Công dụng thuốc Corypadol

Công dụng thuốc Corypadol

Thuốc Corypadol được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần là Paracetamol, Cafein và Clorpheniramin maleat. Thuốc được sử dụng để điều trị các triệu chứng cảm sốt, nhức đầu,…

1. Thuốc Corypadol là thuốc gì?

Thuốc Corypadol có thành phần chính gồm Paracetamol 400mg + Cafein 40mg + Clorpheniramin maleat 2mg. Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt, tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi gây hạ nhiệt. Thành phần này tăng tỏa nhiệt do giãn mạch, tăng lưu lượng máu ngoại biên, dẫn tới làm giảm thân nhiệt ở người bị sốt. Paracetamol cũng làm giảm đau bằng cách nâng ngưỡng chịu đau của cơ thể lên. Còn Clorpheniramin maleat là 1 thuốc kháng histamin, làm giảm phù nề, nổi mày đay trong các phản ứng quá mẫn (như dị ứng, sốc phản vệ) bằng cách ức chế thụ thể H1. Ngoài ra, Clorpheniramin cũng có tác động kháng cholinergic.

Chỉ định sử dụng thuốc Corypadol: Điều trị triệu chứng cảm cúm như sốt, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Corypadol:

  • Người mẫn cảm với thành phần, tá dược có trong thuốc;
  • Người bị thiếu men G6PD;
  • Bệnh nhân suy gan nặng, glaucoma góc hẹp, phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang, đang trong cơn hen cấp, loét dạ dày chít, tắc môn vị – tá tràng hoặc dùng thuốc ức chế MAO trong vòng 14 ngày;
  • Phụ nữ đang nuôi con bú, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Corypadol

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng: Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, nên uống 1 viên/lần x 1 – 3 lần/ngày. Khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc Corypadol là 4 – 6 giờ, không nên uống quá 8 viên/ngày. Lưu ý không dùng thuốc liên tiếp quá 4 ngày nếu chưa được bác sĩ cho phép.

Quá liều: Quá liều Paracetamol do dùng 1 liều độc duy nhất hoặc uống lặp lại liều lớn Paracetamol (7,5 – 10g/ngày, trong 1 – 2 ngày) hoặc do sử dụng thuốc dài ngày. Tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều là hoại tử gan phụ thuộc liều, có thể gây tử vong. Khi xảy ra các triệu chứng quá liều thuốc Corypadol, người bệnh nên điều trị triệu chứng kết hợp với gây nôn, rửa dạ dày, dùng thuốc đối kháng đặc hiệu (nếu có) ngay lập tức. Tốt nhất nên ngưng thuốc và lập tức đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra, xử trí.

3. Tác dụng phụ của thuốc Corypadol

3.1 Tác dụng phụ liên quan đến Paracetamol

Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải gồm:

  • Ít gặp: Phát ban da, buồn nôn, nôn ói, rối loạn tạo máu (giả toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính), thiếu máu, bệnh thận, độc tính thận nếu lạm dụng thuốc Corypadol dài ngày.
  • Hiếm gặp: Hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ngoại ban toàn thân cấp tính, phản ứng quá mẫn,…

3.2 Tác dụng phụ liên quan đến Clorpheniramin

Một số tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải gồm:

  • Rất thường gặp: Lơ mơ, buồn ngủ;
  • Thường gặp: Rối loạn chú ý, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, mệt mỏi, nhìn mờ;
  • Không rõ tần suất: Rối loạn tạo máu, thiếu máu tán huyết, dị ứng, sốc mẫn cảm, phù mạch, chán ăn, chóng mặt, khó chịu, kích thích, gặp ác mộng, trầm cảm, ù tai, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, huyết áp thấp, tăng tiết dịch phế quản, nôn ói, đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, vàng da, viêm gan, viêm da, phát ban, nổi mày đay, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, yếu cơ, bí tiểu, đau ngực,…

Lưu ý: Trẻ em và người lớn tuổi khi dùng thuốc Corypadol có thể gặp tác dụng phụ liên quan tới tác dụng kháng cholinergic và sự kích thích ngược như bồn chồn, lo lắng,…

4. Lưu ý khi dùng thuốc Corypadol

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Corypadol:

  • Với người bị phenylceton – niệu và những người phải hạn chế lượng phenylalanin đưa vào cơ thể nên tránh sử dụng Paracetamol với thuốc hoặc những thực phẩm có chứa aspartam;
  • Với người quá mẫn (ví dụ bệnh hen) nên tránh dùng Paracetamol với thuốc hoặc thực phẩm có chứa sulfit;
  • Dùng thuốc Corypadol thận trọng ở những người có thiếu máu từ trước, bị suy giảm chức năng gan và thận;
  • Uống nhiều rượu có thể gây tăng độc tính của Paracetamol với gan nên trong quá trình dùng thuốc, người bệnh nên tránh hoặc hạn chế uống rượu;
  • Clorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bí tiểu, đặc biệt là ở bệnh nhân tắc đường niệu, phì đại tuyến tiền liệt, tắc môn vị tá tràng,… và làm trầm trọng thêm ở bệnh nhân nhược cơ;
  • Tác dụng an thần của Clorpheniramin tăng lên nếu bệnh nhân uống rượu hoặc dùng đồng thời với các thuốc an thần khác;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Corypadol ở người có bệnh phổi mạn tính, khó thở hoặc thở ngắn, bệnh nhân tăng nhãn áp, người lớn tuổi;
  • Thuốc Corypadol có nguy cơ gây sâu răng nếu sử dụng trong thời gian dài;
  • Không nên dùng thuốc nếu người bệnh không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose – galactose hoặc thiếu men lapp lactase;
  • thuốc Corypadol có chứa Paracetamol nên bác sĩ cần cảnh báo bệnh nhân về những dấu hiệu của phản ứng da nghiêm trọng như hội chứng Lyell (hội chứng hoại tử da nhiễm độc), hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính;
  • Phụ nữ có thai chỉ dùng thuốc Corypadol khi thực sự cần thiết. Nếu dùng Clorpheniramin trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây những phản ứng nghiêm trọng như cơn động kinh ở trẻ sơ sinh;
  • Phụ nữ cho con bú nên cân nhắc không dùng thuốc hoặc không cho con bú tùy mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ (theo lời khuyên của bác sĩ);
  • Thuốc Corypadol có nguy cơ gây buồn ngủ nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hoặc làm việc trên cao.

5. Tương tác thuốc Corypadol

Một số tương tác thuốc liên quan đến thành phần Paracetamol gồm:

  • Uống Paracetamol liều cao và dài ngày có thể làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của thuốc coumarin và dẫn chất indandion;
  • Lưu ý tới khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng nếu dùng đồng thời Paracetamol với phenothiazin và liệu pháp hạ nhiệt;
  • Thuốc chống co giật như phenytoin, barbiturat, carbamazepin gây cảm ứng enzyme ở microsom thể gan nên có thể làm tăng tính độc gan của Paracetamol (do tăng chuyển hóa thuốc thành những chất gây độc tính cho gan);
  • Uống rượu quá nhiều và trong thời gian dài ngày làm tăng nguy cơ Paracetamol gây độc cho gan;
  • Sử dụng đồng thời Paracetamol với isoniazid có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho gan;
  • Cholestyramin làm giảm hấp thu Paracetamol nên không uống cùng 2 loại thuốc này trong vòng 1 giờ.

Một số tương tác thuốc liên quan đến thành phần Clorpheniramin gồm:

  • Các thuốc ức chế MAO sẽ làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc kháng histamin;
  • Ethanol hoặc các loại thuốc an thần gây ngủ có thể làm tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của Clorpheniramin;
  • Clorpheniramin ức chế chuyển hóa phenytoin, có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc phenytoin.

Khi sử dụng thuốc Corypadol, người bệnh nên làm theo đúng những khuyến nghị kể trên để đảm bảo thuốc phát huy hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất và giảm nguy cơ phát sinh những sự cố, bất trắc khó lường.

Close
Social profiles