Công dụng thuốc Rileptid

Công dụng thuốc Rileptid

Rileptid là thuốc có tác dụng điều trị các dạng bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm loạn thần giai đoạn đầu tiên, tâm thần phân liệt cấp tiến triển xấu, tâm thần phân liệt mãn tính và các dạng loạn thần khác.

1. Rileptid là thuốc gì?

Rileptid là thuốc gì? Thuốc Rileptid có hoạt chất chính là Risperidone, thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần. Dạng bào chế là viên nén bao phim, màu vàng, hàm lượng Risperidone 2mg.

Tác dụng thuốc Rileptid: hoạt chất Risperidone trong thuốc là một chất đối kháng mạnh với thụ thể D2, giúp cải thiện các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt, đây là chất đối kháng cân bằng giữa thụ thể serotonin và dopamine trung ương, làm giảm nguy cơ gây tác dụng không mong muốn ngoại tháp và mở rộng hiệu quả điều trị với các triệu chứng âm tính và triệu chứng cảm xúc ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.

1.1. Dược lực học của thuốc Rileptid

  • Hoạt chất Risperidone trong thuốc Rileptid là một thuốc đối kháng dopaminergic có chọn lọc với những đặc tính riêng biệt. Thuốc có ái lực cao với các thụ thể serotonin 5-HT2 và dopamin D2.
  • Risperidone gắn vào thụ thể alpha-adrenergic và có ái lực thấp hơn với thụ thể histamin H1 và thụ thể alpha1-adrenergic. Thuốc không có ái lực với các thụ thể cholinergic.
  • Risperidone là một chất đối kháng mạnh với D2, làm cải thiện các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt, ít gây ức chế hoạt động về vận động và ít gây triệu chứng giữ nguyên thế (Posturing) do căng trương lực cơ hơn các thuốc chống loạn thần cổ điển.
  • Sự đối kháng cân bằng giữa serotonin và dopamine trung ương có tác dụng điều trị các triệu chứng âm tính và triệu chứng cảm xúc của bệnh tâm thần phân liệt.

1.2. Dược động học của thuốc Rileptid

  • Thuốc được hấp thu gần như hoàn toàn sau khi uống, quá trình hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn.
  • Phân bố: Thuốc được phân bố nhanh chóng, thể tích phân bố là 1 – 2 l/kg, liên kết với protein huyết tương tới 90%.
  • Chuyển hóa: Risperidone được chuyển hóa bởi CYP2D6 thành 9-hydroxy-risperidone, đây là chất có hoạt tính dược lý tương tự như risperidone. Risperidone và 9-hydroxy-risperidone là thành phần có hoạt tính chống loạn thần. Một con đường chuyển hoá khác của risperidone là sự khử alkyl.
  • Thải trừ: Một tuần sau khi uống, 70% liều uống được thải trừ trong nước tiểu (35 – 45% risperidone cùng với 9-hydroxy-risperidone) và 14% trong phân.

2. Chỉ định của thuốc Rileptid

Thuốc Rileptid được chỉ định trong các bệnh lý sau đây:

  • Ðiều trị bệnh tâm thần phân liệt.
  • Điều trị rối loạn lưỡng cực thể hưng cảm từ cảm vừa đến nặng.
  • Điều trị ngắn ngày (cho đến 6 tuần) chứng rối loạn hành vi ở bệnh nhân sa sút trí tuệ không đáp ứng với các biện pháp không dùng thuốc và khi có nguy cơ gây hại cho bản thân hay cho người khác.
  • Rileptid được dùng để điều trị triệu chứng rối loạn hành vi ở trẻ từ 5 tuổi trở lên và ở thanh niên có trí tuệ hoạt động dưới mức trung bình hay có chậm phát triển tâm thần được chẩn đoán theo tiêu chuẩn DSM-IV.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Rileptid

3.1. Cách sử dụng của thuốc

  • Thuốc Rileptid sử dụng qua đường uống, sự hấp thu của thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nên bạn có thể uống lúc đói hoặc no. Bên cạnh đó, bạn nên chọn một thời điểm nhất định mỗi ngày để uống thuốc, tránh quên liều.
  • Liều điều trị của thuốc Rileptid nên được điều chỉnh tùy theo khả năng đáp ứng và mức độ dung nạp thuốc của từng người khác nhau.

3.2. Liều sử dụng thuốc Rileptid

3.2.1. Đối với người lớn

  • Điều trị tâm thần phân liệt: Khởi trị với liều 2 mg/ngày uống ngày 1- 2 lần, vào ngày thứ 2 có thể tăng liều lên 4 mg/ngày. Tùy vào đáp ứng điều trị, các bác sĩ có thể chỉ định dần liều theo mỗi cá nhân. Thông thường, hầu hết bệnh nhân đáp ứng điều trị với liều 4 – 6 mg/ngày
  • Các cơn hưng cảm lưỡng cực: Khởi đầu với liều 2mg/lần/ngày, sau đó tùy vào mức độ hiệu quả và dung nạp thuốc của bệnh nhân để bác sĩ hiệu chỉnh liều thuốc (mức tăng mỗi lần là 1mg/ngày, thời gian hiệu chỉnh liều không được ngắn hơn 24 giờ).

3.2.2. Người cao tuổi

  • Tâm thần phân liệt, các cơn hưng cảm lưỡng cực: Liều khởi trị là 0,5 mg, hai lần mỗi ngày. Tiếp đó, tùy theo từng cá nhân, có thể điều chỉnh cho đến 1 – 2 mg ngày hai lần (mỗi lần tăng 0,5 mg ngày hai lần).
  • Chứng rối loạn hành vi ở bệnh nhân sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer: Liều khởi đầu 0,25 mg ngày hai lần. Sau đó, tùy theo từng cá nhân có thể điều chỉnh liều với mỗi lần tăng 0,25 mg ngày hai lần. Lưu ý không được dùng thuốc quá 6 tuần. Trong suốt thời gian điều trị phải đánh giá bệnh nhân thường xuyên và đều đặn.

3.2.3. Trẻ em

Rối loạn hành vi:

  • Thể trọng lớn hơn hoặc bằng 50kg, liều khởi đầu 0,5 mg ngày một lần, tùy theo từng cá nhân hiệu chỉnh liều với mỗi lần tăng 0,5 mg ngày một lần. Liều tối ưu cho đa số các bệnh nhân là 1 mg ngày một lần.
  • Đối với thể trọng dưới 50kg, nên dùng liều khởi đầu 0,25 mg ngày một lần. Tiếp theo, tùy từng cá nhân hiệu chỉnh liều với mỗi lần tăng 0,25 mg ngày một lần.

Việc dùng thuốc Rileptid kéo dài cần phải được đánh giá thường xuyên, đều đặn để bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều nhằm tìm ra liều đích.

4. Tác dụng phụ của thuốc Rileptid

  • Tác dụng không mong muốn thường gặp như lo âu, kích động, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm giác thèm ăn, hội chứng Parkinson, nhức đầu, ngồi, nằm không yên, chóng mặt, run tay chân, loạn trương lực cơ, ngủ gà, an thần, ngủ lịm, loạn vận động, nôn, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng, khó tiêu, miệng khô, khó chịu ở dạ dày,…
  • Tác dụng không mong muốn hiếm gặp như tình trạng lẫn, hưng cảm, giảm ham muốn tình dục, thờ ơ, căng thẳng, giảm thị lực, đảo mắt, tăng nhãn áp, yếu cơ, đau nhức cơ, đau cổ, sưng khớp, tư thế bất thường, cứng khớp, đau nhức cơ xương ở ngực,…

Trong quá trình dùng thuốc, nếu bạn gặp phải các biểu hiện như trên hoặc bất kỳ một triệu chứng nào khác, hãy báo lại với bác sĩ có chuyên môn để nhận được tư vấn chính xác nhất

5. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc Rileptid

Chống chỉ định sử dụng thuốc Rileptid trong những trường hợp sau đây:

  • Không dùng Rileptid cho trẻ dưới 5 tuổi mắc chứng rối loạn hành vi.
  • Không nên dùng risperidone cho trẻ dưới 18 tuổi mắc bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực thể hưng cảm.
  • Không dùng thuốc cho người có tiền sử dị ứng với Rileptid và các thành phần khác trong thuốc.

6. Tương tác của thuốc Rileptid

  • Thận trọng dùng Rileptid cùng với các thuốc làm kéo dài khoảng QT, như các thuốc chống loạn nhịp nhóm Ia (quinidine, disopyramide, procainamide), các thuốc chống loạn nhịp nhóm III (amiodarone, sotalol), thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin), thuốc chống trầm cảm bốn vòng (maprotiline). Một vài loại thuốc kháng histamin, các thuốc chống loạn thần khác, một số thuốc trị sốt rét (chinice và mefloquine) và với các thuốc gây mất cân bằng điện giải (hạ kali-huyết, hạ magie-huyết), làm chậm nhịp tim.
  • Phối hợp risperidone với các thuốc có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, các chất kích thích (rượu, chế phẩm có thuốc phiện), thuốc kháng histamin và benzodiazepin làm tăng nguy cơ gây ngủ.
  • Rileptid làm giảm tác dụng của levodopa và các thuốc chủ vận dopamin khác.
  • Rileptid làm tăng tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
  • Carbamazepine, rifampicin, phenytoin và phenobarbital làm giảm nồng độ của risperidone trong huyết tương.
  • Fluoxetineparoxetine, các thuốc ức chế CYP2D6 (quinidin), phenothiazine, các thuốc chống trầm cảm ba vòng và một số thuốc chẹn beta, verapamil, một thuốc ức chế CYP3A4 và P-gp làm tăng nồng độ của risperidone trong huyết tương.
  • Cimetidine và ranitidine kết hợp với Rileptid làm tăng sinh khả dụng của thuốc.
  • Kết hợp thuốc Rileptid với Furosemid làm tăng nguy cơ tử vong ở người cao tuổi bị sa sút trí tuệ.
  • Không nên dùng đồng thời Rileptid dạng uống với paliperidone vì paliperidone là chất chuyển hoá có hoạt tính của risperidone và việc phối hợp hai thuốc này có thể dẫn đến tăng phơi nhiễm với thành phần có hoạt tính chống loạn thần.

7. Một số lưu ý khi dùng thuốc Rileptid

  • Thận trọng khi dùng thuốc Rileptid ở những người có tiền sử bị bệnh tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn dẫn truyền, bệnh mạch máu não,…), đái tháo đường, huyết khối tĩnh mạch, co giật, Parkinson hay bị sa sút trí tuệ thể Lewy.
  • Đối với bệnh nhân cao tuổi, người suy nhược, suy giảm chức năng gan, thận và người dễ bị hạ huyết áp cần khởi trị với liều thấp.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng
  • Thuốc Rileptid tác dụng trên hệ thần kinh và thị giác nên người đang lái xe hoặc vận hành máy cần thận trọng khi dùng thuốc.

Thuốc Rileptid cần được sử dụng theo đơn của bác sĩ và trong quá trình sử dụng thuốc cần được đánh giá liều lượng thường xuyên. Do đó, bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Nếu còn bất kỳ câu hỏi thắc mắc nào về thuốc, tác dụng của thuốc Rileptid, bạn hãy liên hệ với các bác sĩ/dược sĩ có chuyên môn để được giải đáp.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles