Công dụng thuốc Lapatinib

Công dụng thuốc Lapatinib

Lapatinib là thuốc điều trị ung thư vú, bao gồm các tình trạng ung thư di căn hoặc tiến triển và thường được kết hợp với các loại thuốc khác. Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm thông tin về thuốc Lapatinib.

1. Công dụng của Lapatinib

Lapatinib là thuốc gì? Lapatinib thuộc nhóm thuốc chống ung thư, tác động vào hệ thống miễn dịch, có thành phần chính là Lapatinib. Lapatinib có tác dụng ức chế tế bào khối u tăng trưởng, phát triển và lây lan trong cơ thể.

Lapatinib được bào chế dưới dạng viên nén bao phim và được chỉ định dùng trong điều trị ung thư vú kết hợp với các thuốc sau:

  • Điều trị ung thư vú di căn hoặc tiến triển kết hợp với Capecitabine, trong trường hợp khối u bộc lộ quá mức và trước đó người bệnh đã có phác đồ điều trị bao gồm thuốc Trastuzumab.
  • Điều trị ung thư vú di căn bằng Lapatinib phối hợp với Trastuzumab, trong trường hợp khối u bộc lộ quá mức và người bệnh đã điều trị bằng hóa trị liệu và Trastuzumab khi bệnh tiến triển.
  • Điều trị ung thư vú di căn ở phụ nữ sau mãn kinh, trong trường hợp dương tính thụ thể nội tiết và không được hóa trị liệu.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Lapatinib

Lapatinib được dùng theo đường uống, uống thuốc trước hoặc sau khi ăn tối thiểu 1 giờ vì thức ăn ảnh hưởng đến sinh khả dụng của thuốc. Nên uống nguyên viên thuốc với nước, không được bẻ hoặc nghiền thuốc, vì đối với thuốc điều trị ung thư cần hạn chế tiếp xúc bụi thuốc, nhất là phụ nữ đang mang thai.

Liều dùng Lapatinib trong điều trị ung thư vú kết hợp với các thuốc cụ thể như sau:

  • Điều trị ung thư vú di căn hoặc tiến triển kết hợp với Capecitabine, trong trường hợp khối u bộc lộ quá mức và trước đó người bệnh đã có phác đồ điều trị bao gồm thuốc Trastuzumab: 1.250mg/lần/ngày (tương đương 5 viên/lần/ngày), dùng liên tục cùng với Capecitabine.
  • Điều trị ung thư vú di căn bằng Lapatinib phối hợp với Trastuzumab, trong trường hợp khối u bộc lộ quá mức và người bệnh đã điều trị bằng hóa trị liệu và Trastuzumab khi bệnh tiến triển: 1.000mg/lần/ngày (tương đương 4 viên/lần/ngày), dùng liên tục cùng với Trastuzumab.
  • Điều trị ung thư vú di căn ở phụ nữ sau mãn kinh, trong trường hợp dương tính thụ thể nội tiết và không được hóa trị liệu: 1.500mg/lần/ngày (tương đương 6 viên/lần/ngày), dùng liên tục với chất ức chế aromatase.

Trong một số trường hợp sau, cần giảm liều dùng Lapatinib hoặc ngưng dùng thuốc:

  • Các biến cố đối với tim: Ngừng thuốc khi có biểu hiện giảm phân suất tống máu thất trái cấp độ 3 hoặc có thể nặng hơn. Sau tối thiểu 2 tuần và chỉ số phân suất tống máu về bình thường, người bệnh không có triệu chứng thì có thể dùng thuốc Lapatinib trở lại bình thường nhưng với liều thấp hơn 250mg (tương đương 1 viên).
  • Viêm phổi, bệnh phổi mô kẽ: Ngừng thuốc khi có biểu hiện gợi ý hoặc chỉ điểm của viêm phổi hoặc phổi mô kẽ khi tiêu chuẩn đánh giá tác dụng phụ ở cấp độ 3 hoặc có thể nặng hơn.
  • Tiêu chảy: Ngừng Lapatinib khi có biểu hiện tiêu chảy được theo tiêu chuẩn đánh giá tác dụng phụ ở cấp độ 3 hoặc có thể nặng hơn (kèm theo đau quặn bụng, buồn nôn, nôn, sốt, giảm hoạt động, nhiễm trùng huyết, mất nước, đi phân có máu, giảm bạch cầu trung tính). Khi tiêu chảy giảm (cấp độ 1 hoặc thấp hơn) có thể dùng Lapatinib trở lại bình thường nhưng với liều thấp hơn 250mg (tương đương 1 viên). Tiêu chảy cấp độ 4 buộc ngừng thuốc vĩnh viễn.
  • Độc tính trên gan và những độc tính khác: Ngừng Lapatinib vĩnh viễn khi chức năng gan thay đổi nghiêm trọng. Đối với những độc tính khác, có thể ngừng hoặc dùng gián đoạn thuốc khi biểu hiện độc tính của người bệnh từ cấp độ 2 trở lên. Khi độc tính giảm xuống cấp độ 1 thì có thể dùng Lapatinib trở lại bình thường với liều chuẩn mỗi ngày là từ 1.000mg hoặc 1.250mg hoặc 1.500mg. Trường hợp độc tính xuất hiện trở lại thì cần dùng với liều thấp hơn 250mg.

Liều dùng Lapatinib cũng cần được điều chỉnh khi dùng với chất ức chế CYP3A4:

  • Với Letrozole: Dùng liều Lapatinib 500mg/lần/ngày và điều chỉnh dần dần từ 1.500mg/lần/ngày lên 5.500mg/lần/ngày.
  • Với Capecitabine: Dùng liều Lapatinib 500mg/lần/ngày và điều chỉnh dần dần từ 1.250mg/lần/ngày lên 4.500mg/lần/ngày.
  • Suy thận, suy gan: Chưa cần điều chỉnh liều dùng Lapatinib ở người bị suy thận nhưng nên giảm liều ở người bị suy gan nặng.

Quá liều Lapatinib có biểu hiện tương tự như tác dụng phụ của thuốc với các triệu chứng như đau đầu, tăng nhịp xoang, viêm niêm mạc. Thẩm tách máu không được dùng để thải trừ thuốc vì không hiệu quả.

3. Tác dụng phụ của thuốc Lapatinib

Đơn trị liệu Lapatinib có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất xuất hiện như sau:

  • Thường gặp: Chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mất nước, mệt mỏi, giảm phân suất tống máu, phát ban, viêm quanh móng.
  • Ít gặp: Viêm phổi, bệnh phổi mô kẽ, tăng nồng độ bilirubin trong máu và độc tính ở gan.
  • Hiếm gặp: Các phản ứng quá mẫn, phản ứng phản vệ.

Điều trị phối hợp Lapatinib với Capecitabine có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:Viêm miệng, đau bụng, khó tiêu, táo bón, viêm niêm mạc, mất ngủ, đau đầu, đau lưng, đau ở tay và chân, hội chứng tay – chân, khô da.

Điều trị phối hợp Lapatinib với Trastuzumab có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn sau: Khô da, rụng tóc, chảy máu cam.

Nếu thấy có bất kỳ biểu hiện lạ nào sau khi dùng Lapatinib đơn trị liệu hay phối hợp với các thuốc khác, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra xử trí.

4. Một số lưu ý khi dùng thuốc Lapatinib

  • Người bị suy giảm chức năng thất trái cần thận trọng khi dùng Lapatinib. Cần đánh giá phân suất tống máu thất trái trước khi điều trị để đảm bảo chỉ số này nằm trong mức bình thường và tiếp tục đánh giá trong quá trình điều trị vì thuốc có thể làm giảm phân suất tống máu, dẫn đến suy tim và tử vong.
  • Người có biểu hiện kéo dài khoảng QT cần thận trọng khi dùng Lapatinib. Cần điều chỉnh nồng độ kali và magie trong máu và cân nhắc đo khoảng QT trước và trong khi điều trị với thuốc.
  • Người bệnh cần được kiểm tra xét nghiệm chức năng gan trước khi điều trị và 4 – 6 tuần/lần trong khi điều trị với Lapatinib vì thuốc có thể gây độc tính trên gan. Qua kết quả xét nghiệm, nếu thấy chức năng gan thay đổi nghiêm trọng, cần ngừng dùng thuốc vĩnh viễn.
  • Người bệnh cần được hướng dẫn và điều trị bằng thuốc chống tiêu chảy Loperamide khi có biểu hiện bất thường ở ruột như tiêu chảy, vì thuốc Lapatinib có thể gây tiêu chảy từ mức độ nặng đến nhẹ, kéo dài trong 4 – 5 ngày và trong vòng 6 ngày sau khi dùng thuốc. Với tiêu chảy nặng, người bệnh cần được bổ sung điện giải bằng cách uống hoặc truyền dung dịch điện giải và dùng thuốc kháng sinh khi tiêu chảy kéo dài trên 1 ngày, kèm theo sốt và giảm bạch cầu trung tính. Bên cạnh đó, người bệnh có thể ngừng điều trị với thuốc hoặc điều trị gián đoạn.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú chỉ được dùng Lapatinib với điều kiện cần thiết vì dữ liệu nghiên cứu trên nhóm đối tượng này còn hạn chế, chưa biết thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi hoặc tiết vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh hay không. Tốt nhất là cần dùng các biện pháp tránh thai hoặc ngừng cho con bú khi đang dùng thuốc.
  • Lapatinib có thể tương tác với các thuốc sau: dược động học của thuốc có thể bị ảnh hưởng khi dùng đồng thời với chất ức chế hoặc cảm ứng với CYP3A4; giảm phơi nhiễm thuốc khi người bệnh điều trị với chất ức chế bơm proton trước đó; tăng dược động học khi dùng cùng với Midazolam đường uống.
  • Lapatinib cũng có thể tương tác với các thuốc sau: tăng phơi nhiễm thuốc khi dùng đồng thời với Paclitaxel; giảm bạch cầu trung tính khi kết hợp với Docetaxel đường tĩnh mạch; tăng dược động học khi uống đồng thời với Irinotecan.
  • Bên cạnh đó, sự phân bố hoặc phơi nhiễm của Lapatinib cũng bị ảnh hưởng khi dùng với protein vận chuyển Pgp và protein kháng ung thư vú. Tăng dược động học khi dùng đồng thời với Digoxin.
  • Với điều trị chống ung thư, trước khi dùng thuốc, người bệnh sẽ được thăm khám hỏi về tiền sử và các loại đã và đang sử dụng để hạn chế những ảnh hưởng của tương tác thuốc trong quá trình điều trị.

Close
Social profiles