Siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành?

Siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành?

Siêu âm tim là một kỹ thuật thăm dò được sử dụng phổ biến trên lâm sàng nhằm giúp hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý khác nhau liên quan đến tim và vùng lân cận. Vậy siêu âm tim có thể đánh giá được những vấn đề nào của tim? Siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành được không? Và cần phải lưu ý những gì khi tiến hành siêu âm tim?

1. Siêu âm tim là gì?

Siêu âm tim là một phương pháp thăm dò chẩn đoán nhằm hỗ trợ cho việc kiểm tra cũng như phát hiện các bất thường về cấu trúc, chức năng của tim để giúp cho quá trình chẩn đoán được chính xác hơn. Siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm tần số cao để có thể ghi lại được những hình ảnh động chân thực nhất về tim và cấu trúc các bộ phận của tim.

Siêu âm tim giúp đánh giá:

  • Hình dạng, kích thước tim trong một chu kỳ hoạt động của tim.
  • Quá trình và cách hoạt động co bóp đẩy máu đi nuôi cơ thể của tim và cả cách nhận máu trở về từ hệ thống tĩnh mạch.
  • Khả năng co bóp và sức bơm của tim.
  • Đánh giá kích thước và các chuyển động của thành tim trong quá trình bơm máu.
  • Quan sát các hoạt động của các van tim, đánh giá những bất thường về van tim, đặc biệt vấn đề hở hay hẹp van tim.
  • Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp phát hiện các khối u, sự xuất hiện của dịch viêm ở vùng cơ tim, mạch máu hay quanh van tim để từ đó có định hướng chẩn đoán và điều trị chính xác hơn.

2. Siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành?

Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý phổ biến xảy ra nhiều ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, có một vấn đề nghiêm trọng là đa số các bệnh nhân bị mắc bệnh mạch vành đều phát hiện ra bệnh ở giai đoạn bệnh có gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tim mạch và sức khỏe toàn thân. Vấn đề đặt ra là có thể chẩn đoán sớm bệnh mạch vành hay không? Và liệu siêu âm tim có phát hiện bệnh mạch vành được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Như đã nói ở trên, bằng việc sử dụng sóng siêu âm tần số cao, siêu âm tim giúp ghi lại những hình ảnh về cấu trúc giải phẫu và cả các hoạt động của tim. Qua đó giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đưa ra những kết luận đánh giá tổng thể về cấu trúc giải phẫu, hoạt động chức năng cũng như sức khỏe của tim. Sự suy yếu hoạt động tim khiến các thành cơ tim co bóp yếu hơn bình thường, hoặc một hình ảnh buồng tim giãn đồng nghĩa với việc tim đã bị tổn thương hoặc đang ở trạng thái thiếu oxy. Các dấu hiệu này có thể định hướng đến chẩn đoán liên quan đến các bệnh lý mạch vành hoặc các bệnh lý về tim, cơ tim.

Cụ thể, các chuyên gia chẩn đoán hình ảnh giải thích rằng: mạch vành là hệ thống mạch máu cung cấp máu và oxy trực tiếp cho tim. Khi mạch vành bị tổn thương, tắc nghẽn hay gặp các vấn đề bất thường khác sẽ làm giảm lượng máu và oxy tới tim. Vùng cơ tim không được cung cấp đủ oxy sẽ bị rối loạn hoạt động so với các vùng lân cận. Sự rối loạn này có thể là giảm hoặc mất hoàn toàn vận động cơ tim. Toàn bộ các bất thường này sẽ được thể hiện khi tiến hành siêu âm tim. Tuy nhiên, nhược điểm của siêu âm tim bệnh mạch vành là phương pháp này chỉ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các vấn đề của mạch vành đã có ảnh hưởng đến vận động của các buồng tim. Ở giai đoạn sớm, khi cơ tim chưa bị ảnh hưởng thì việc chẩn đoán qua siêu âm có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót bệnh lý.

Để chẩn đoán chính xác nhất bệnh mạch vành, tùy theo thể trạng và những dấu hiệu lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm siêu âm tim, siêu âm tim gắng sức, điện tâm đồ, chụp động mạch vành, chụp cắt lớp vi tính đa dây động mạch vành, hay chụp cộng hưởng từ tim…

3. Một số điều cần lưu ý khi siêu âm tim

Siêu âm tim là một kỹ thuật thăm dò không xâm lấn, không gây đau và không gây hại với người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ do siêu âm như:

  • Một số bệnh nhân bị cảm giác khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ băng dính dán các điện cực trên ngực.
  • Trường hợp bệnh nhân có chỉ định siêu âm tim gắng sức hoặc phải sử dụng thuốc hỗ trợ để siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời. Đây là tác dụng phụ do thuốc, không phải do thao tác hay kỹ thuật siêu âm.
  • Những bệnh nhân phải siêu âm qua đường thực quản, sau siêu âm có thể bị đau vùng cổ họng trong vài tiếng. Một vài trường hợp bị vấn đề về hô hấp do liên quan đến lượng khí oxy hít thở trong lúc thực hiện siêu âm và tác dụng phụ của thuốc an thần. Xước niêm mạc họng, chảy máu hay các tổn thương khác vùng họng rất hiếm khi xảy ra.

Để an toàn cho người bệnh và không ảnh hưởng đến kết quả siêu âm tim, trước khi siêu âm bệnh nhân cần:

  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhịn ăn vài giờ trước thủ thuật với bệnh nhân siêu âm qua đường thực quản hoặc siêu âm gắng sức.
  • Bệnh nhân cần uống thuốc an thần hoặc phải gây tê vùng cổ họng nếu tiến hành siêu âm qua thực quản.
  • Đối với siêu âm tim thông thường, bệnh nhân vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường.
  • Sau siêu âm tim, hầu như tất cả bệnh nhân đều có thể tiếp tục các hoạt động bình thường. Nếu thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường cần báo ngay với nhân viên y tế hoặc các bác sĩ chuyên môn để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Nói chung, siêu âm là một phương pháp chẩn đoán an toàn, chính xác và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải mọi bệnh lý đều có thể được phát hiện qua hình ảnh siêu âm. Trên lâm sàng, đôi khi cần kết hợp siêu âm với các kỹ thuật thăm dò cận lâm sàng khác như chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI, xét nghiệm máu… bác sĩ mới có thể đưa ra được chẩn đoán chính xác phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh. Hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa hoặc những người có chuyên môn để được tư vấn cụ thể hơn về những phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

Close
Social profiles