Rối loạn chuyển hóa lipid gây bệnh gì?

Rối loạn chuyển hóa lipid gây bệnh gì?

Rối loạn chuyển hóa lipid với tỉ lệ mắc tăng cao qua các năm và có xu hướng trẻ hóa dần. Vậy rối loạn chuyển hóa lipid máu là gì? Rối loạn chuyển hóa lipid máu gây bệnh gì?

1. Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu là sự mất đi sự cân bằng riêng lẻ hoặc đồng thời các thành phần lipid (tăng cholesterol máu, tăng LDL-C, tăng triglycerid và giảm HDL-C trong máu). Bệnh thường gặp ở đối tượng trung niên và cao tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa dần khiến không ít người phải lo lắng.

Bệnh âm thầm phát triển trong khoảng thời gian dài và các triệu chứng của rối loạn lipid máu rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu, khi bệnh biểu hiện triệu chứng rõ ràng là lúc đã có biến chứng trên các cơ quan.

2. Chẩn đoán rối loạn lipid máu:

Hiện nay, để chẩn đoán rối loạn lipid, xét nghiệm máu là phương pháp nhanh chóng và an toàn để đánh giá các chỉ số lipid có trong máu (cholesterol, triglycerid, HDL-C, LDL-C). Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa sẽ so sánh các chỉ số mỡ máu của người bệnh với chỉ số mỡ máu bình thường. Từ đó đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh cũng như có phương hướng điều trị cho người rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Lưu ý cho người bệnh trước khi thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số lipid, nên lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng và lấy máu khi đói. Nếu người bệnh đã ăn trước khi làm xét nghiệm máu thì có thể trao đổi với bác sĩ khám bệnh để dời lịch xét nghiệm sang thời điểm khác vì sau khi ăn, các chỉ số lipid trong máu đều tăng và sẽ cho kết quả không còn chính xác.

3. Rối loạn chuyển hóa lipid gây bệnh gì?

Rối loạn chuyển hóa lipid xuất hiện ở bên trong cơ thể gây ra các tình trạng bệnh như sau:

Triệu chứng và bệnh lý bên ngoài cơ thể:

  • Nhiễm lipid võng mạc: chỉ phát hiện khi soi đáy mắt và chủ yếu gặp ở những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid mà có hàm lượng Triglycerides quá cao.
  • U vàng: Phần gân duỗi xung quanh các ngón tay, gân gót chân, trước xương chày, trên đầu xương mỏm khuỷu tay và vị trí các đốt ngón tay xuất hiện u vàng trên da hoặc củ gân.
  • Nổi ban vàng: Ở các vị trí như mi mắt trên hoặc dưới, nếp gấp ngón tay, lòng bàn tay.

Triệu chứng và bệnh lý bên trong cơ thể:

  • Xơ vữa động mạch: Rối loạn lipid máu (tăng nhiều cholesterol trong máu) là một trong những nguy cơ của các bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Khi có quá nhiều LDL, cholesterol lưu thông trong máu, lâu dần sẽ lắng đọng vào thành các mạch máu, sau đó cùng với một số chất khác hình thành nên mảng xơ vữa động mạch, từ đó gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch. Tuy nhiên, rất ít trường hợp người bệnh phát hiện bệnh với biểu hiện xơ vữa động mạch đơn độc mà thường đi kèm với một vài yếu tố nguy cơ khác như tuổi, đái tháo đường hoặc hút thuốc.
  • Nhồi máu cơ tim: Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chính gây nên xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch, hẹp nhẹ có thể gây cơn đau thắt ngực, hình thành cục máu đông bịt kín lòng mạch, khiến động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn gây ra nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch nuôi nút nhịp tim gây ra rối loạn nhịp và dẫn tới tử vong.
  • Tăng huyết áp: Người có rối loạn lipid máu, tăng cholesterol tạo mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch khiến máu lưu thông kém. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn, tăng co bóp khiến áp lực máu lên thành mạch gia tăng dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
  • Tai biến mạch máu não: Các biến chứng nguy hiểm thường gặp do rối loạn chuyển hóa lipid không thể không nhắc đến tai biến mạch máu não. Tình trạng này xảy ra khi động mạch cảnh bị xơ vữa, tắc nghẽn, máu không lưu thông được lên não gây ra tai biến mạch máu não kéo theo hệ lụy nghiêm trọng như: Mất thị lực đột ngột nếu tắc động mạch võng mạc trung tâm, liệt nửa người, thậm chí tử vong.
  • Gan nhiễm mỡ: Có thể xuất hiện mỡ ở từng phân thùy gan hoặc toàn bộ. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hoặc siêu âm vùng ổ bụng. Tình trạng gan nhiễm mỡ thường gặp ở đối tượng rối loạn chuyển hóa lipid có Triglycerides trong máu tăng cao.
  • Viêm tụy cấp: Có thể xuất hiện ở đối tượng rối loạn chuyển hóa lipid có hàm lượng Triglycerides tăng cao. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân đau bụng dữ dội theo từng cơn, buồn nôn và ói nhiều, đôi khi kèm theo những cơn sốt cao, có thể tụt huyết áp.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường type 2 (Đái tháo đường không phụ thuộc insulin) không hoàn toàn là một biến chứng rối loạn lipid máu nhưng cũng nằm trong hội chứng rối loạn chuyển hóa. Quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể đều liên quan mật thiết với nhau, do đó, rối loạn lipid máu kéo dài sẽ dễ dàng kéo theo rối loạn đường huyết gây ra đái tháo đường và ngược lại.
  • Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ não và bệnh lý tim mạch khác như xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim…

4. Những nguyên tắc để điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu

4.1. Điều trị rối loạn lipid máu tùy thuộc vào từng cá thể bệnh nhân

Trên cơ sở đánh giá trình trạng rối loạn lipid máu và các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành bao gồm:

Yếu tố nguy cơ dương tính

  • Nam ≥ 45 tuổi.
  • Nữ ≥ 55 tuổi.
  • Có tiền sử trong gia đình có người bị bệnh Động mạch vành.
  • Hút thuốc lá nhiều.
  • Tăng huyết áp.
  • HDL-C < 0.9 mmol/l.
  • Đái tháo đường.

Yếu tố nguy cơ âm tính: tính trừ đi 1 yếu tố nguy cơ nếu có HDL-C ≥ 60mg/dl.

4.2. Điều trị rối loạn lipid máu bao gồm điều trị cấp một và điều trị cấp 2

Gọi là điều trị cấp 1 khi bệnh nhân có rối loạn lipid máu nhưng chưa có tiền sự bị bệnh mạch vành, điều trị cấp 2 khi bệnh nhân đã có tiền sử bệnh mạch vành.

Điều trị cấp 1:

  • Mục tiêu LDL-C máu < 4.1 mmol/l đối với những bệnh nhân có ít hơn 2 yếu tố nguy cơ.
  • Mục tiêu LDL-C máu < 3.4 mmol/l đối với những bệnh nhân có 2 hoặc nhiều hơn yếu tố nguy cơ.
  • Điều trị phải bắt đầu bằng điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập thể lực.
  • Chỉ định sử dụng thuốc giảm lipid máu: Người bệnh đã điều chỉnh chế độ ăn một thời gian mà thất bại hoặc phải bắt đầu ngay trong trường hợp sau: Có quá nhiều yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành và lượng LDL-C trong máu cao (> 4.1mmol/l); hoặc khi lượng LDL-C trong máu quá cao (>5mmol/l).

Điều trị cấp 2:

  • Khi bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh mạch vành (triệu chứng lâm sàng có cơn đau thắt ngực, xét nghiệm men tim troponin tăng, biến đổi trên điện tâm đồ,…)
  • Mục đích điều trị chủ yếu là phải giảm LDL-C < 2.6 mmol/l ( < 100 mg/dl).
  • Cần điều chỉnh chế độ ăn thật nghiêm ngặt cho mọi bệnh nhân, đồng thời cho thuốc phối hợp ngay khi LDL-C > 3.4 mmol/l.

Người mắc rối loạn chuyển hóa lipid máu cần chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát các chỉ số mỡ máu ở mức bình thường. Đồng thời, khi sử dụng thuốc giảm mỡ máu sẽ gây ra một số tác dụng phụ do đó người bệnh cần phải theo dõi và trao đổi với bác sĩ điều trị trong suốt quá trình điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Close
Social profiles