Bệnh tim yếu có chữa được không?

Bệnh tim yếu có chữa được không?

Bệnh tim yếu hay yếu tim là tình trạng suy giảm chức năng tim có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Vây định nghĩa bệnh tim yếu là gì? Bệnh tim yếu có chữa được không?

1. Bệnh tim yếu là gì?

Bệnh tim yếu hay suy tim là một bệnh lý mạn tính, tiến triển do cơ tim không đủ khả năng bơm tống máu để đáp ứng nhu cầu cung cấp oxy cho tế bào. Suy tim là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức tại cơ tim, van tim hay hệ mạch máu tại tim. Dẫn đến tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu, lượng máu bơm để cung cấp cho cơ thể giảm đi và suy yếu dần.

Trong suy tim giai đoạn đầu để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy, cơ tim sẽ căng ra để co bóp mạnh hơn, nhịp tim sẽ tăng lên để tăng lưu lượng máu, lâu dần làm các buồng tim trở nên dãn.

Các hoạt động bù trừ này có thể tạm thời làm giảm các biểu hiện của suy tim nhưng không giải quyết được nguyên nhân, suy tim vẫn tiếp tục và trở nên nặng nề hơn đến khi các hoạt động bù trừ không còn hiệu quả và bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Các triệu chứng thường gặp của Bệnh tim yếu:

  • Mệt mỏi, khó thở, thở dốc, thở hụt hơi. Tình trạng này tăng lên khi người bệnh gắng sức.
  • Ho khan, ho khạc đờm kéo dài mà không xác định được nguyên nhân.
  • Cảm giác suy nhược do cơ thể thiếu máu nuôi dưỡng.
  • Ngủ không ngon giấc, hay đau đầu, hoa mắt, chóng mắt, có thể ngất xỉu do máu lên não kém.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim đập để tăng lưu lượng tuần hoàn.
  • Giai đoạn sau, người bệnh có thể phù chân do giảm khả năng đào thải dịch qua thận làm tích nước ở phần dưới cơ thể.
  • Chán ăn, buồn nôn, tiểu đêm.

Nhiều người vẫn quan niệm sai rằng Bệnh tim yếu là nhịp tim yếu đi. Tuy nhiên, tim yếu do suy tim thì nhịp tim sẽ tăng nhanh để bù đắp lưu lượng tuần hoàn cho cơ thể. Vậy nhịp tim yếu là bao nhiêu? Ở người trưởng bình thường nhịp tim yếu khi đập dưới 60 lần mỗi phút do một số nguyên nhân cơ năng và thực thể khác.

2. Nguyên nhân bệnh tim yếu

  • Nguyên nhân thường gặp nhất của yếu tim là do tăng huyết áp: huyết áp cao khi làm tăng gánh nặng cho tim lâu dần sẽ làm suy tim.
  • Các bệnh lý tim bẩm sinh, hẹp van tim, hở van tim.
  • Xơ vữa động mạch.
  • Bệnh lý ở động mạch vành, rối loạn nhịp tim.
  • Nhồi máu cơ tim: khi mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột sẽ gây gián đoạn máu đến nuôi dưỡng tim, có thể dẫn đến hoại tử không hồi phục một phần có tim.
  • Đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến giáp (cả cường giáp và suy giáp).
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Tình trạng béo phì, bệnh lý rối loạn lipid máu hay bệnh nhân đang sử dụng các thuốc hóa trị trong ung thư,… có thể là yếu tố nguy cơ gây ra suy tim.

3. Chẩn đoán bệnh tim yếu

Chẩn đoán Bệnh tim yếu dựa vào tiền sử bệnh, các triệu chứng lâm sàng và một số cận lâm sàng:

  • Điện tâm đồ (đo ECG): cho thấy tín hiệu điện trong quá trình đập của tim, từ đó phát hiện các rối loạn nhịp, định hướng nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể.
  • Siêu âm tim: đánh giá hình thái và chức năng của từng buồng tim và các van tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) hay Cộng hưởng từ (MRI) giúp khảo sát một bất thường thực thể ở lồng ngực (thường ít sử dụng trong chẩn đoán suy tim).

Phân độ các giai đoạn của Bệnh tim yếu:

  • Độ 1: giai đoạn khởi phát, bệnh nhân hầu như chưa có biểu hiện lâm sàng rõ nét, đôi khi khó thở, mệt mỏi khi gắng sức. Giai đoạn này thường được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  • Độ 2: Bệnh nhân mệt mỏi, tức ngực, khó thở khi hoạt động thể lực. Tình trạng này giảm khi nghỉ ngơi.
  • Độ 3: Bệnh nhân mệt mỏi, khó thở ngay cả khi vận động nhẹ nhàng. Hạn chế một số vận động nặng.
  • Độ 4: Giai đoạn nặng, người bệnh khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

4. Bệnh tim yếu có nguy hiểm không? Điều trị bệnh tim yếu như thế nào?

  • Bệnh tim yếu nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho cơ thể như: đau tức ngực, nhồi máu cơ tim, ngừng thở thậm chí có thể gây đột quỵ. Do đó cần phát hiện kịp thời để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh lúc chẩn đoán và bác sĩ sẽ có phác đồ cụ thể ở từng bệnh nhân.
  • Các nhóm thuốc điều trị triệu chứng bao gồm: thuốc lợi tiểu, thuốc hạ huyết áp (chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II), thuốc chống đông máu, thuốc điều hòa rối loạn nhịp tim.
  • Nếu tình trạng suy tim nặng nề, không đáp ứng với các điều trị nội khoa có thể sử dụng các biện pháp nong mạch vành, đặt stent mạch vành, cuối cùng là ghép tim.

Như vậy, bệnh tim yếu là một bệnh lý có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Để phòng ngừa bệnh lý của hệ tim mạch dẫn đến biến chứng suy tim nên có một lối sống lành mạnh, cân bằng giữa chế độ ăn uống, vận động và nghỉ ngơi, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm tình trạng bệnh.

Close
Social profiles