Công dụng thuốc Omeusa

Công dụng thuốc Omeusa

Omeusa là thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm khuẩn nhạy cảm như viêm tủy – xương, viêm màng não, nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương. Cùng tìm hiểu một số thông tin về thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn, hiệu quả, phòng tránh những tác dụng phụ đối với sức khỏe.

1. Thuốc Omeusa là thuốc gì?

Thuốc Omeusa là sản phẩm được sản xuất bởi công ty S.C. Antibiotice S.A. đến từ Rumani. Thành phần chính của thuốc là Oxacillin (dưới dạng Oxacillin natri monohydrate) 1000mg.

Khi nhắc đến Oxacillin, đây là thành phần quen thuộc trong ngành y học có khả năng phát huy tốt hiệu quả đối với vi khuẩn ưa khí gram âm và gram dương, tụ cầu và đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi enzym beta-lactamase của vi khuẩn.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Omeusa

2.1. Chỉ định

Omeusa được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Ðiều trị nhiễm khuẩn hệ hô hấp, đặc biệt là tai – mũi-họng.
  • Điều trị nhiễm khuẩn niệu-sinh dục, viêm nội tâm mạc.
  • Thuốc phát huy hiệu quả với những trường hợp nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, viêm màng não.
  • Sử dụng cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu và liên cầu nhạy cảm (Staphylococcus và Streptococcus).

2.2. Chống chỉ định

Một số trường hợp không nên dùng Omeusa gồm:

  • Mẫn cảm với thành phần Oxacillin của thuốc.
  • Bệnh nhân đang mắc suy thận nặng.
  • Cẩn thận khi dùng thuốc cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người già hoặc mắc các bệnh lý tiêu hóa.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Omeusa

Omeusa là thuốc được chỉ định dùng theo đường tiêm tĩnh mạch với liều dùng tham khảo như sau:

Với người lớn:

  • Dùng thuốc để chống vi khuẩn: Sử dụng với liều 250 mg đến 1 gam, cứ 4 – 6 giờ dùng 1 lần.
  • Người bệnh nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não do vi khuẩn: Sử dụng với liều 1 đến 2 gam, cứ 4 giờ 1 lần.

Với trẻ sơ sinh:

  • Liều dùng cho trẻ mắc viêm màng não do vi khuẩn: Ở trẻ sơ sinh nặng dưới 2kg, sử dụng với liều 25 đến 50 mg/ 1kg thể trọng, cứ 12 giờ 1 lần trong tuần đầu sau khi sinh, rồi 50 mg/1kg thể trọng, cứ 8 giờ 1 lần sau đó. Trẻ sơ sinh nặng 2 kg trở lên sử dụng với liều 56g/1kg thể trọng, cứ 8 giờ 1 lần trong tuần đầu sau khi sinh và tăng dần lên 50mg/ 1kg thể trọng, cứ 6 giờ 1 lần sau đó.

Các trường hợp khác: Sử dụng với liều 6,25 mg, cứ 6 giờ 1 lần.

Trẻ em dưới 40kg thể trọng sử dụng với liều 12,5 đến 25 mg cho 1 kg thể trọng, cứ 6 giờ 1 lần. Có thể dùng với liều 16,7 mg cho 1kg thể trọng, cứ 4 giờ 1 lần.

Riêng trường hợp mắc những bệnh nhiễm khuẩn nặng hơn gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn rải rác hoặc viêm xương – tủy ở trẻ em trên 1 tháng tuổi và dưới 40kg, sử dụng với liều 100 – 200 mg/kg một ngày, cứ 4 – 6 giờ 1 lần.

4. Tác dụng phụ thuốc Omeusa

Trong quá trình sử dụng thuốc Omeusa, một số tác dụng phụ thường gặp gồm:

  • Dị ứng, da nổi mẩn đỏ, có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
  • Làn da xanh xao, có cảm giác đau đầu, mệt mỏi.
  • Rối loạn tiêu hóa dẫn đến đau bụng, chướng bụng.
  • Giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu xuất hiện trong một số trường hợp.
  • Viêm nhiễm gây ngứa vùng kín, tăng men gan.

5. Tương tác thuốc Omeusa

Omeusa có khả năng tương tác với một số loại thuốc sau:

  • Omeusa có thể làm giảm hiệu lực của thuốc tránh thai nên bạn cần cân nhắc khi sử dụng.
  • Thuốc chứa Disulfiram và các probenecid có thể làm tăng nồng độ của Omeusa trong huyết thanh.
  • Dùng chung với các loại thuốc chống đông máu có thể làm tăng tác dụng chống đông máu.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Omeusa

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng Omeusa trước khi dùng, bảo quản thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Chỉ dùng thuốc Omeusa cho phụ nữ mang thai, cho con bú khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu dùng thuốc quá liều, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng quá mẫn thần kinh – cơ, ảo giác, loạn giữ tư thế, bệnh não, lú lẫn, co giật, mất cân bằng điện giải với muối kali hoặc muối natri. Lúc này, bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin về thuốc Omeusa. Do những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, bởi vậy bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ cũng như sự hỗ trợ tiêm truyền của các chuyên gia y tế.

Close
Social profiles