Công dụng thuốc Pamin

Công dụng thuốc Pamin

Thuốc Pamin có thành phần chính là Paracetamol, Chlorpheniamine và các tá dược khác với lượng vừa đủ. Thuốc Pamin được chỉ định trong các trường hợp sốt, cảm cúm, nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, đau đầu, đau răng, đau dây thần kinh và nhức mỏi cơ bắp,…

1. Pamin là thuốc gì?

Thuốc Pamin dạng gói thuộc nhóm thuốc hạ sốt và giảm đau.

Thành phần: Thuốc Pamin dạng gói có các thành phần chính là:

  • Paracetamol với hàm lượng 325mg.
  • Chlorpheniramine có hàm lượng 2mg.

Dạng bào chế: Thuốc cốm sủi bọt.

  • Paracetamol: Có tác dụng giảm đau, hạ sốt, nhưng không có tác dụng chống viêm. Hoạt chất Paracetamol làm hạ thân nhiệt ở người bị sốt nguyên nhân do thuốc tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi, gây giãn mạch ngoại vi và tăng lưu lượng máu. Thuốc Pamin hiếm khi gây hạ thân nhiệt ở những người đang có thân nhiệt ở mức bình thường. Paracetamol có tác dụng giảm đau bằng cơ chế tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.
  • Chlorpheniramine: Là chất kháng Histamin thế hệ 1. Thuốc cạnh tranh vị trí gắn thụ thể H1 với Histamin do đó làm giảm các dấu hiệu triệu chứng viêm, dị ứng điển hình là tình trạng tiết dịch nhầy, nước mũi ở đường hô hấp trên.

2. Công dụng của thuốc Pamin

  • Thuốc Pamin được sử dụng để điều trị cho người đang bị viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, sổ mũi, viêm xoang, viêm màng nhầy xuất tiết, giúp hạ sốt; giảm đau nhức xương khớp, cơ bắp, đau đầu…
  • Điều trị cho người bị dị ứng với những dấu hiệu triệu chứng như xuất hiện ban mẩn ngứa, nổi mề đay, viêm da do tiếp xúc; viêm mũi, sổ mũi vận mạch nguyên nhân do Histamin…
  • Hỗ trợ điều trị cho những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên có các biểu hiện: Sốt cao, đau đầu, nhảy mũi, rét run, ớn lạnh…

3. Cách dùng và liều điều trị của thuốc Pamin

Cách sử dụng của thuốc Pamin:

  • Sử dụng thuốc Pamin theo hướng dẫn in trên bao bì hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Không tự ý thay đổi cách sử dụng hay tăng giảm liều lượng. Thuốc Pamin được bào chế dạng bột, sử dụng thuốc bằng đường uống.
  • Hòa tan thuốc Pamin vào lượng nước thích hợp đến khi hết sủi bọt.
  • Uống hết dung dịch đã hòa tan.

Liều điều trị cụ thể như sau:

  • Đối với trẻ em
  • Đối với trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 6: Dùng 1⁄2 gói/ lần, mỗi lần dùng cách nhau từ 5 đến 6 giờ.
  • Đối với trẻ em từ 7 đến 15 tuổi: Dùng 1 gói/lần, mỗi lần dùng cách nhau từ 5 đến 6h.
  • Đối với người trưởng thành: Dùng 2 gói/lần, dùng cách nhau từ 5 đến 6h.
  • Hoặc sử dụng thuốc Pamin theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị hoặc các chuyên gia y tế.

4. Quá liều, quên liều và cách xử trí thuốc Pamin

  • Trong trường hợp quên sử dụng một liều thuốc: Bạn nên bổ sung ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến thời điểm sử dụng liều tiếp theo, bạn nên bỏ qua và dùng liều sau theo kế hoạch. Không tự ý sử dụng liều gấp đôi để bù liều.

Trong trường hợp sử dụng quá liều lượng khuyến cáo: Bạn nên thông báo với bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời. Quá liều thuốc Pamin có thể gây ngộ độc gan và làm tổn thương chức năng gan vĩnh viễn. Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo liều lượng được yêu cầu.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Pamin

Thuốc Pamin có thể gây ra các tác dụng phụ như sau:

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Thiếu máu tiêu huyết;
  • Giảm bạch cầu hạt;
  • Suy giảm hô hấp;
  • Suy giảm tâm thận vận động;
  • Bệnh phổi mãn tính.

Bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ điều trị nếu tác dụng không mong muốn phát sinh.

6. Tương tác của thuốc Pamin

  • Khi sử dụng Pamin dạng gói với những loại thuốc chống đông có thể gây tăng hoạt lực của thuốc chống đông máu.
  • Không uống thuốc Pamin cùng rượu, các thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc an thần, thuốc điều trị động kinh do tương tác hiệp đồng của các thuốc này với Chlorpheniramine. Ngoài ra, việc sử dụng rượu trong thời gian dùng các thuốc có chứa thành phần hoạt chất Paracetamol sẽ làm tăng độc tính trên tế bào gan, gây ra suy gan cấp tính.
  • Không dùng thuốc Pamin cùng Alkaloid nấm cựa gà.
  • Không dùng thuốc thuốc Pamin cùng với các chế phẩm chứa sắt nguyên tố, vitamin B2 hoặc Aspirin.
  • Thuốc Pamin gây tương tác có hại khi dùng thuốc ức chế men IMAO, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống co giật.
  • Bạn nên chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ chuyên môn về những loại thuốc mình đang sử dụng để có lời khuyên tốt nhất.

7. Một số lưu ý của thuốc Pamin

Thuốc Pamin chống chỉ định đối với những trường hợp sau:

  • Cơ địa nhạy cảm hay quá mẫn với các thành phần trong thuốc;
  • Người có tiền sử thiếu máu nhiều lần;
  • Thiếu hụt men G6PD;
  • Người bị bệnh phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang;
  • Người bị tắc môn vị, tá tràng;
  • Người bị bệnh lý hen suyễn;
  • Người có tiền sử nghiện rượu;
  • Người bị suy gan nặng;
  • Người đang điều trị bằng IMAO.

Hoạt động của thuốc Pamin có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe. Do đó, bạn nên chủ động thông báo với bác sĩ điều trị về tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc việc sử dụng thuốc. Nếu nhận thấy bạn có nguy cơ khi dùng thuốc Pamin, bác sĩ sẽ chỉ định một loại thuốc khác để thay thế.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Pamin dạng gói:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Pamin đối với phụ nữ thiếu máu từ trước. Thành phần Acetaminophen có trong thuốc có thể gây ra chứng xanh tím.
  • Sử dụng rượu và đồ uống có cồn trong thời gian sử dụng thuốc Pamin có thể tăng độc tính lên gan. Trong thời gian điều trị bằng với thuốc Pamin, bạn nên hạn chế việc sử dụng rượu.
  • Thuốc Pamin có thể gây chóng mặt và buồn ngủ trong thời gian sử dụng. Do đó, trong thời gian sử dụng thuốc thì bạn nên hạn chế lái xe, vận hành máy móc hay thực hiện các hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Pamin cho người bị suy thận, cần theo dõi chức năng thận khi sử dụng thuốc trong thời gian dài.
  • Sử dụng đúng liều được ghi trên nhãn thuốc Pamin hay chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.
  • Để ý xem trạng thái của gói thuốc Pamin có sự thay đổi bất thường nào không như: thay đổi về màu sắc, gói thuốc bị ẩm mốc,… nếu có thì không được sử dụng tiếp.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú:

  • Phụ nữ có thai trong 3 tháng cuối thai kỳ không nên sử dụng thuốc Pamin dạng gói.
  • Với phụ nữ trong giai đoạn cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, theo dõi cơ thể cẩn thận khi sử dụng thuốc Pamin dạng gói.

Cách bảo quản thuốc Pamin:

  • Bảo quản thuốc Pamin ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Không để thuốc Pamin ở nơi ẩm thấp, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc Pamin trước khi sử dụng.
  • Để xa tầm tay của trẻ em và các loại thú nuôi trong gia đình của bạn.

Tóm lại, Pamin là thuốc hạ sốt giảm đau. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Close
Social profiles