có sức;
  • Đau đầu: Bệnh nhân sốt xuất huyết có các cơn đau đầu ở vùng trán, đôi khi đau rất dữ dội;
  • Xuất huyết dưới da: Đúng với tên gọi của nó, bệnh nhân sốt xuất huyết đặc trưng bởi biểu hiện các đốm xuất huyết dưới da, có thể rải rác hoặc dày đặc toàn thân.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng còn xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm hơn như: xuất huyết bất thường (chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não), biểu hiện sốc hoặc tổn thương đa cơ quan và có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp.

2. Sốt xuất huyết kiêng gió không?

Sốt xuất huyết có kiêng gió không là câu hỏi mà nhiều phụ huynh có trẻ nhỏ mắc bệnh đặt ra. Như đã đề cập ở trên, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sốt cao đến 39-40 độ C, đôi khi đi kèm với các cơn rét run. Do đó, sốt xuất huyết là bệnh cần kiêng gió và hạn chế nằm quạt, vì những điều kiện này có thể khiến mạch máu ngoại vi đang giãn do bệnh bị đột ngột co lại (do nhiệt độ thấp) và tăng nguy cơ xuất huyết. Do đó các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên con nằm quạt hay tiếp xúc với gió trời, đồng thời hạn chế tắm nước lạnh để tránh làm nặng thêm tình trạng sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, nếu tình trạng sốt xuất huyết của bé không nghiêm trọng vẫn có thể nằm quạt với điều kiện phải đảm bảo những vấn đề sau:

  • Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé để điều chỉnh mức quạt trong phòng phù hợp, tốt nhất nên để ở mức thấp nhất;
  • Tránh cho trẻ sốt xuất huyết nằm gió quạt liên tục suốt ngày đêm, thay vào đó nên có những khoảng giữa nghỉ để cơ thể thích nghi;
  • Không để quạt đứng một chỗ, hướng trực tiếp vào bé do có thể làm mũi và họng của con bị khô, gây khó chịu;
  • Trẻ bệnh nên mặc quần áo thấm hút tốt để hút mồ hôi, tránh cảm lạnh do tiếp xúc với gió từ quạt khi cơ thể ra mồ hôi;
  • Phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng bệnh của bé để có thể đưa ra hướng xử trí kịp thời.

3. Một số vấn đề cần tránh khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Bên cạnh thắc mắc sốt xuất huyết có kiêng gió quạt không đã được giải đáp ở trên, khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không tự ý dùng thuốc hạ sốt: Cha mẹ thường lo lắng khi con đột ngột sốt cao, do đó thường có tâm lý tự ý sử dụng các thuốc hạ sốt, bao gồm Aspirin hay Ibuprofen. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt xuất huyết chống chỉ định sử dụng các loại hạ sốt nêu trên do nguy cơ chảy máu có thể trầm trọng hơn do thuốc. Thậm chí, việc dùng thuốc hạ sốt không đúng sẽ dẫn đến xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng và đe dọa tính mạng;
  • Hạn chế thức ăn màu đen, nâu, đỏ: Các món ăn có màu sắc đậm (đen, đỏ, nâu) có thể gây nhẫn lẫn với triệu chứng đi ngoài phân máu ở bệnh nhân sốt xuất huyết nặng có chảy máu tiêu hóa. Bên cạnh đó, bệnh nhân sau ăn khi các món ăn màu đỏ hoặc đen, khi nôn ói cũng rất khó phân biệt được đó là màu của thực phẩm hay là máu do xuất huyết tiêu hóa;
  • Hạn chế ăn trứng: Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue khi ăn trứng có thể tạo ra một lượng nhiệt lượng lớn tích trữ trong cơ thể, khó phát tán ra ngoài nên khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi;
  • Tránh uống trà, cà phê hay chất kích thích: Trong trà đặc, cà phê, thuốc lá, rượu… đều có chứa cafein, khiến cho não bị kích thích và dẫn đến tăng huyết áp, tim đập nhanh và cơ thể mệt mỏi. Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue khi sử dụng trà đặc sẽ có nguy cơ làm giảm tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt;
  • Tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ: Dầu mỡ là tác nhân hàng đầu gây đầy bụng, ăn khó tiêu. Do đó khi sử dụng ở bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ khiến cơ thể ì ạch, mệt mỏi và bệnh chậm hồi phục hơn;
  • Tránh thực phẩm ngọt: Nước ngọt có gas, bánh kẹo, mật ong và các thực phẩm có chứa đường khi đưa vào cơ thể có thể làm các tế bào bạch cầu hoạt động chậm chạp hơn. Từ đó giảm khả năng bảo vệ và làm bệnh nhân sốt xuất huyết lâu khỏi hơn;
  • Tránh thức ăn cay nóng: Khi nhiễm virus Dengue, sức đề kháng của bệnh nhân vốn đã bị suy giảm, năng lượng ít nhiều bị hao hụt. Việc bổ sung các món ăn cay nóng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, bệnh nặng thêm mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của bệnh nhân.

Vậy là thắc mắc “sốt xuất huyết kiêng gió không?” đã có câu trả lời. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp độc giả hiểu hơn về căn bệnh này để có phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân hiệu quả.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles