Bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?

Bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?

Dị ứng thời tiết là một bệnh khá thường gặp ở những người có cơ địa nhạy cảm. Bệnh diễn ra dai dẳng, dễ tái phát, điều trị thường không thể dứt điểm. Vì vậy “Dị ứng thời tiết kiêng gì?” đã và đang là mối quan tâm của rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng thời tiết. Vậy khi bị dị ứng thời tiết kiêng ăn gì?

1. Các triệu chứng của bệnh dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết là tình trạng cơ thể bị nổi mẩn đỏ và phát ban. Dị ứng thời tiết diễn ra cùng những dấu hiệu khá dễ nhận biết, thường xuất hiện vào thời tiết chuyển mùa từ hè – đông hoặc đông – xuân với nhiệt độ và độ ẩm thay đổi một cách đột ngột như:

1.1. Da nổi phát ban với các nốt mẩn đỏ và ngứa râm ran:

Những vùng da khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột, đặc biệt là các vùng da hở như cổ, mặt, bàn tay, chân, ngực, lưng… sẽ là những nơi dễ bị nổi mẩn nhất. Lúc này bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và gãi theo phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, càng gãi tình trạng này càng nghiêm trọng hơn, các chấm đỏ sẽ lan rộng thành từng đám rồi nổi lên khắp bề mặt da mà không giảm nhẹ cơn ngứa.

1.2. Da bị tấy đỏ hoặc phồng rộp:

Biểu hiện trên thường có ở những bệnh nhân bị dị ứng thời tiết nặng, đặc biệt tình trạng sưng phù sẽ xuất hiện ở quanh vùng môi, mặt hoặc cổ gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Da phồng rộp kèm theo ngứa không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn khiến việc vệ sinh và chăm sóc trở nên khó khăn hơn.

1.3. Chàm bội nhiễm (Eczema):

Các vết chàm này không giống với các vết mẩn đỏ khác là có xuất hiện vảy ở đầu và sẽ mọc gần các khu vực khủy tay, vùng da quanh mặt hay đùi non.

1.4. Nổi mề đay cấp tính:

Nổi mề đay cấp là triệu chứng dị ứng thời tiết rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng trên khắp cơ thể. Đặc biệt nếu không xử lý kịp thời có thể gây tử vong.

2. Khi bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?

Việc kiêng là rất cần thiết với bệnh nhân bị dị ứng thời tiết, giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh và ngăn cản biến chứng hoặc tổn thương lâu dài có thể gặp phải.

2.1. Dị ứng thời tiết nên kiêng ăn các thực phẩm dễ gây kích ứng da

Dị ứng thời tiết kiêng ăn gì còn phụ thuộc vào cơ địa từng người. Nhưng thông thường, cần tránh sử dụng các thực phẩm lạ, chứa nhiều chất kích ứng da sẽ gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch:

  • Thức ăn giàu đạm như hải sản, bơ, sữa, trứng và thịt đỏ,…sẽ dễ gây kích ứng da, khiến tình trạng nổi đỏ toàn thân, khó thở và ngứa ngáy do tình trạng dị ứng thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Đậu phộng: Có chứa thành phần chính là Albumin và Vicilin đều là chất có thể gây dị ứng mạnh, do đó đây cũng là thực phẩm mà người bệnh bị dị ứng thời tiết nên tránh.
  • Món ăn cay nóng cũng khiến tình trạng dị ứng thời tiết trở nên nghiêm trọng hơn do gây nóng trong, tăng thân nhiệt và kích thích phản ứng dị ứng. Đặc biệt là khi bị nổi ban đỏ, mẩn ngứa thì cần tránh ăn thực phẩm cay nóng và ngược lại nên ưu tiên dùng các thực phẩm thanh đạm, nhiều nước.
  • Thực phẩm lạnh: Đây cũng là thực phẩm nằm trong danh sách nên kiêng khem của những người bệnh bị dị ứng thời tiết bởi khi ăn vào, hoạt động lưu thông máu bị hạn chế, gan thải độc kém hơn khiến chất độc tích tụ trong cơ thể và tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm lên men như cà pháo, cải chua, dưa muối,… chứa nhiều loại vi khuẩn làm xấu đi các triệu chứng dị ứng.
  • Rượu bia hoặc các chất kích thích: Nhóm thực phẩm này được khuyến cáo nên hạn chế. Các chất này dễ tích tụ trong cơ thể và gây độc, khiến cho hệ miễn dịch hoạt động kém đi, tình trạng dị ứng cũng trở nên xấu hơn.

2.2. Dị ứng thời tiết nên kiêng để da tiếp xúc gió hoặc nước lạnh

Vùng da bị dị ứng thời tiết sẽ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn so với bình thường, do đó cần phải hạn chế tối đa tiếp xúc với gió hoặc nước lạnh. Đặc biệt trong thời tiết khô hanh, vết ngứa do dị ứng trên da sẽ lan rộng hơn đi kèm nhiều triệu chứng khó chịu khác.

Hơn nữa, người bệnh dị ứng thời tiết cần đặc biệt cẩn thận tránh để bị nhiễm lạnh khi tắm, sử dụng nước ấm và tắm trong phòng kín gió. Sau khi tắm xong nên lau khô người, dùng sưởi hoặc trùm chăn kín người để cơ thể không bị nhiễm lạnh.

2.3. Dị ứng thời tiết không nên lạm dụng sử dụng thuốc

Dị ứng nói chung và dị ứng thời tiết nói riêng sẽ đều gây nhiều các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là làm tổn thương da với những cơn ngứa ngáy. Dù vậy, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng cũng như lạm dụng quá liều thuốc kháng sinh trị dị ứng, kem bôi chống dị ứng,… Dùng thuốc sai cách hoặc lạm dụng sẽ càng khiến phản ứng dị ứng của cơ thể trở nên khó kiểm soát hơn.

2.4. Dị ứng thời tiết nên tránh mặc quần áo bó sát, chật chội

Quần áo bó, chật sẽ gây cọ xát lên da, khiến dị ứng trở nên trầm trọng và lan rộng hơn. Ngoài ra, chà xát mạnh vùng da dị ứng còn khiến trầy xước và nhiễm trùng da nguy hiểm. Nên cho người bệnh ăn mặc thoải mái để giảm thiểu vùng da tiếp xúc với vải, tránh nguy cơ mẫn cảm với chất liệu vải, bột giặt, các tác nhân gây bệnh bám trên vải.

3. Cần làm gì để giảm triệu chứng khó chịu khi bị dị ứng thời tiết?

Ngoài kiêng những thực phẩm hoặc thói quen sinh hoạt không phù hợp, bệnh nhân dị ứng thời tiết cũng nên áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà sau đây để có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh:

  • Thường xuyên uống nước lọc hoặc nước ép trái cây;
  • Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe, tăng tuần hoàn máu và giảm nguy cơ bệnh tật.
  • Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần tích cực, lạc quan thoải mái.
  • Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, đặc biệt là các vật dụng cá nhân như chăn gối, màn, khăn mặt,…

Dị ứng thời tiết kiêng gì còn phải tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Thông thường, việc kiêng cữ nghiêm ngặt sẽ giúp người bệnh kiểm soát được phần nào triệu chứng dị ứng và phòng ngừa biến chứng hiệu quả.

Close
Social profiles