Công dụng thuốc Vidmedol

Công dụng thuốc Vidmedol

Thuốc Vidmedrol là một loại thuốc chống viêm steroid, được chỉ định rất rộng rãi trong việc điều trị các triệu chứng gây ra do phản ứng viêm, do rối loạn miễn dịch…Tuy nhiên, cùng với những công dụng trong điều trị bệnh thì thuốc cũng tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nếu dùng sai cách hay lạm dụng. Cùng tìm hiểu về thuốc Vidmedol qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Vidmedol

Thuốc Vidmedol được bào chế dưới dạng viên nén có hàm lượng hoạt chất chất chính là Methylprednisolon 4mg, 16mg. Nhiều người thắc mắc Vidmedol 4 là thuốc gì? Vidmedol 4 có thành phần hoạt chất chính là Methylprednisolon 4 mg, còn thuốc Vidmedol 16 có thành phần chính là Methylprednisolon 16 mg.

Methylprednisolon là một Glucocorticoid tổng hợp có tác dụng mạnh bao gồm các tác dụng như tác dụng chống viêm, ức chế hoạt động miễn dịch mạnh và chống sự tăng sinh tế bào.

Methylprednisolon hoạt động giảm viêm bằng cách làm giảm tổng hợp các chất trung gian gây viêm như PG, Thromboxan,… Đồng thời, ức chế bạch cầu bám dính vào thành tế bào đang bị tổn thương làm cho bạch cầu đến ít vùng bị tổn thương hơn. Từ đó, giúp làm giảm nhanh các triệu chứng của viêm như sưng, phù, đau. Cũng như các dạng thuốc Glucocorticoid khác nó cũng có tác dụng ức chế miễn dịch, giảm sự tăng sinh tế bào do giảm tổng hợp protein của tế bào, giảm quá trình phiên mã gen.

Đây là một loại thuốc được dùng trong rất nhiều trường hợp trên lâm sàng, tuy nhiên đôi khi việc dùng thuốc dễ bị lạm dùng và dùng sai cách dẫn tới nhiều hệ lụy.

2. Chỉ định và chống chỉ định dùng thuốc Vidmedol

Thuốc Vidmedol được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Viêm khớp dạng thấp, kể cả viêm khớp dạng thấp ở trẻ em. Đây là thuốc được dùng căn bản trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm đốt sống cứng khớp.
  • Viêm bao hoạt dịch cấp tính và bán cấp, viêm màng hoạt dịch của khớp xương.
  • Viêm gân bao hoạt dịch không đặc hiệu.
  • Viêm xương khớp sau chấn thương; Viêm khớp vẩy nến; viêm mỏm trên lồi cầu.
  • Viêm khớp cấp do gout khi các thuốc điều trị khác không đáp ứng hay đáp ứng kém.
  • Bệnh collagen; lupus ban đỏ toàn thân; viêm đa cơ toàn thân.
  • Thấp tim cấp.
  • Bệnh về da như viêm da bọng nước Pemphigus; hồng ban đa dạng; viêm da bã nhờn; viêm da tróc vảy; Bệnh vẩy nến.
  • Bệnh dị ứng: Viêm mũi dị ứng theo mùa; phản ứng dị ứng; viêm da tiếp xúc; hen phế quản; viêm da dị ứng.
  • Bệnh lý về mắt: Viêm loét kết mạc do dị ứng, viêm thần kinh mắt, viêm mống mắt thể mi, viêm loét giác mạc.
  • Bệnh lý về đường hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng…
  • Bệnh về máu: Thiếu máu tán huyết; ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn ở trẻ em; ban xuất huyết giảm tiểu cầu thứ phát ở trẻ em; giảm nguyên hồng cầu; thiếu máu giảm sản bẩm sinh.
  • Bệnh khối u: Bệnh bạch cầu và bệnh u lympho ở trẻ em.
  • Thiểu năng tuyến thượng thận nguyên phát và thứ phát: methylprednisolon có thể được sử dụng nhưng thường phải kết hợp với một mineralocorticoid như hydrocortison hay cortisol; Tăng sản vỏ thượng thận bẩm sinh; Viêm tuyến giáp không có mủ; Tăng calci huyết trong bệnh ung thư.
  • Các chỉ định khác: Bệnh Crohn, hội chứng thận hư, đợt cấp của xơ cứng rải rác (hệ thần kinh), viêm màng não do lao…

Chống chỉ định dùng thuốc Vidmedol trong trường hợp sau:

  • Bệnh nhân bị mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Đang sử dụng vaccin sống.
  • Nhiễm khuẩn nặng trừ trường hợp sốc nhiễm khuẩn và lao màng não.
  • Tổn thương da nặng do virus, nấm hay lao.
  • Không dùng dài ngày với bệnh nhân tiền sử loét dạ dày tá tràng, loãng xương nặng, rối loạn chức năng tâm thần kinh.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Vidmedol

3.1. Cách dùng

Thuốc được sử dụng đường uống, uống thuốc với nước không nhai hay nghiền viên thuốc. Người bệnh nên được sử dụng 1 lần mỗi ngày vào buổi sáng sau ăn(8 – 9 giờ) trừ khi liều cao. Việc điều trị ngày 1 lần giúp giảm tác dụng phụ của thuốc hoặc dùng liệu pháp cách ngày để giảm tác dụng phụ của thuốc. Khi phải dùng liều cao hay dài ngày cần giảm liều khi cần ngừng thuốc để tránh nguy cơ xảy ra suy thượng thận. Nếu các dấu hiệu xuất hiện nặng hơn hay không thuyên giảm nên báo với bác sĩ để được điều chỉnh phù hợp.

3.2. Liều lượng

Liều khởi đầu từ 4-48 mg/ngày. Nên duy trì với liều này và điều chỉnh liều cho đến khi có sự đáp ứng thỏa mãn. Nếu điều trị trong thời gian dài nên lựa chọn với liều thấp nhất có thể đạt tác dụng.

  • Bệnh sarcoid: Dung với liều 0,8mg/kg/ngày. Dùng liều duy trì thấp khoảng 8mg/ngày.
  • Đợt cấp của xơ cứng rải rác: Liều dùng mỗi ngày là 160mg, dùng liên tục trong 1 tuần, sau đó giảm liều còn 64mg mỗi ngày và dùng trong 1 tháng.
  • Viêm khớp dạng thấp: Trường hợp nặng dùng 16 mg.
  • Viêm cơ da toàn thân: Dùng liều 48 mg/ ngày.
  • Lupus ban đỏ hệ thống: Liều từ 16 – 100 mg tùy đáp ứng của từng bệnh nhân.
  • Bệnh dị ứng: Liều dùng 16 – 40 mg mỗi ngày.
  • Hen phế quản: Tối đa dùng với liều 64 mg/ngày hoặc tối đa 100 mg/liệu pháp cách ngày.
  • Bệnh về máu và bạch cầu: Dùng 16 đến 100 mg tùy đáp ứng.

Trên đây là liều dùng thuốc tham khảo, liều dùng còn có thể thay đổi với nhiều điều kiện khác nhau như cân nặng, tình trạng bệnh và khả năng dung nạp thuốc.

4. Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Vidmedol

Ngoài những tác dụng điều trị thì khi dùng thuốc bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Đau bụng vùng trên rốn, chảy máu cam, rậm lông, tăng đường huyết, đau khớp, chậm tiêu, khó ngủ, dễ bị kích thích, đục thủy tinh thể, bệnh Glocom.
  • Tác dụng phụ ít gặp: Nôn, buồn nôn, teo da, tăng sắc tố da, tăng tình trạng mụn trứng cá, chóng mặt, nhức đầu, ảo giác, loạn thần, loét dạ dày.
  • Các tác dụng phụ khác: Gây ra hội chứng Cushing thường gặp khi dùng kéo dài, tăng Glucose máu, gây vô kinh nữ dẫn tới vô sinh, tăng huyết áp, phản ứng quá mẫn, yếu cơ, loãng xương.

Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào bạn nên báo với bác sĩ để được tư vấn hợp lý. Tác dụng phụ của thuốc Vidmedol thường gặp khi dùng kéo dài, dùng liều cao nên bạn tuân thủ điều trị sẽ giảm nguy cơ tác dụng phụ hơn.

5. Lưu ý khi dùng thuốc Vidmedol

Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả bạn cần lưu ý một vài điều sau:

  • Thuốc này là thuốc kê đơn, cho nên không tự ý dùng khi chưa được chỉ định của bác sĩ. Bạn nên thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng và các loại thuốc đang dùng.
  • Thận trọng dùng cho đối tượng: Bệnh nhân bị tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sử loét dạ dày, loét tá tràng, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người bị loãng xương, xơ gan
  • Do thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch nên khi bạn dùng thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh ly nhiễm khuẩn cao hơn. Cần đảm bảo các biện pháp phòng tránh hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Khi dùng thuốc bạn tuyệt đối không dừng đột ngột vì gây nguy hiểm. Cần dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi dùng thuốc này không nên tiêm chủng vắc xin, nhất là các vắc xin sống.
  • Tương tác thuốc có thể xảy ra gây tăng nguy cơ tác dụng phụ hay giảm tác dụng chính của thuốc: Không dùng đồng thời với cyclosporin; Thuốc Phenobarbital, phenytoin, rifampin và các thuốc lợi tiểu giảm gây kali huyết có thể làm giảm hiệu lực của thuốc; Có thể cần phải tăng liều các thuốc điều trị đái tháo đường, do thuốc làm tăng lượng đường trong máu; thuốc chống viêm không steroid nếu dùng đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ tác dụng phụ trên đường tiêu hoá.
  • Bảo quản thuốc ở những nơi khô, mát. Tránh ánh sáng trực tiếp và tránh tầm tay của trẻ. Không dùng khi thuốc quá hạn hay có dấu hiệu hư hỏng.

Hy vọng, thông qua bài viết bạn đã có những thông tin hữu ích về công dụng và lưu ý khi dùng thuốc. Đảm bảo an toàn thì chỉ dùng khi có chỉ định và cố gắng dùng ngăn, liều thấp có tác dụng.

Close
Social profiles