Glotadol flu là thuốc gì?

Glotadol flu là thuốc gì?

Thuốc Glotadol Flu có thành phần chính Paracetamol, Guaifenesin, Phenylephrin hydroclorid, Dextromethorphan hydrobromid. Thuốc có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng trong cảm lạnh và cảm cúm như sốt, ho, đau họng, sung huyết mũi,…

1. Glotadol flu là thuốc gì?

Thuốc Glotadol Flu có thành phần chính Paracetamol, Guaifenesin, Phenylephrin hydroclorid, Dextromethorphan hydrobromid. Paracetamol có tác dụng giảm đau bằng cách làm tăng ngưỡng đau, tác dụng hạ sốt thông qua tác động trên trung tâm điều nhiệt ở vùng hạ đồi mà không gây kích ứng dạ dày. Guaifenesin thúc đẩy quá trình loại bỏ chất nhầy đường hô hấp do có khả năng làm long đờm. Bên cạnh đó, Guaifenesin cũng làm trơn đường hô hấp bị kích thích. Phenylephrin giảm tình trạng sung huyết mũi. Dextromethorphan là thuốc giảm ho tác dụng lên trung tâm ho ở hành não khi bệnh nhân ho không có đờm.

Cụ thể, thuốc Glotadol Flu có tác dụng giảm các triệu chứng trong bệnh cảm lạnh và cảm cúm như sốt, ho, đau mỏi nhẹ, đau họng, nhức đầu, sung huyết mũi. Ngoài ra thuốc còn giúp làm loãng đờm và dịch tiết đường hô hấp, giúp bệnh nhân dễ khạc đàm.

2. Liều dùng của Glotadol Flu

Thuốc Glotadol Flu được dùng bằng đường uống với liều như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 viên/lần, cách mỗi 6 giờ, không dùng quá 6 viên/ngày.
  • Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Uống 1/2 viên/lần, cách mỗi 6 giờ và không quá 3 viên/ngày.

Bệnh nhân lưu ý liều lượng trên đây chỉ nên dùng để tham khảo. Liều dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào thể trạng và độ nặng của bệnh. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để có liều dùng phù hợp.

3. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Glotadol Flu

Khi sử dụng thuốc Glotadol Flu, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) bao gồm:

  • Tác dụng không mong muốn của paracetamol thường nhẹ và có thể hồi phục sau khi ngưng thuốc. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn và nôn. Hiếm khi xảy ra nổi mẩn, ban đỏ hay nổi mày đay.
  • Các tác dụng phụ do phenylephrin gây ra bao gồm giảm thị lực, rối loạn tiêu hóa, bồn chồn, lo lắng, hồi hộp, xanh xao, khó chịu ở bụng và ngực, run, tăng huyết áp kèm theo đau đầu và nôn.
  • Guaifenesin có thể gây khó chịu dạ dày – ruột, gây buồn nôn, nôn, phát ban, chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu, giảm acid uric.
  • Dextromethorphan có thể khiến người sử dụng cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn, đỏ bừng. Thỉnh thoảng bệnh nhân có thể bị nổi mày đay và buồn ngủ nhẹ. Ức chế thần kinh trung ương và suy hô hấp có thể xảy ra trong trường hợp quá liều dextromethorphan.
  • Nếu bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu bất thường như sưng phù hay phát ban, cảm thấy hồi hộp, chóng mặt, mất ngủ. Nếu các triệu chứng của bệnh không cải thiện sau 7 ngày hoặc có sốt kèm theo, bệnh nhân cần ngưng sử dụng thuốc và hỏi ý kiến bác sĩ

4. Chống chỉ định của Glotadol Flu

Thuốc Glotadol Flu bị chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với các thành phần của thuốc.
  • Suy gan hay suy thận nặng
  • Bệnh nhân bị thiếu glucose-6-phosphat dehydrogenase.
  • Cường giáp nặng, tăng huyết áp nặng, bệnh tim mạch hay động mạch vành nặng, nhanh tâm thất
  • Sử dụng chung hay trong vòng 14 ngày sau khi ngưng dùng các thuốc ức chế monoamin oxydase.
  • Bệnh nhân bị ho mạn tính kéo dài do hút thuốc, hen, viêm phế quản mạn hay khí phế thũng, ho nhiều đờm.

5. Lưu ý khi dùng Glotadol Flu

  • Paracetamol nên được dùng thận trọng trên người nghiện rượu, người suy giảm chức năng gan thận. Bệnh nhân cũng cần lưu ý không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc vì có thể làm gia tăng tác dụng phụ.
  • Nên thận trọng khi dùng phenylephrin trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, glaucom góc hẹp, bệnh tuyến giáp, phình động mạch chủ, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và người già trên 60 tuổi.
  • Bệnh nhân không được tự ý dùng Guaifenesin quá 7 ngày mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Guaifenesin được xem là không an toàn khi dùng cho bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, do thuốc có khả năng gây rối loạn chuyển hóa porphyrin trên động vật thí nghiệm.
  • Lạm dụng dextromethorphan có thể xảy ra khi dùng thuốc liều cao và kéo dài. Bệnh nhân lưu ý tránh uống rượu trong suốt thời gian sử dụng dextromethorphan.
  • Bệnh nhân cần được cảnh báo về các dấu hiệu của phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN), hội chứng Steven-Jonhson (SJS), hội chứng Lyell hay hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP).
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Dextromethorphan và Guaifenesin có thể gây chóng mặt và buồn ngủ nhẹ, do đó bệnh nhân dùng thuốc nên thận trọng khi vận hành máy móc hay lái xe.
  • Thời kỳ mang thai: Hiện tại tính an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai vẫn chưa được thiết lập. Do vậy, chỉ nên dùng thuốc Glotadol Flu cho phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết.
  • Thời kỳ cho con bú: Hiện không thấy có tác dụng không mong muốn ở trẻ bú mẹ khi mẹ sử dụng paracetamol. Phenylephrine và guaifenesin có thể đi qua sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ. Do vậy, cần cân nhắc quyết định ngưng cho bú hoặc ngừng thuốc, tùy thuộc vào tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
  • Tương tác thuốc: thuốc có thể gây ra một số tương tác khi được sử dụng đồng thời với các thuốc khác. Do vậy, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng để được tư vấn.

Tóm lại, thuốc Glotadol Flu có thể giảm nhanh các triệu chứng trong cảm lạnh và cảm cúm. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

.

Close
Social profiles