Tìm hiểu về thuốc chống nghén Pruzena

Tìm hiểu về thuốc chống nghén Pruzena

Pruzena là thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng buồn nôn và nôn mửa trong thời kỳ mang thai, chứng nôn nghén. Bên cạnh đó, thuốc còn được dùng thuốc tạm thời để làm giảm tình trạng mất ngủ.

1. Pruzena có những thành phần gì?

Pruzena là thuốc chống nghén cho bà bầu. Thuốc này được bào chế dưới hình thức viên nén bao phim. Mỗi viên thuốc Pruzena có chứa các thành phần như sau:

Hoạt chất:

  • Doxylamin succinat 10mg.
  • Pyridoxin hydroclorid 10mg.

Tá dược: Tinh bột, lactose monnohydrat, povidon, natri edetat, methyl paraben, talc, magnesu stearat, natri starch glycolat, hydroxypropylmethylcellulose, màu ponceau – 4R,… vừa đủ 1 viên.

2. Dùng thuốc Pruzena khi nào?

Thuốc Pruzena được sử dụng để điều trị một số triệu chứng sau:

  • Điều trị chứng buồn nôn và nôn mửa trong thai kỳ mang thai ở phụ nữ.
  • Chứng nôn nghén.
  • Dùng tạm thời để làm giảm tình trạng mất ngủ, cải thiện sức khỏe.

Pruzena không nên dùng cho các đối tượng mẫn cảm với doxylamin, pyridoxin, các thuốc kháng histamin khác dẫn xuất từ ethanolamin hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Pruzena

3.1.Liều lượng thông thường

Người lớn: uống 2 viên nén bao phim vào giờ đi ngủ; trong những trường hợp nặng hoặc trong trường hợp bị buồn nôn/ nôn mửa suốt ngày, có thể tăng thêm liều 1 viên vào buổi sáng và/ hoặc buổi chiều. Tuy nhiên, liều dùng này chỉ được dùng để người bệnh tham khảo. Để có liều dùng phù hợp, người sử dụng cần được sự tư vấn của bác sĩ.

Cách dùng thuốc: Thuốc Pruzena được dùng theo đường uống. Liều dùng thuốc chính nên uống vào giờ đi ngủ để giảm bớt các triệu chứng vào buổi sáng, tăng cường sức khỏe.

Trường hợp dùng quá liều thuốc sẽ gây buồn ngủ. Nếu quên một liều thuốc, người dùng nên uống ngay, càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp thì bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp theo kế hoạch, không nên dùng thuốc liều gấp đôi.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Pruzena

  • Thuốc có thể gây buồn ngủ: bệnh nhân nên hạn chế các công việc như lái xe, vận hành máy móc,… cho đến khi biết rõ tác dụng của thuốc đối với cơ thể. Thuốc có thể làm tăng tác dụng an thần của rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc cho những bệnh nhân tắc nghẽn môn vị tá tràng, tắc nghẽn đường tiểu, cường giáp, tăng áp lực nội nhãn và bệnh tim mạch.
  • Nên thận trọng khi uống rượu. Do tính kháng cholinergic của các thuốc kháng histamin nên thận trọng khi sử dụng thuốc Pruzena đồng thời cùng với các thuốc khác để đảm bảo an toàn.
  • Thuốc được sử dụng cho nhiều phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không làm tăng tỷ lệ dị dạng. Thuốc không gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp trên bào thai.
  • Khi dùng thuốc Pruzena sẽ ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc: Các bệnh nhân bị chóng mặt và các rối loạn thần kinh trung ương khác, kể cả rối loạn về thị giác thì không nên lái xe và vận hành máy móc để đảm bảo an toàn.

5. Dược lực học thuốc Pruzena

  • Thành phần Doxylamin succinat là một thuốc kháng histamin dẫn xuất từ ethanolamin. Do có tính gây buồn ngủ nên được dùng làm thuốc giảm tình trạng buồn ngủ tạm thời. Thuốc cũng được dùng phối hợp với thuốc ho và thuốc chống sung huyết để làm giảm tạm thời các triệu chứng ho và cảm lạnh, làm gia tăng tác dụng của thuốc. Xét về mặt cấu trúc, doxylamin không có liên hệ với các chất chống suy nhược dạng vòng.
  • Thành phần doxylamin có trong thuốc là một chất kháng histamin có tác dụng gây tê tại chỗ, kháng muscarinic, kháng cholinergic và an thần.
  • Doxylamin được phối hợp với pyridoxin để làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn mửa ở phụ nữ có thai.

6. Dược động học của thuốc Pruzena

Doxylamin

  • Thành phần này được hấp thu tốt từ đường tiêu hóa. Sau khi uống thuốc, cần từ 2 – 3 giờ để thuốc đạt được nồng độ đỉnh. Ở người khỏe mạnh, thuốc có thời gian bán thải khoảng 10 giờ.
  • Các chất chuyển hóa của doxylamin dạng kết hợp là doxylamin 0 – glucuronid, N – desmethyl – doxylamin 0 – glucuronid, N – didesmethyl – doxylamin 0 – glucuronid được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu và qua phân.

Pyridoxin

  • Thành phần này của thuốc được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vitamin B6 được cơ thể tích lũy chủ yếu ở gan, lượng ít hơn ở cơ và não. Lượng dự trữ vitamin B6 trong toàn cơ thể khoảng 167mg.
  • Pyridoxal và pyridoxal phosphat là hai dạng chủ yếu của vitamin hiện diện trong máu, gắn kết cao với protein.
  • Pyridoxin qua được nhau thai, nồng độ trong huyết tương thai nhi cao gấp 5 lần nồng độ trong huyết tương của mẹ.

7. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pruzena

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

  • Tác động lên tim mạch: gây hồi hộp, nhịp tim nhanh.
  • Tác động lên hệ thần kinh trung ương: gây chóng mặt, mất định hướng, buồn ngủ, nhức đầu, kích thích thần kinh trung ương nghịch thường.
  • Ảnh hưởng đến hệ tiết niệu sinh dục: gây tiểu khó, bí tiểu.
  • Tác động lên hệ tiêu hóa: thuốc gây chán ăn, khô niêm mạc, tiêu chảy, táo bón, đau thượng vị, khô miệng.
  • Ảnh hưởng đến thị giác: làm người bệnh nhìn mờ, nhìn đôi.
  • Tác dụng không mong muốn chủ yếu của thuốc là buồn ngủ do có doxylamin succinat. Các tác dụng phụ khác gồm: rối loạn tiêu hóa, nhìn mờ, ù tai, kích thích, phấn chấn hay suy nhược, chán ăn, khó tiêu, nhức đầu,…
  • Khi sử dụng thuốc liều cao có thể gây động kinh. Có thể xảy ra dị ứng và sốc phản vệ, mất bạch cầu hạt và xảy ra thiếu máu do tan máu.
  • Doxylamin succinat có thể làm tăng tác dụng của atropin và các thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc cũng làm tăng tác dụng an thần của các chất ức chế thần kinh trung ương như rượu, barbiturat, thuốc ngủ, thuốc giảm đau narcotic và thuốc an thần.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc để được hướng dẫn và xử lý phù hợp.

8. Nên tránh dùng những thuốc và thực phẩm nào khi đang sử dụng Pruzena?

  • Các thuốc kháng Cholinergic: Khi sử dụng thuốc Pruzena đồng thời cùng các thuốc giảm đau narcotic, cacsphenothiazin và các thuốc tâm thần khác, thuốc chống trầm cảm ba vòng, quinidin và một số thuốc chống loạn nhịp, thuốc kháng histamin,… có thể xảy ra hội chứng kháng cholinergic trung ương và/ hoặc ngoại vi.
  • Các thuốc Cholinergic: Các thuốc có tính kháng Cholinergic cao có thể đối kháng với tác dụng điều trị của các thuốc cholinergic, gồm có các thuốc như donepezil, rivastigmin và acrin.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương: Trường hợp sử dụng đồng thời Pruzena với các thuốc ức chế thần kinh trung ương có thể làm gia tăng tác dụng an thần. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc cùng lúc, cần theo dõi tác dụng an thần một cách cẩn thận.
  • Tương tác với rượu: Người bệnh nên tránh dùng thuốc cùng với rượu, vì làm gia tăng ức chế thần kinh trung ương.
  • Điều trị bệnh bằng thuốc isoniazid gây ra tình trạng thiếu pyridoxin.
  • Các thuốc tránh thai đường uống làm giảm nồng độ pyridoxal phosphat ở một số phụ nữ.
  • Thành phần pyridoxin kích thích sự tạo dopamin từ levodopa ở mô ngoại biên. Do đó, làm giảm nồng độ dopamine trong não, làm mất tác dụng điều trị Parkinson.

Thuốc Pruzena cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và nhiệt độ không quá 300C. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em. Thuốc sử dụng phải còn hạn sử dụng in trên bao bì của thuốc. Tuyệt đối không sử dụng thuốc khi thuốc đã quá hạn dùng.

Pruzena là thuốc mang lại hiệu quả chống nghén rất tốt cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giảm tình trạng mất ngủ tạm thời. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng không tốt cho người sử dụng làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc do thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương. Đồng thời, cần thận trọng khi sử dụng thuốc cùng với các thuốc khác và một số thực phẩm để không làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Close
Social profiles