Herpacy là thuốc gì?

Herpacy là thuốc gì?

Viêm giác mạc do virus herpes simplex đòi hỏi cần phải điều trị bằng các thuốc khác virus tại chỗ. Một trong những thuốc có thể điều trị bệnh lý này là thuốc bôi Herpacy với hoạt chất chính là Acyclovir. Vậy Herpacy là thuốc gì?

1. Herpacy là thuốc gì?

Thuốc bôi Herpacy là sản phẩm của công ty Samil Pharm. Co., Ltd. Hoạt chất chính của thuốc Herpacy là Acyclovir hàm lượng 30mg và được sử dụng để điều trị bệnh viêm giác mạc do virus herpes simplex.

Về mặt dược lực học, Acyclovir bản chất là một thuốc kháng virus có hoạt tính mạnh với virus herpes simplex (HSV) type I và II và độc tính thấp với các tế bào của động vật có vú. Sau khi đi vào tế bào nhiễm HSV, Acyclovir được phosphoryl hóa thành hợp chất có hoạt tính là acyclovir triphosphat. Quá trình xâm nhập và chuyển hóa của thuốc Herpacy cần sự hiện diện của thymidine kinase, một enzym được mã hóa bởi herpes simplex (HSV). Hợp chất Acyclovir triphosphat tác dụng như một chất ức chế và là cơ chất cần thiết cho enzyme DNA polymerase đặc hiệu của HSV, qua đó ức chế sự tổng hợp DNA và nhân lên của virus mà không ghi nhận bất kỳ ảnh hưởng nào đến các quá trình bình thường của tế bào.

Đặc điểm dược động học của thuốc Herpacy:

  • Acyclovir dạng thuốc mỡ tra mắt có khả năng hấp thu nhanh chóng qua biểu mô giác mạc và các mô mắt nông, sau đó đạt được đến nồng độ kháng virus ở thủy dịch;
  • Các phương pháp hiện có không ghi nhận sự hiện diện của acyclovir trong máu sau khi tra thuốc vào mắt. Tuy nhiên, một lượng rất nhỏ của thuốc có thể phát hiện trong nước tiểu, tuy nhiên nồng độ không có ý nghĩa về mặt điều trị.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc bôi Herpacy

  • Chỉ định: Thuốc bôi Herpacy được chỉ định trong các trường hợp cần điều trị viêm giác mạc do virus herpes simplex.
  • Chống chỉ định: Thuốc Herpacy không được sử dụng cho các trường hợp sau: bệnh nhân có tiền sử dị ứng hay quá mẫn với acyclovir; Dị ứng với các thành phần tá dược khác có trong thuốc bôi Herpacy.

3. Liều dùng của thuốc bôi Herpacy

Cách sử dụng thuốc Herpacy là bôi hay tra trực tiếp vào mắt, mỗi lần khoảng 1cm thuốc vào bên trong túi kết mạc dưới.

Liều dùng của thuốc này sẽ tuân theo chỉ định của bác sĩ, cụ thể:

  • Liều thông thường là khoảng 1cm thuốc mỡ mỗi lần bôi, 5 lần/ngày cách nhau khoảng 4 giờ;
  • Thời gian điều trị: Người bệnh vẫn nên tiếp tục bôi thuốc Herpacy thêm ít nhất 3 ngày sau khi các triệu chứng khỏi hoàn toàn;
  • Liều dùng Herpacy thông thường có thể thay đổi phụ thuộc vào mức độ triệu chứng của người bệnh;
  • Sử dụng trong nhi khoa: Mức độ an toàn của thuốc bôi Herpacy ở trẻ em chưa được xác định;
  • Liều dùng nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có được liều dùng phù hợp.

Hiện tượng quá liều của thuốc bôi Herpacy:

  • Hiện nay chưa ghi nhận các tác dụng không mong muốn của thuốc bôi Herpacy nếu toàn bộ hàm lượng acyclovir được nuốt bằng đường miệng;
  • Tuy nhiên, trường hợp lặp lại quá liều acyclovir đường uống trong vài ngày có thể dẫn đến một số biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa (như buồn nôn, nôn ói) và các tác dụng về thần kinh (đau đầu, lú lẫn).

4. Tác dụng phụ của thuốc bôi Herpacy

Trong quá trình sử dụng thuốc Herpacy, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn (ADR), bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói nhẹ thoáng qua, xảy ra ngay sau khi bôi thuốc vào mắt. Đây có thể là biểu hiện của bệnh giác mạc chấm nông nên người bệnh cần theo dõi kỹ dấu hiệu này, nếu vẫn tiếp tục xảy ra thì điều chỉnh liều thuốc Herpacy xuống thấp nhất có thể và can thiệp bằng các biện pháp thích hợp;
  • Thuốc Herpacy có thể làm tăng nguy cơ viêm giác mạc (bao gồm viêm giác mạc mụn nước và viêm giác mạc dị ứng), loét giác mạc, xước kết mạc, viêm bờ mi… Do đó, khi ghi nhận những triệu chứng bất thường thì người bệnh cần nhanh chóng ngừng bôi thuốc;
  • Hiện tượng quá mẫn như viêm da tiếp xúc có thể xảy ra ở một số trường hợp. Người bệnh cần ngừng bôi thuốc Herpacy và thông báo cho bác sĩ để được điều trị phù hợp.

5. Một số thận trọng khi sử dụng Herpacy

5.1. Một số vấn đề thận trọng chung

  • Nếu các dấu hiệu viêm giác mạc do HSV không có chiều hướng giảm đi sau khoảng 7 ngày bôi thuốc Herpacy hay thậm chí ngày càng xấu đi thì người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về biện pháp trị liệu thay thế;
  • Bác sĩ cần cảnh báo người bệnh về khả năng xảy ra các phản ứng phụ trong suốt quá trình điều trị bằng Herpacy, do đó hạn chế bôi thuốc kéo dài càng nhiều càng tốt;
  • Hạn chế mang kính sát tròng mềm trong thời gian bôi thuốc Herpacy.

5..2 Một số thận trọng liên quan đến cách sử dụng thuốc bôi Herpacy

  • Herpacy chỉ được sản xuất với đường dùng tra mắt;
  • Quá trình bôi thuốc Herpacy vào mắt cần lưu ý không để đầu tuýp thuốc tiếp xúc trực tiếp với mắt;
  • Mỗi tuýp thuốc bôi Herpacy chỉ được sử dụng cho một người bệnh duy nhất để phòng ngừa hiện tượng lây nhiễm chéo hoặc làm bẩn thuốc;
  • Sau khi mở tuýp thuốc, thời gian tối đa sử dụng là trong vòng 1 tháng.

5.3. Một số vấn đề lưu ý liên quan đến bảo quản thuốc Herpacy

  • Để xa tầm tay trẻ em;
  • Bảo quản thuốc bôi Herpacy ở nơi khô ráo, mát mẻ và tránh ánh nắng trực tiếp;
  • Luôn luôn đậy kín tuýp thuốc bằng nắp;
  • Lưu ý không bảo quản tuýp thuốc bôi Herpacy trong bao bì của thuốc khác để duy trì chất lượng và tránh sử dụng sai mục đích.

5.4. Một số lưu ý trong các trường hợp đặc biệt

  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Các loại thuốc mỡ tra mắt như Herpacy có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn, do đó cần cẩn thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Thời kỳ mang thai: Khi bôi thuốc Herpacy trong 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ không ghi nhận tình trạng quái thai hoặc độc tính với phôi. Tuy nhiên, mức độ an toàn của việc bôi kéo dài thuốc Herpacy đối với herpes tái phát trong 3 tháng cuối thai kỳ chưa được xác định;
  • Thời kỳ cho con bú: Khi sử dụng 200mg acyclovir đường uống, 5 lần/ngày ghi nhận nồng độ thuốc trong sữa mẹ khoảng từ 0.6 đến 4.1 lần so với nồng độ trong huyết tương. Mặc dù nó ít hơn nhiều so với liều khuyến cáo 30mg/kg/ngày đối với trẻ sơ sinh bị herpes nhưng bà mẹ cho con bú vẫn nên được cảnh báo.

6. Tương tác thuốc của thuốc bôi Herpacy

  • Dùng đồng thời Zidovudine và Acyclovir có thể dẫn đến trạng thái ngủ lịm và lơ mơ;
  • Probenecid ức chế cạnh tranh đào thải Acyclovir qua ống thận, nên nồng độ thuốc tăng đến 40%, đồng thời giảm thải trừ qua nước tiểu và giảm độ thanh thải của acyclovir;
  • Amphotericin B và Ketoconazol làm tăng hiệu lực chống virus của acyclovir;
  • Interferon làm tăng tác dụng chống virus in vitro của Acyclovir. Do đó, cần thận trọng khi dùng thuốc tiêm Acyclovir cho người bệnh tiền sử phản ứng về thần kinh với interferon;
  • Dùng acyclovir đường tiêm phải thận trọng với bệnh nhân xảy ra phản ứng về thần kinh khi dùng methotrexate.

Close
Social profiles