Công dụng thuốc Ciprofloxacin 0,3%

Công dụng thuốc Ciprofloxacin 0,3%

Ciprofloxacin 0,3% là dung dịch nhỏ thuộc nhóm thuốc điều trị tai – mũi – họng. Thuốc được dùng theo đơn của bác sĩ, có bán tại nhiều hiệu thuốc trên toàn quốc. Cùng tìm hiểu rõ hơn Ciprofloxacin 0,3% có tác dụng gì trong bài viết sau đây.

1. Ciprofloxacin 0,3% là gì?

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% là thuốc được bào chế dạng dung dịch nhỏ trực tiếp. Thuốc được nhiều hãng dược sản xuất với cùng tên biệt dược. Một số hãng dược như Công ty Cổ phần Dược phẩm TW Vidipha (Việt Nam), Công ty Cổ phần Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định – Bidiphar (Việt Nam), Công ty Cổ phần Dược phẩm 3/2 (Việt Nam),…

Thành phần chính của Ciprofloxacin 0,3% gồm:

  • Ciprofloxacin;
  • Các loại tá dược (nước cất, Mannitol, Dinatri edeta…);

Tuỳ từng hãng dược mà thành phần tá dược có thể khác nhau. Thuốc được bào chế dạng dung dịch nhỏ 5ml, được đựng trong bao bì hình chữ nhật.

2. Ciprofloxacin 0,3% có tác dụng gì?

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% có chứa thành phần chính là Ciprofloxacin – hoạt chất phổ rộng chống lại các loại vi khuẩn Gram (-), (+). Tác dụng chính là Ciprofloxacin 0,3% là diệt khuẩn nhờ khả năng ức chế hoạt động của các enzyme DNA – gyrase, một loại enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA của vi khuẩn.

Ngoài ra, Ciprofloxacin 0,3% còn có tác dụng phổ kháng kháng rộng bao gồm các mầm bệnh quan trọng như:

  • Các vi khuẩn Gram (-) gồm: Pseudomonas, Enterobacter;
  • Các vi khuẩn gây bệnh đường ruột: Salmonella shigella, Yersinia, Vibrio cholerae;
  • Các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp như: Haemophilus, Legionella, Mycoplasma, Chlamydia,…
  • Các loại vi khuẩn Gram (+) thì kém nhạy cảm hơn nhưng vẫn có tác dụng;

Nhìn chung, Ciprofloxacin 0,3% có tác dụng chính là diệt khuẩn, được chỉ định cho nhiều dạng nhiễm khuẩn khác nhau.

3. Chỉ định dùng Ciprofloxacin 0,3%

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% được chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn khác nhau. Cụ thể:

  • Nhiễm khuẩn ở mắt gồm: viêm kết mạc, viêm/ loét giác mạc, viêm giác mạc, viêm bờ mi, viêm kết mạc – mí mắt, viêm tuyến lệ do nhiễm khuẩn,..;
  • Nhiễm khuẩn ở tai gồm: viêm tai ngoài, viêm tai giữa (cả cấp và mạn tính có mủ), …;

Ngoài ra, Ciprofloxacin 0,3% còn được chỉ định trong các trường hợp dự phòng sau khi làm các thủ thuật, phẫu thuật ở mắt, tai như: phẫu thuật ghép giác mạc và kết mạc, trước và sau phẫu thuật ở mắt, phẫu thuật xương chũm,

Chỉ định Ciprofloxacin 0,3% chủ yếu trong các dạng nhiễm khuẩn ở mắt/ tai. Do đó, chúng ta cũng cần thận trọng.

4. Liều dùng – cách dùng Ciprofloxacin 0,3%

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% được dùng bằng cách nhỏ trực tiếp vào mắt, tai theo hướng dẫn. Liều dùng khuyến cáo Ciprofloxacin 0,3% như sau:

4.1. Đối với các dạng nhiễm khuẩn ở mắt

Liều dùng khuyến cáo như sau:

  • Nhiễm khuẩn cấp tính: nhỏ 1 – 2 giọt mỗi 15 – 30 phút, giảm số lần khi cá triệu chứng giảm;
  • Với các trường hợp nhiễm khuẩn khác ở mắt thì liều dùng khuyến cáo là từ 1 – 2 giọt. Nhỏ từ 2 – 6 lần/ ngày hoặc liều thấp hơn, cao hơn theo hướng dẫn của bác sĩ/ dược sĩ.
  • Điều trị đau mắt hột cấp và mạn tính liều dùng khuyến cáo là 2 giọt mỗi mắt. Nhỏ từ 2 – 4 lần/ ngày, dùng trong khoảng từ 1 – 2 tháng hoặc có thể kéo dài theo chỉ định.

Các dạng nhiễm khuẩn ở mắt cần thận trọng, khi nhỏ đúng theo hướng dẫn và liều dùng.

4.2. Liều dùng Ciprofloxacin 0,3% đối với các trường hợp nhiễm khuẩn tai

Liều dùng khuyến cáo là nhỏ từ 2 – 3 giọt/ 2 -3 giờ, giảm dần liều lượng khi các triệu chứng lâm sàng giảm.

Ciprofloxacin 0,3% là dung dịch nhỏ trực tiếp, chúng ta chỉ cần sử dụng đúng hướng dẫn. Liều dùng theo khuyến cáo đã được bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn, người bệnh không nên tự ý tăng hoặc giảm liều.

5. Chống chỉ định dùng Ciprofloxacin 0,3%

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% không dùng cho những đối tượng sau:

  • Các trường hợp có tiền sử dị ứng, quá mẫn với các loại thuốc khác;
  • Các trường hợp có cơ địa dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần, tá dược nào có trong Ciprofloxacin 0,3% ;
  • Các đối tượng phụ nữ mang thai, cho con bú không nên dùng, vì thuốc có thể gây ra các ảnh hưởng đến thai kỳ và qua sữa mẹ;

Người bệnh cần đọc kỹ toa thuốc, hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Thông báo ngay cho bác sĩ những tiền sử dị ứng thuốc để được tư vấn cụ thể.

6. Tác dụng phụ khi dùng Ciprofloxacin 0,3%

Ciprofloxacin 0,3% có thể gây tác dụng phụ bao gồm:

  • Cảm giác khó chịu tại chỗ sau khi nhỏ thuốc;
  • Đau rát tại chỗ;
  • Cảm giác cộm, sưng, ngứa, sung huyết giác mạc, sưng mí mắt, chảy nước mắt sống…
  • Sợ ánh sáng, giảm thị lực;
  • Buồn nôn và nôn;

Bạn có thể gặp một hoặc cùng lúc nhiều tác dụng phụ khác nhau sau khi dùng Ciprofloxacin 0,3%. Do đó, hãy thận trọng và thông báo với bác sĩ/ dược sĩ các tác dụng phụ, mức độ để có phương án xử lý hiệu quả.

7. Thận trọng khi dùng Ciprofloxacin 0,3%

Thuốc Ciprofloxacin 0,3% có thể gia tăng tác dụng phụ, tương tác không mong muốn. Do đó, khi dùng người bệnh cũng cần thận trọng, chú ý:

  • Khi dùng trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng bộc phát các vi khuẩn không nhạy cảm, bao gồm cả nấm;
  • Trong trường hợp sử dụng Ciprofloxacin 0,3% có bội nhiễm cần có các biện pháp điều trị thích hợp;
  • Nếu có biểu hiện nổi ban, nôn nhiều,… các biểu hiện dị ứng, quá mẫn phức tạp cần dừng thuốc ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ;

Mặc dù chưa có các báo cáo về tương tác khi dùng Ciprofloxacin 0,3% nhưng khi sử dụng chúng ta cũng nên thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang, đã dùng trong thời gian gần nhất.

8. Bảo quản Ciprofloxacin 0,3%

Ciprofloxacin 0,3% có tác dụng gì? Thuốc có tác dụng chống nhiễm khuẩn với các trường hợp nhiễm khuẩn ở tai, mắt… Để thuốc có hiệu quả tốt thì việc bảo quản cần được thực hiện đúng quy trình. Theo đó, thuốc Ciprofloxacin 0,3% cần được bảo quản tốt trong điều kiện khô, tránh ẩm mốc hoặc nhiệt độ đúng tiêu chuẩn. Thuốc cần được sử dụng hết trong vòng nửa tháng sau khi mở nắp.

Hi vọng với những thông tin trên đây về Ciprofloxacin 0,3% đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về loại thuốc này. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào khi dùng thuốc, chỉ định, liều dùng hãy tham khảo ý kiến từ phía các bác sĩ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Close
Social profiles