Các nốt mụn nước của bệnh chân tay miệng mọc ở đâu trước?

Các nốt mụn nước của bệnh chân tay miệng mọc ở đâu trước?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Nguyễn Hùng Tiến – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Khi bị chân tay miệng, các nốt mụn nước của bệnh sẽ xuất hiện ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên lưỡi. Kích thước mụn nước nhỏ, nằm trên nền niêm mạc viêm đỏ. Sau đó, các mụn nước mới xuất hiện tiếp ở bàn chân, bàn tay hoặc ở mông, gối.

1. Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng

Bệnh chân tay miệng thường xuất hiện quanh năm, nhưng đặc biệt tăng vào giai đoạn từ tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là do nhóm virus đường ruột Enterovirus và Cosackie virus gây nên. Bệnh chủ yếu gặp ở nhỏ và trẻ dưới 5 tuổi, vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, khó chống đỡ các tác nhân gây bệnh. Một người khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch từ nốt phỏng, phân, chất nôn của người nhiễm bệnh tay chân miệng.

Thông thường, bệnh chân tay miệng ở trẻ sẽ không gây nguy hiểm nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Nhưng nếu trẻ không được chăm sóc tốt thì virus gây bệnh tay chân miệng có thể sẽ tấn công lên não, gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Vì vậy, khi bị bệnh tay chân miệng mà có các dấu hiệu như sau thì phụ huynh nên đưa trẻ đi viện ngay:

  • Trẻ sốt cao ≥ 39 độ C hoặc sốt trên 2 ngày không đỡ
  • Trẻ thở nhanh, khó thở
  • Trẻ hay giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, khó vào giấc ngủ
  • Trẻ nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi bông tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh
  • Trẻ co giật, hôn mê

Chăm sóc và điều trị bệnh tay chân miệng
Thông thường, bệnh chân tay miệng ở trẻ sẽ không gây nguy hiểm nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong vòng 14 tuần

2. Chân tay miệng mọc ở đâu trước

Thông thường, sau khoảng 1 – 2 ngày ủ bệnh, bệnh tay chân miệng thường sẽ khởi phát vào ngày thứ 3 với triệu chứng sốt, đây là dấu hiệu đầu tiên khi một người bị nhiễm bệnh. Tùy theo thể trạng và tình hình nhiễm bệnh mà trẻ sẽ có tình trạng sốt nhẹ hoặc cao.

Sau khi sốt, phát ban tay chân miệng sẽ nổi lên. Vậy phát ban chân tay miệng mọc ở đâu trước? Theo đó, bệnh chân tay miệng nổi mụn nước đầu tiên ở niêm mạc miệng, bao gồm mặt trong má, lợi, lưỡi, các mụn nước dập vỡ rất nhanh tạo ra những vết trợt loét đau rát, khiến trẻ khó ăn uống.

Tiếp theo, các hồng ban tay chân miệng sẽ nổi ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông với đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, nhưng sẽ không gây đau và ngứa.

Ngoài ra, bên cạnh những triệu chứng phổ biến trên, trẻ còn xuất hiện một số biểu hiện khác như đau miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi hoặc tiêu chảy nặng.

3. Chăm sóc trẻ bị chân tay miệng

Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, sau khi đi khám, mẹ có thể chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà như sau:

  • Dinh dưỡng cho bé: Vì mụn nước tay chân miệng vỡ tạo vết loét ở miệng làm trẻ đau, khó ăn uống nên mẹ hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa, uống nhiều nước mát, thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng.
  • Thuốc cho bé: Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều lượng theo cân nặng để hạ sốt và thuốc khác theo đơn bác sĩ kê. Vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
  • Vệ sinh thân thể cho trẻ: Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch; không cho trẻ chọc vỡ các mụn nước, phát ban chân tay miệng để tránh bội nhiễm. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn. Vật dụng ăn uống của trẻ nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt. Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng nên mang khẩu trang y tế, sau khi tiếp xúc cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.

Ngoài việc chăm sóc đúng cho trẻ khi bị bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ để phát hiện kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường.


Khi nào cho trẻ uống thuốc hạ sốt
Cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều lượng theo cân nặng để hạ sốt và thuốc khác theo đơn bác sĩ kê

4. Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh chân tay miệng, vì vậy, cần thực hiện các biện pháp sau đây để phòng bệnh hiệu quả:

  • Rửa tay cho trẻ và người lớn thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày.
  • Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống đảm bảo được sạch sẽ trước khi sử dụng và dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Thường xuyên lau chùi các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi và không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của người bệnh cần thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
  • Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Close
Social profiles