Chăm sóc trẻ bị hen vào mùa rét

Chăm sóc trẻ bị hen vào mùa rét

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Mùa đông đến là nỗi lo của rất nhiều bậc phụ huynh có trẻ nhỏ bởi đây là mùa có nguy cơ cao nhất trẻ nhỏ bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh cần được phát hiện và kiểm soát kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Vậy tại sao trời rét lại ảnh hưởng nhiều đến tình trạng hen, và làm thế nào để chăm sóc trẻ bị hen vào mùa rét? Bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ và chăm sóc con nhỏ tốt nhất.

1. Bệnh hen suyễn

Bệnh hen không phải là bệnh lây lan hay truyền nhiễm. Trẻ em là đối tượng bị hen nhiều nhất. theo nghiên cứu thống kê, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi so với người lớn.

Tuy nhiên do trẻ còn nhỏ, chưa thể hiện được rõ những vấn đề sức khỏe của mình, đặc biệt với những trẻ dưới 2 tuổi, vì vậy cha mẹ thường khó phát hiện hoặc phát hiện chậm tình trạng của trẻ .

Cha mẹ cần để ý thái độ, hành vi của trẻ để phát hiện được những bất thường ở trẻ


Trẻ hen suyễn
Trẻ em là đối tượng bị hen nhiều nhất. theo nghiên cứu thống kê, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi so với người lớn

2. Nguyên nhân trẻ mắc hen suyễn

Thời tiết thay đổi bất thường, giao mùa

Trời rét làm nguy cơ trẻ bị hen và tăng nguy cơ tái phát cơn hen cao hơn. Nguyên nhân do nước ta có khí hậu nóng ẩm, mùa đông thường có không khí lạnh và hơi ẩm ướt có thể xâm nhập qua đường thở từ đó gây ra các triệu chứng của cơn hen cấp như ho, khò khè, khó thở, tức ngực ở những trẻ bị hen vốn có đường thở luôn ở trong tình trạng viêm mạn tính.

Không khí lạnh khiến các bào tử nấm mốc xuất hiện nhiều ở trong không khí, đây là yếu tố có thể gây ra tình trạng hen phế quản.

Ngoài ra thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ trẻ dễ bị cảm cúm, cảm do virus, cảm lạnh.

Tiếp xúc với tác nhân bên ngoài

Tiếp xúc với lông chó, mèo, ô nhiễm không khí, phấn hoa, khói bếp, nấm mốc,…

Một số thực phẩm nguy cơ cao gây hen suyễn như: tôm, cua ốc, ếch…

Cơ địa

Nhiều trẻ bị bệnh hen là do cơ địa. Những trẻ bị viêm mũi dị ứng, viêm phế quản co thắt, thể tạng tăng tiết dịch có nhiều khả năng bị mắc bệnh hen.

Di truyền

Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh về dị ứng như mẩn ngứa, dị ứng thời tiết, viêm mũi dị ứng theo mùa, thì tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị mắc hen cao hơn.

3. Dấu hiệu trẻ lên cơn hen

Để biết được trẻ có bị mắc bệnh hen không, cha mẹ có thể để ý những hành động rõ ràng của trẻ khi thời tiết thay đổi, trẻ gắng sức:

  • Khi trẻ ho có cảm giác nặng ngực
  • Thở khò khè
  • Thở nhanh,
  • Trẻ tái phát ho nhiều lần, ho nhiều về đêm

Tuy nhiên, có nhiều trẻ lại không có biểu hiện rõ ràng, không lên cơn, biểu hiện không điển hình vì vậy cha mẹ có thể cho trẻ thực hiện đo hô hấp ký. đây là một nghiệm pháp có thể giúp chẩn đoán hen khi nghi ngờ trẻ bị hen, sử dụng khi khi trẻ không lên cơn hoặc khi có biểu hiện không điển hình. Tuy nhiên, đây là một nghiệm pháp đòi hỏi người bệnh phải biết hợp tác nên thường khó thực hiện đối với những trẻ dưới 6 tuổi.


Trẻ bị ho có đờm, khò khè, phải làm thế nào? (Phần 2)
Trẻ tái phát ho nhiều lần, ho nhiều về đêm là một trong nhiều biểu hiện của hen suyễn

4. Cách chăm sóc trẻ bị hen phế quản

Cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách để phòng ngừa cơn hen ở trẻ và giảm triệu chứng bệnh bằng cách:

Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nguyên nhân có thể làm khởi phát cơn hen

Không nuôi thú vật trong nhà như chó, mèo,… trong nhà, thường xuyên diệt gián. Không hút thuốc lá gần trẻ, không để những sản phẩm có hóa chất (diệt muỗi, gián,…) trong nhà.

Hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc mùi nhang khói.

Vệ sinh nơi ngủ của trẻ

Giường, chăn chiếu vệ sinh sạch sẽ, không nên trải thảm lông vì chúng tích tụ rất nhiều vi khuẩn, lông tơ có thể bay vào mũi trẻ.

Thường xuyên giặt gối, khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng để tiêu diệt vi khuẩn.

Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông vì đây cũng là nơi tích tụ, sinh sản của vi khuẩn

Phòng trẻ nên thoáng đãng, có cửa sổ để thông thoáng. Hàng ngày nên cho trẻ vui chơi ngoài trời, nơi thoáng khí.

Chú ý ăn uống

Hải sản, cua, ốc,… là những loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao, chỉ cho trẻ thử 1 lượng nhỏ lần đầu để xem phản ứng của trẻ có dị ứng không.


hải sản
Hải sản, cua, ốc,… là những loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao

Tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ bằng các chế độ dinh dưỡng phù hợp như bổ sung nhiều vitamin C, vitamin E từ các loại thực phẩm tốt như rau xanh, cà rốt, cam, bưởi… để tăng cường chức năng hô hấp

Cho trẻ đeo khẩu trang, đeo khăn trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh trẻ hít trực tiếp không khí lạnh vào phổi dẫn đến tình trạng xuất hiện cơn hen.

Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu hen hoặc nghi ngờ cần đưa đi khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống, tự ý cho trẻ ngưng thuốc khi trẻ đỡ cơn hen.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế không chỉ trang bị thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quốc tế mà còn có đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao giúp việc chẩn đoán và điều trị nhanh và hiệu quả, đem lại sự thoải mái cho người bệnh. Cha mẹ có thể tin tưởng đưa trẻ đến các cơ sở gần nhà để thăm khám và điều trị.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Close
Social profiles