Công dụng thuốc Vintolox

Công dụng thuốc Vintolox

Thuốc Vintolox là dạng thuốc tiêm bột đông khô có tác dụng điều trị các bệnh về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, thực quản, loét tá tràng… Thuốc Vintolox 40mg được sử dụng như thế nào cho hiệu quả và an toàn, người bệnh và bác sĩ hoàn toàn có thể tham khảo các thông tin cơ bản về thuốc Vintolox sau đây.

1. Tác dụng thuốc Vintolox

Thuốc Vintolox có thành phần Pantoprazol natri sesquihydrat tương ứng với Pantoprazol 40mg cùng với các tá dược đầy đủ trong 1 lọ bào chế. Thành phần Pantoprazol trong Vintolox là chất ức chế bơm Proton, hoạt động theo cơ chế như sau:

Khi vào các ống tiết axit ở thành dạ dày Pantoprazol biến đổi thành hợp chất Sulfenamid có hoạt tính. Chất này gắn kết không thuận nghịch với H+/K+-ATPase (bơm proton) ở trên bề mặt thành dạ dày, ức chế enzym này, ngăn chặn bước cuối cùng của sự bài xuất axit vào trong lòng dạ dày. Do đó, Pantoprazol làm ức chế tiết axit cơ bản ở dạ dày.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Vintolox 40mg

Các trường hợp người bệnh loét tá tràng, dạ dày, bị hội chứng Zollinger-Ellison và trong tình trạng tăng bài tiết bệnh lý, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản được chỉ định sử dụng Vintolox 40mg để điều trị hiệu quả.

Người mẫn cảm với thành phần của thuốc cần chống chỉ định với Vintolox 40mg.

3. Liều dùng và cách sử dụng

Thuốc Vintolox 40mg được dùng đường tiêm và chỉ sử dụng dạng bào chế khi người bệnh không thể dùng đường uống. Người bệnh cần sử dụng Vintolox dạng uống ngay khi có thể uống.

Để chuẩn bị tiêm Vintolox 40mg, người bệnh cần sử dụng bơm tiêm vô trùng, hút hết lượng dung môi có trong ống cho vào lọ bột, lắc đều thuốc cho tan hoàn toàn và tiến hành tiêm.

Liều dùng Vintolox 40mg sau đây chỉ mang tính chất tham khảo, phụ thuộc vào chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị, người bệnh nên sử dụng đúng và đủ liều để thuốc Vintolox có hiệu quả điều trị cao nhất.

Người bệnh loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản: sử dụng Vintolox 40mg/lần/ngày tiêm tĩnh mạch trong thời gian ít nhất 2 phút.

Người bệnh điều trị duy trì hội chứng Zollinger-Ellison và trong các trường hợp có tăng bài tiết bệnh lý:

  • Liều ban đầu sử dụng Vintolox 80mg/ngày, sau đó 80 mg/lần/ngày.
  • Liều duy trì phụ thuộc theo đáp ứng của người bệnh, liều Vintolox tối đa 240 mg/ngày.
  • Nếu liều Vintolox của người lớn > 80mg/ngày thì chia làm 2 lần trong ngày.

Người bệnh suy gan nặng: Giảm liều Vintolox hoặc phải dùng cách ngày: Liều tối đa 20 mg/ngày hoặc 40mg/lần x 2 ngày/lần.

Người bệnh suy thận: Không cần điều chỉnh liều.

Cần lưu ý: Đối với trẻ em không khuyến cáo sử dụng vì tính an toàn chưa được thiết lập.

4. Xử trí quên liều và quá liều Vintolox

Người bệnh sử dụng thuốc Vintolox hầu hết được phục vụ bởi nhân viên y tế nên hạn chế tối đa tình trạng quên liều trong quá trình sử dụng

Trong trường hợp người bệnh quá liều thường có triệu chứng nhịp tim hơi nhanh, giãn mạch, buồn nôn, nôn, ngủ gà, lú lẫn, đau bụng, đau đầu, nhìn mờ. Tuy nhiên nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, cần phải cấp cứu kịp thời, thực hiện rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính hoặc điều trị hỗ trợ triệu chứng.

5. Tác dụng phụ của Vintolox

Hầu hết các trường hợp người bệnh sử dụng Vintolox điều trị đều dung nạp tốt dù điều trị ngắn hạn hay dài hạn. Tuy nhiên trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cũng không tránh khỏi những tác dụng phụ. Cụ thể là mệt, chóng mặt, đau đầu, ban da, mày đay, khô miệng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau cơ, đau khớp, đau bụng, táo bón, ỉa chảy.

Một số trường hợp ít gặp hơn là người bệnh suy nhược, choáng váng, tăng enzym gan, chóng mặt, mắt ngủ, ngứa.

Các tác dụng phụ hiếm gặp nhưng người bệnh cũng cần chú ý đó là:

  • Mụn trứng cá, ban dát sần, rụng tóc, phù ngoại biên, toát mồ hôi, viêm da tróc vảy, tình trạng khó chịu, phản vệ, phù mạch, hồng ban đa dạng.
  • Bị rối loạn tiêu hóa, viêm miệng, ợ hơi; ngủ gà, mất ngủ, nhầm lẫn, ảo giác, run, ức chế hoặc kích động, dị cảm.
  • Liệt dương, bất lực ở nam giới; đái máu, viêm thận kẽ; tăng bạch cầu ưa acid, mắt bạch cầu hạt, giảm bạch cầu và tiểu cầu, giảm Natri máu.
  • Tình trạng viêm gan, vàng da, bệnh não ở người suy gan, tăng mỡ máu Triglycerid.

Người bệnh hãy lắng nghe các biểu hiện cơ thể trong thời gian điều trị để có thể thông báo kịp thời cho bác sĩ nếu tác dụng phụ nặng nề.

6. Tương tác của thuốc Vintolox

  • Thuốc Vintolox có thể làm giảm sự hấp thu của các thuốc phụ thuộc sự hấp thụ vào pH dạ dày như Itraconazol, Ketoconazol.
  • Đối với Methotrexat: có thể gây ra nguy cơ đau xương, đau cơ nặng.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị và an toàn cho người sử dụng, người bệnh cần thông báo trung thực với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng đồng thời.

7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vintolox

  • Người bệnh cần phải được loại trừ khả năng bệnh ung thư dạ dày trước khi sử dụng thuốc Vintolox
  • Người bệnh có tiền sử bệnh gan, bệnh gan mãn hoặc cấp tính đều cần thận trọng khi sử dụng Vintolox
  • Thuốc Vintolox tránh sử dụng cho người bệnh xơ gan, suy gan nặng, nếu cần thiết phải sử dụng thì nên giảm liều và song song theo dõi chức năng gan định kỳ.
  • Đối tượng người suy thận, người cao tuổi cũng cần lưu ý khi được kê và sử dụng thuốc Vintolox.
  • Mẹ bầu và phụ nữ đang cho con bú nên xin ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Vintolox.
  • Người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc khi đang sử dụng thuốc để hạn chế tai nạn có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc.
  • Thuốc Vintolox cần được bảo quản nơi khô ráo, tránh xa tầm tay trẻ em và sử dụng hiệu quả trong thời hạn sử dụng của thuốc.

Thuốc Vintolox là dạng thuốc tiêm bột đông khô có tác dụng điều trị các bệnh về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, thực quản, loét tá tràng… Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles