Công dụng thuốc Tenifo 300

Công dụng thuốc Tenifo 300

Nhu cầu sử dụng các thuốc kháng Retrovirus cho người nhiễm HIV-1 rất cao. Thuốc kháng virus có rất nhiều loại, trong đó hoạt chất được sử dụng khá phổ biến là Tenofovir với sản phẩm là Tenifo 300. Vậy Tenifo là thuốc gì và cần lưu ý những vấn đề nào khi sử dụng?

1. Tenifo là thuốc gì?

Tenifo một sản phẩm của công ty Atra Pharmaceuticals Pvt. Ltd (Ấn Độ). Thành phần hoạt chất chính của thuốc Tenifo 300 là Tenofovir Disoproxil Fumarate với hàm lượng 300mg.

Tenifo được chỉ định sử dụng kết hợp với các thuốc kháng retrovirus khác trong quá trình điều trị nhiễm HIV-1 và virus viêm gan B.

2. Thuốc Tenifo 300 có công dụng gì?

Sản phẩm này được chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Kết hợp các thuốc kháng retrovirus khác trong phác đồ điều trị nhiễm HIV-1 ở người trên 18 tuổi;
  • Viêm gan B.

Hoạt chất Tenofovir disoproxil fumarate bản chất là một acyclic nucleoside phosphonate diester. Giai đoạn đầu, hoạt chất này trải qua quá trình thủy phân để chuyển hóa thành tenofovir, sau đó tiếp tục phosphoryl hóa thông qua các enzyme để chuyển thành Tenofovir diphosphate. Công dụng của Tenofovir diphosphate là ức chế hoạt tính enzyme sao chép ngược của virus HIV-1, thông qua cơ chế thay thế chất nền tự nhiên deoxyadenosine 5′ và kết thúc chuỗi DNA sau khi hợp nhất vào DNA.

3. Liều dùng của thuốc Tenifo 300

Thuốc Tenifo 300 sử dụng qua đường uống. Trường hợp người bệnh không nuốt được có thể sử dụng Tenifo sau khi hòa tan viên nén với ít nhất 100ml nước lọc hoặc nước ép cam, nho.

Liều dùng cụ thể của Tenifo phụ thuộc từng đối tượng người bệnh:

  • Người lớn: Liều khuyến cáo là 300mg (tương đương 1 viên thuốc Tenifo), 1 lần/ngày;
  • Trẻ em: thuốc Tenifo 300 không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ dưới 18 tuổi;
  • Người già: Chưa có dữ liệu về liều lượng thuốc Tenifo 300 cho bệnh nhân trên 65 tuổi;
  • Bệnh nhân suy thận: Tenofovir bài tiết qua thận và người suy thận khi sử dụng sẽ xảy ra tình trạng tích lũy thuốc trong cơ thể. Vì vậy, cần điều chỉnh khoảng cách và liều dùng của thuốc Tenifo 300 cho các trường hợp có độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút;
  • Bệnh nhân suy gan: Không yêu cầu điều chỉnh liều lượng Tenifo cho người suy gan.

4. Tác dụng phụ của thuốc Tenifo 300

  • Rối loạn trong chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm phosphat huyết (rất hay gặp), nhiễm acid lactic (hiếm gặp);
  • Rối loạn hệ thần kinh trung ương như hoa mắt, chóng mặt;
  • Khó thở;
  • Rối loạn chức năng tiêu hóa hay gặp như tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi và rất hiếm khi xảy ra tình trạng viêm tụy;
  • Tăng các transaminase (men gan), viêm gan;
  • Ban đỏ ngoài da;
  • Bệnh lý cơ, nhuyễn xương;
  • Rối loạn chức năng thận: Suy thận cấp, bệnh ống thận gần, tăng creatinin máu (nhưng rất hiếm khi xảy ra);
  • Hoại tử ống thận cấp.

5. Chống chỉ định của thuốc Tenifo 300

  • Người có tiền sử mẫn cảm với Tenofovir hoặc các thành phần khác có trong thuốc Tenifo 300.

6. Một số thận trọng khi sử dụng Tenifo 300mg

  • Thuốc Tenifo 300 khuyến cáo không sử dụng cùng lúc với bất cứ sản phẩm nào có chứa hoạt chất Tenofovir disoproxil fumarate;
  • Tenifo chưa được nghiên cứu sử dụng trên người dưới 18 tuổi;
  • Tenofovir bài tiết qua thận và có khả năng tích lũy trên bệnh nhân suy thận mức độ trung bình đến nặng (độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút) khi dùng ở liều 300mg/ngày. Vì vậy đòi hỏi điều chỉnh liều dùng ở những trường hợp này, đồng thời phải theo dõi cẩn thận các biểu hiện ngộ độc do tích lũy như suy thận nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, người suy thận kèm nhiễm HIV vẫn có thể uống 1 viên thuốc Tenifo 300 với điều kiện khoảng cách giữa các lần uống hợp lý;
  • Hiện tượng giảm phosphat máu trên người suy thận sử dụng Tenifo đã được báo cáo. Do vậy người bệnh cần được theo dõi độ thanh thải creatinin và phosphat máu trước khi uống Tenifo, mỗi 4 tuần trong năm đầu tiên và mỗi 3 tháng cho thời gian sau đó. Bệnh nhân nguy cơ, tiền sử suy thận hoặc đã được xác định suy thận có thể theo dõi chặt chẽ hơn:
    • Khi phosphat máu dưới 1.5mg/dl hoặc độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút cần xét nghiệm lại chức năng thận sau 1 tuần, kết hợp kiểm tra nồng độ glucose máu, kali máu và glucose nước tiểu, đồng thời điều chỉnh khoảng cách liều dùng Tenifo;
    • Cân nhắc ngừng điều trị khi độ thanh thải creatinin giảm thấp hơn 50ml/phút hoặc nồng độ phosphat máu dưới 1.0mg/dl;
    • Tác dụng của thuốc Tenifo 300 trên chức năng thận chưa được đánh giá khi dùng kèm các thuốc cũng gây độc cho thận. Nếu bắt buộc kết hợp thì cần theo dõi chức năng thận chặt chẽ hơn, thậm chí theo dõi hàng tuần;
  • Cần tránh sử dụng thuốc Tenifo 300 cho người đã từng điều trị bằng các thuốc kháng retrovirus với chủng tiềm ẩn đột biến K65R;
  • Chưa có các nghiên cứu về việc sử dụng Tenifo cho người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, đối tượng này hay bị suy thận nên cần thận trọng khi sử dụng;
  • Tenofovir và Tenofovir disoproxil fumarate không chuyển hóa tại gan, các nghiên cứu cho thấy không có sự thay đổi được động học đáng kể;
  • Hội chứng phản ứng miễn dịch: Người nhiễm HIV có tình trạng suy giảm miễn dịch khi mới kết hợp liệu pháp kháng retrovirus (CART), do đó các phản ứng viêm không triệu chứng hoặc nhiễm trùng cơ hội có thể xảy ra và khiến tình trạng người bệnh xấu đi. Bệnh nhân được khuyến cáo kiểm tra y tế khi xuất hiện dấu hiệu gợi ý như đau nhức, cứng hoặc khó di chuyển các khớp;
  • Không có bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của thuốc Tenifo 300 đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Tuy nhiên, tác dụng phụ hoa mắt, chóng mắt đã được báo cáo khi khi sử dụng tenofovir và có thể ảnh hưởng đến vấn đề này;
  • Thời kỳ mang thai: Không có bằng chứng lâm sàng về vấn đề sử dụng Tenofovir disoproxil fumarate cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên động vật cũng không chỉ ra những tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp của Tenifo cho người mang thai, quá trình phát triển thai nhi, quá trình chuyển dạ hay sự phát triển của trẻ sau sinh. Vì vậy, chỉ nên sử dụng thuốc Tenifo 300 trong thai kỳ khi lợi ích vượt trội so với những rủi ro có thể xảy ra;
  • Thời kỳ cho con bú: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Tenifo có thể bài tiết vào sữa. Mặc dù chưa biết khả năng bài tiết vào sữa người của Tenofovir nhưng để đảm bảo an toàn thì phụ nữ đang cho con bú không nên sử dụng sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là phụ nữ nhiễm HIV không nên cho con bú để tránh lây truyền HIV cho đứa trẻ.

7. Tương tác thuốc của Tenifo

Tương tác thuốc của Tenifo có thể xảy ra theo nhiều cơ chế khác nhau:

  • Tương tác trực tiếp đến con đường chuyển hóa của Tenofovir;
  • Khả năng tương tác gián tiếp qua hệ enzym CYP450;
  • Tác động lên con đường bài tiết chủ yếu qua thận, bao gồm lọc qua cầu thận và bài tiết tích cực thông qua các yếu tố vận chuyển anion hữu cơ (HOAT1).

Một số tương tác thuốc đáng kể của Tenifo 300mg:

  • Kết hợp các thuốc bài tiết tích cực qua thận nhờ yếu tố hOAT1 (như Cidofovir) có thể dẫn đến tăng nồng độ Tenofovir hoặc của thuốc kết hợp;
  • Kết hợp thuốc kháng retrovirus khác như Emtricitabine, Lamivudine, Indinavir, Efavirenz, Nelfinavir và Saquinavir không gây tương tác có giá trị trên lâm sàng;
  • Hoạt chất Tenofovir disoproxil fumarate khi kết hợp với Lopinavir/Ritonavir cho thấy không có sự thay đổi về dược động học của 2 thuốc trên. Tuy nhiên AUC của Tenofovir lại tăng khoảng 30% khi sử dụng kết hợp, điều này có liên quan đến tác hại của tenofovir, bao gồm cả rối loạn chức năng thận;
  • Didanosine dạng viên nang bao tan trong ruột khi uống trước 2 giờ hoặc uống cùng lúc thuốc Tenifo 300 có thể làm tăng AUC của Didanosine lần lượt 48% và 60%. Do đó không nên kết hợp thuốc Tenifo với Didanosine;
  • Kết hợp Tenofovir disoproxil fumarate, Methasone, Ribavirin, Rifampicin, Adefovir dipivoxil hoặc thuốc tránh thai chứa norgestimate/ethinyl estradiol không gây tương tác dược động học;
  • Tenifo khi uống cùng thức ăn có thể làm tăng sinh khả dụng của thuốc.

Tenifo là thuốc kháng virus được chỉ định điều trị người nhiễm HIV và viêm gan B. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles