Triệu chứng của bệnh lỵ amip ở trẻ nhỏ và cách điều trị phù hợp

Triệu chứng của bệnh lỵ amip ở trẻ nhỏ và cách điều trị phù hợp

Hỏi:

Chào bác sĩ, bé nhà em hiện 6 tháng, bé xét nghiệm phân bị lỵ amip, từ lúc phát hiện đến hiện tại là đã gần tháng, chữa từ bệnh viện nhỏ đến lớn nhưng vẫn đi cầu ngày 10 lần. Bé làm xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng thì mọi thứ vẫn bình thường. Em cảm thấy rất mệt mỏi và luôn đặt câu hỏi: không lẽ căn bệnh lý này khó chữa vậy hay sao, tại sao đi từ bác sĩ này qua bác sĩ khác bé vẫn không khỏi. Bác sĩ cho em hỏi có phải liệu rằng ruột bé đã bị hư hại nên mới không đáp ứng thuốc phải không ạ?

Mỗi ngày em đều vệ sinh phòng ốc rất sạch sẽ, quần áo của con cũng trụng nước sôi, nhưng bé vẫn đi ngoài ngày chục lần.

Hiện tại chế độ ăn của em (mẹ bé) cũng cực kỳ kiêng khem, hầu như không ăn bất cứ 1 thực phẩm nào ngoài trứng với thịt vì sợ con đi ngoài. Bác sĩ cho em hỏi vậy em nên ăn gì khi con bị lỵ amip, ngày đi cầu trên 10 lần như vậy ạ.

Cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Trang (1991)

Trả lời:

Xin chào bạn. Thật đáng tiếc là bạn chưa cho biết trong 1 tháng qua con bạn được điều trị thuốc gì để chữa bệnh lỵ amip, xét nghiệm phân của con bạn hiện ra sao, bé đang bú mẹ và có ăn kèm sữa công thức không? Tuy nhiên theo bạn mô tả thì tôi hiểu bé còn đi cầu trên 10 lần/ ngày thôi, nếu thế không đáng quan ngại lắm đâu. Đó là vì bệnh lỵ Amip do ký sinh trùng Amip gây viêm đại tràng (Viêm ruột già) nên trẻ có mót rặn, đi ngoài nhiều lần, kèm sốt, phân nhầy máu. Con bạn chỉ còn đi cầu nhiều lần trong ngày đây có thể là do trẻ còn bị kích thích ở ruột già nếu mỗi lần đi són phân, hay nếu mỗi lần đi phân sống, mùi chua thì đấy là do con bạn bị loạn khuẩn đường ruột sau một đợt điều trị kháng sinh thôi. Bởi vậy theo tôi thì chế độ ăn của bạn hiện đang dùng thì nên bổ sung rau xanh, hoa quả, sữa chua nữa, thịt thì cả thịt gà, thịt bò, tôm nhé. Bạn luôn ăn thức ăn nấu chín, uống nước sôi, đảm bảo nguồn nước dùng hàng ngày luôn sạch. Riêng với bé thì bạn luôn giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân tốt (giữ cho bé không bị hăm quanh hậu môn, và bộ phận sinh dục) nhé và giữ vệ sinh môi trường là cách chăm sóc tốt nhất rồi đấy. Hi vọng sau vài ngày nữa bạn và bé yêu của mình nhanh chóng trở lại sức khỏe như trước đây.

Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới website vinmec.com Trân trọng.

BS Phạm Thị Khương – Bác sĩ truyền nhiễm – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.


Close
Social profiles