Công dụng thuốc Rataf

Công dụng thuốc Rataf

Rataf là thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm. Thuốc chứa thành phần là Paracetamol 500 mg, Loratadin 5 mg và Dextromethorphan hydrobromid 15 mg. Thuốc được đóng gói dưới dạng hộp 20 vỉ, 25 vỉ hoặc chai 100 viên bao phim.

1. Tác dụng và chỉ định dùng thuốc Rataf

1.1. Thuốc Rataf có tác dụng gì?

Hoạt chất Paracetamol:

  • Là chất chuyển hóa có hoạt tính của Phenacetin, có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau.
  • Nhờ ức chế sinh tổng hợp Prostaglandin, làm giảm thân nhiệt khi bị sốt nhưng hiếm khi làm hạ thân nhiệt ở người bình thường.
  • Hoạt chất này không có tính chống viêm.

Hoạt chất Loratadin:

  • Thuốc kháng Histamin 3 vòng.
  • Gây tác dụng đối kháng kéo dài có chọn lọc trên thụ thể H1 thế hệ 2 ngoại biên. Loratadin không có khả năng làm dịu trên thần kinh trung ương.

Hoạt chất Dextromethorphan hydrobrmid:

  • Tác dụng chính là giảm ho do tác động lên trung tâm ho ở tủy sống.

1.2. Chỉ định dùng thuốc Rataf

Rataf được chỉ định dùng trong điều trị các trường hợp sau:

  • Giảm đau hạ sốt trong các chứng: Cảm lạnh/ớn lạnh, ho, sổ mũi, đau nhức cơ thể.
  • Điều trị các triệu chứng của cảm cúm: Sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt, xương khớp, nghẹt mũi, sốt, chảy nước mũi/mắt, ngứa mắt, viêm xoang, sổ mũi theo mùa, mẩn ngứa, viêm mũi dị ứng.

Người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định dùng thuốc được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc tờ kê đơn thuốc từ bác sĩ, dược sĩ.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Rataf

Thuốc Rataf được chỉ định dùng trong đường uống với liều dùng thông thường như sau:

  • Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Dùng liều tối đa là 1 viên/ lần và uống ngày 2 lần.
  • Trẻ em 6 – 12 tuổi: Dùng liều 1⁄2 viên/ lần và uống ngày 2 lần.

Người bệnh cần áp dụng chính xác liều dùng thuốc Rataf ghi trên bao bì, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc chỉ dẫn từ bác sĩ, dược sĩ. Không tự ý tính toán tăng, giảm liều dùng thuốc.

Tất cả dòng thuốc kê đơn đều cần phải có đơn thuốc từ bác sĩ, dược sĩ. Nếu người bệnh dùng quá liều thuốc Rataf cần dừng uống ngay và báo cho bác sĩ, dược sĩ khi có các biểu hiện bất thường. Trong trường hợp nguy hiểm cần gọi ngay cho 115 để được hướng dẫn và trợ giúp kịp thời. Người nhà nên mang theo sổ khám bệnh, tất cả các loại thuốc mà bệnh nhân đã và đang dùng để các bác sĩ có thể chẩn đoán, điều trị phương án thích hợp nhất.

Trong trường hợp người bệnh quên liều uống có thể uống bù sau khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu thời gian uống bù sát với thời gian uống liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều bù và uống theo đúng thời gian đã định. Người bệnh không nên tự ý tăng thêm liều để bù liều đã quên vì có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Hãy tuân thủ đúng hoặc hỏi ý kiến từ bác sĩ, dược sĩ trước khi quyết định.

3. Chống chỉ định dùng thuốc Rataf

Thông thường, người bệnh bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ chất nào trong thành phần của thuốc thì không được dùng. Thuốc không được sử dụng trong một số trường hợp sau:

  • Trẻ em
  • Quá mẫn cảm với thành phần Paracetamol, Loratadin và Dextromethorphan hydrobromid có trong thuốc.
  • Không sử dụng Rataf cho phụ nữ có thai và cho con bú.

4. Tương tác thuốc Rataf

Các tương tác thuốc thường khá phức tạp do. Chính vì vậy, người bệnh không nên tự ý áp dụng các thông tin về tương tác thuốc Rataf nếu không phải là nhà nghiên cứu, bác sĩ hoặc người phụ trách y khoa. Một số tương tác thuốc đã được báo cáo sau đây:

  • Metoclopramid, Domperidon kết hợp với Paracetamol: Tăng tốc độ hấp thu của Paracetamol.
  • Cholestyramin kết hợp với Paracetamol: Giảm hấp thu của Paracetamol.
  • Các thuốc chống đông kết hợp với Paracetamol: Tăng tác dụng nếu sử dụng Paracetamol dài ngày vì tăng nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên ở liều thông thường ảnh hưởng không quá nguy hiểm.
  • Thuốc ức chế CYP3P4, CYP2D6 kết hợp với Loratadin: Tăng nồng độ Loratadin, do đó tăng các tác dụng phụ.
  • Ketoconazol, Erythromycin, Cimetidin dùng chung với Loratadin: Làm tăng nồng độ Loratadin trong huyết tương.
  • Rượu khi dùng chung với Dextromethorphan HBr: Tăng tác dụng an thần của thuốc này.
  • Các thuốc IMAOs, thuốc chống trầm cảm, thuốc SSRIs kết hợp với Dextromethorphan HBr: Nguy cơ xảy ra hội chứng Serotonin dẫn đến thay đổi trạng thái tinh thần, tăng huyết áp, cơn rùng mình, bồn chồn run, rung giật cơ, tăng phản xạ, toát mồ hôi.
  • Các thuốc ức chế CYP2D6 như Fluoxetin, Quinidin, Methadon, Paroxetin,… làm tăng nồng độ của Dextromethorphan và tăng các tác dụng không mong muốn của thuốc, ngoài ra còn phát triển hội chứng Serotonin.
  • Quinidin dùng kết hợp với Dextromethorphan HBr: Tăng nồng độ lên gấp 20 lần Dextromethorphan trong huyết tương. Điều này, làm tăng tác dụng phụ rối loạn hệ thần kinh trung ương khi dùng của thuốc Rataf.

Người bệnh hãy xem chi tiết tương tác thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

5. Tác dụng phụ của thuốc Rataf

Dưới đây là một số tác dụng có thể gặp khi dùng thuốc Rataf điều trị:

  • Ban da;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Thiếu máu;
  • Giảm bạch cầu trung tính;
  • Giảm toàn thể huyết cầu;
  • Giảm bạch cầu;
  • Độc tính với thận khi dùng thuốc kéo dài;
  • Phản ứng quá mẫn khác;
  • Đau đầu, khô miệng;
  • Chóng mặt;
  • Khô mũi, hắt hơi;
  • Viêm kết mạc;
  • Trầm cảm;
  • Tim đập nhanh;
  • Đánh trống ngực;
  • Loạn nhịp nhanh trên thất;
  • Kinh nguyệt không đều;
  • Chức năng gan bất thường;
  • Ngoại ban;
  • Nổi mày đay;
  • Choáng phản vệ;
  • Rối loạn tiêu hóa;
  • Viêm dạ dày;
  • Viêm tụy;
  • Thay đổi huyết học.

Thông thường các tác dụng phụ nêu trên sẽ mất đi khi ngưng dùng thuốc. Nếu thấy bất kỳ tác dụng phụ nào, người bệnh hãy thông báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn để được xử lý kịp thời.

6. Chú ý đề phòng khi dùng Rataf

  • Trường hợp phụ nữ mang thai: 2 hoạt chất Paracetamol và Loratadin không ảnh hưởng xấu tới thai nhi ở liều khuyến cáo được dùng. Tuy nhiên, chưa có báo cáo về việc sử dụng Dextremethorphan cho bà bầu. Vì vậy, cần thận trọng khi dùng thuốc trong thời gian mang thai, trường hợp thật cần thiết mới nên sử dụng.
  • Hoạt chất Paracetamol và Loratadin được bài xuất vào trong sữa mẹ tuy nhiên không có ý nghĩa lâm sàng. Chưa có báo cáo về việc Dextromethorphan và các chất chuyển hóa của nó có bài xuất vào trong sữa mẹ hay không. Vì thế, không nên dùng cho bà mẹ đang cho con bú.
  • Rataf có tác dụng phụ là chóng mặt và buồn ngủ. Vì thế, không nên sử dụng thuốc khi đang lái xe và vận hành máy móc.

Ngoài ra còn một số lưu ý đặc biệt khác như:

  • Không nên phối hợp Rataf với các thuốc khác có chứa Paracetamol để không bị quá liều hoặc ngộ độc thuốc.
  • Người bệnh nếu thấy có triệu chứng đau và sốt dai dẳng quá 3 ngày nên thông báo ngay cho bác sĩ.
  • Thận trọng sử dụng thuốc cho những bệnh nhân bị gan, thận và xơ gan vì có nguy cơ quá liều cao hơn.
  • Nếu xét nghiệm trên da người bệnh cho dị ứng thì nên ngừng dùng thuốc trước 48 giờ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả các phản ứng dương tính của xét nghiệm.
  • Thận trọng dùng cho bệnh nhân bị ho có quá nhiều đờm, ho do hút thuốc và hen hoặc tràn khí.
  • Thận trọng dùng cho bệnh nhân có nguy cơ hoặc đang bị suy giảm hô hấp, bệnh nhân đang sử dụng các thuốc gây ức chế enzym CYP2D6.

Bài viết trên đây là tất cả những thông tin đã được chắt lọc về dòng thuốc Rataf. Hy vọng qua bài viết có thể giúp người bệnh hiểu rõ hơn về công dụng và cách dùng thuốc hiệu quả. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định từ chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Close
Social profiles