Bổ sung kẽm trong kiểm soát tiêu chảy ở trẻ

Bổ sung kẽm trong kiểm soát tiêu chảy ở trẻ

Trẻ bị tiêu chảy thường dễ mất đi một lượng kẽm đáng kể và kèm theo các tình trạng nguy hiểm khác như mất nước. Thiếu kẽm có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hoá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá ở trẻ. Do đó, việc bổ sung kẽm với liều lượng phù hợp được xem là một điều cần thiết trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

1. Tầm quan trọng của việc bổ sung kẽm cho trẻ mắc bệnh tiêu chảy

Hiện nay tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tiêu chảy gây tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ sống ở các nước có mức sống thấp hoặc thu nhập trung bình.

Theo nghiên cứu cho biết, hàng năm có tới hơn một triệu trẻ em dưới 5 tuổi không chịu nổi tình trạng mất nước có liên quan đến phần lớn các ca tử vong do tiêu chảy.

Người ta cũng ước tính rằng, khoảng 13% số năm bị mất đi do tàn tật, sức khoẻ yếu hoặc chết sớm (hay còn được gọi chung là số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) có liên quan mật thiết đến bệnh tiêu chảy.

Chính vì những lý do trên, ngày nay các hướng dẫn về quản lý lâm sàng cho bệnh tiêu chảy ở những trẻ em dễ bị tổn thương nhất do căn bệnh này trên toàn thế giới vẫn đóng một vai trò vô cùng cấp thiết và quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để giúp trẻ sớm phục hồi, rút ngăn thời gian điều trị và làm giảm tỷ lệ mắc tiêu chảy vẫn là những câu hỏi còn đang dang dở chưa có lời giải đáp cụ thể.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả để kiểm soát lâm sàng cho bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, bao gồm:

  • Sử dụng muối bù nước qua đường uống nồng độ thấp (ORS – Oresol)
  • Bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy
  • Men vi sinh
  • Kháng sinh

Đối với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh, trong khi đó kẽm có thể được sử dụng cho hầu hết các tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

Việc sử dụng kẽm cho trẻ tiêu chảy không những có khả năng làm giảm thời gian điều trị bệnh, hồi phục nhanh chóng sức khỏe đường ruột mà còn giúp giảm đáng kể tỷ lệ tái phát bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Hơn nữa, kẽm cũng đem lại nhiều tác dụng tuyệt vời khác cho cơ thể, chẳng hạn như tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa một số tác nhân gây bệnh, phát triển cơ quan tiêu hoá của trẻ, tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ bị biếng ăn hoặc suy dinh dưỡng. Khi cơ thể trẻ bị thiếu kẽm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hoá, làm ảnh hưởng xấu đến cấu trúc và chức năng của đường tiêu hoá, thậm chí gây suy giảm hệ miễn dịch.


Cho trẻ uống kẽm vào thời điểm nào trong ngày
Việc bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy là một trong những điều rất cần thiết và quan trọng

2. Liều lượng kẽm cho trẻ bị tiêu chảy

Hiện nay, việc bổ sung kẽm cho trẻ tiêu chảy là một trong những điều rất cần thiết và quan trọng trong phác đồ điều trị căn bệnh này ở trẻ nhỏ. Hệ thống miễn dịch của trẻ luôn cần đến một lượng kẽm nhất định để có thể hoạt động hiệu quả và chống lại bệnh tật.

Tuy nhiên, ở những trẻ mắc bệnh tiêu chảy thường bị mất đi một lượng kẽm đáng kể. Do đó, các bậc cha mẹ nên bổ sung dưới dạng siro kẽm cho trẻ tiêu chảy nhằm giúp làm giảm thời gian cũng như mức độ nặng của bệnh, đồng thời hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu nguy cơ bùng phát các đợt tiêu chảy mới ở trẻ sau điều trị.

Nên sử dụng kẽm cho trẻ tiêu chảy càng sớm càng tốt, nhất là khi trẻ bắt đầu có các triệu chứng của bệnh. Bạn nên cho trẻ uống kẽm vào thời điểm đói, vì điều này sẽ giúp cơ thể bé hấp thụ thuốc tốt hơn. Dưới đây là một số khuyến cáo về liều kẽm cho trẻ tiêu chảy mà bạn có thể tham khảo:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Uống 10 miligam/ngày và sử dụng trong vòng 10 – 14 ngày.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi: Uống 20 miligam / ngày và sử dụng trong vòng 10 – 14 ngày.

Bạn có thể bổ sung siro kẽm cho trẻ tiêu chảy theo đúng liều lượng được khuyến cáo trên, tuy nhiên cần tránh cho trẻ uống quá nhiều kẽm nhằm tránh gặp phải các nguy cơ sức khoẻ khác. Thực tế, kẽm cũng mang lại tác dụng đối với cả những bệnh nhân mắc tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy có phân lẫn máu chứ không chỉ với mỗi tiêu chảy cấp.

Để hạn chế việc trẻ nhỏ phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Trẻ cần được bổ sung thêm: lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,.. giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Close
Social profiles