Công dụng thuốc Cezmeta

Công dụng thuốc Cezmeta

Thuốc Cezmeta được sử dụng chủ yếu để điều trị các vấn đề tiêu hoá như tiêu chảy, đau thực quản, đau tá tràng,… Trong quá trình sử dụng thuốc Cezmeta, bệnh nhân cần lưu ý dùng theo đúng liều lượng mà bác sĩ khuyến cáo. Tránh tự ý uống thuốc theo mục đích cá nhân nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ ngoại ý.

1. Cezmeta là thuốc gì?

Thuốc Cezmeta thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, được bác sĩ kê đơn sử dụng để điều trị các tình trạng như tiêu chảy, đau dạ dày tá tràng, đau thực quản,…Thuốc Cezmeta được bào chế dưới dạng thuốc bột uống và đóng gói theo quy cách hộp 30 gói x 3,76g.

Trong mỗi gói bột Cezmeta có chứa thành phần chính là Diosmectite với hàm lượng 3g, kèm theo các tá dược khác vừa đủ cho một gói 3,76g. Hoạt chất chính Diosmectite đóng vai trò là một magnesi và silicat nhôm tự nhiên, có cấu trúc đặc biệt với từng lớp lá mỏng đặt song song nhau. Do tính chất quánh dẻo cao nên Diosmectite có thể bao phủ đáng kể được niêm mạc đường tiêu hoá.

Khi uống Diosmectite, hoạt chất này sẽ tương tác với Glycoprotein của lớp niêm dịch bao phủ đường tiêu hoá, nhờ đó thúc đẩy công dụng bảo vệ lớp niêm mạc đường tiêu hóa khỏi các tác nhân xâm nhập gây hại từ bên ngoài. Mặt khác, Diosmectite có khả năng bám dính rất tốt và được hấp thụ nhanh chóng tạo nên một hàng rào bảo vệ niêm mạc tiêu hoá.

Diosmectite cũng gắn vào các độc tố vi khuẩn tại ruột, tuy nhiên hoạt chất này cũng có thể tương tác với các thuốc kháng sinh khác như Trimethoprim hoặc Tetracyclin khiến làm mất tác dụng hoặc cản trở quá trình hấp thu thuốc.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Cezmeta

2.1 Chỉ định dùng thuốc Cezmeta

Thuốc Cezmeta thường được bác sĩ chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Điều trị các triệu chứng đau cho những người bị viêm dạ dày, viêm thực quản, tá tràng hoặc đại tràng.
  • Điều trị tình trạng tiêu chảy cấp tính hoặc mạn tính sau khi đã bồi phụ đủ lượng nước cũng như điện giải nhưng vẫn tiếp diễn tiêu chảy kéo dài.

2.2 Chống chỉ định sử dụng thuốc Cezmeta

Không sử dụng thuốc Cezmeta cho các trường hợp dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bao gồm:

  • Chống chỉ định Cezmeta cho những đối tượng có tiền sử dị ứng hay mẫn cảm với hoạt chất Diosmectite hoặc bất kỳ thành phần tá dược khác có trong thuốc.
  • Chống chỉ định Cezmeta cho bệnh nhân trẻ em mắc tiêu chảy cấp bị mất nước và điện giải nghiêm trọng.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Cezmeta

3.1 Liều lượng sử dụng thuốc Cezmeta

Liều dùng thuốc Cezmeta sẽ được xác định dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, cụ thể:

  • Liều cho trẻ em
  • Liều cho trẻ em từ 1 – 2 tuổi: Uống 1 – 2 gói / ngày.
  • Liều cho trẻ em > 2 tuổi: Uống 2 – 3 gói / ngày.
  • Liều cho người lớn: Uống 3 gói / ngày, chia 3 lần / ngày.
  • Liều điều trị tiêu chảy cấp có thể tăng gấp đôi liều thông thường khi bắt đầu điều trị.
  • Liều cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – trực tràng: Uống 1 – 3 gói / ngày, chia 1 – 3 lần / ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng đúng cách và hiệu quả thuốc Cezmeta

Thuốc Cezmeta được bào chế dưới dạng bột, do đó bệnh nhân nên dùng thuốc bằng đường uống. Thời điểm thích hợp nhất để uống Cezmeta là sau khi ăn (đối với người bị viêm thực quản) và uống xa bữa ăn chính theo các chỉ định cụ thể khác của bác sĩ phụ trách việc điều trị.

  • Cách dùng thuốc Cezmeta cho trẻ em: Mỗi một gói thuốc bột Cezmeta hoà cùng với 50ml nước và chia liều uống trong ngày. Bạn có thể thay nước lọc bằng nước chanh hoặc nước rau, thậm chí trộn kỹ thuốc với thức ăn dạng sệt như bột hoặc thức ăn nghiền cho trẻ dễ dùng. Lưu ý trước mỗi lần uống cần cần khuấy đều hoặc lắc kỹ thuốc.
  • Cách dùng thuốc Cezmeta cho người lớn: Hoà tan mỗi gói bột thuốc cùng với nửa cốc nước ấm, sau đó khuấy đều trước khi sử dụng.

Cách dùng thuốc cho người bị viêm loét trực tràng: Hoà thuốc cùng với 50 – 100ml nước ấm, sau đó đưa thuốc qua trực tràng (thụt trực tràng).

4. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc Cezmeta

Bên cạnh các công dụng hữu ích mà thuốc Cezmeta mang lại, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoại ý trong quá trình điều trị bằng thuốc này. Một trong số đó là tình trạng táo bón vừa cho đến nghiêm trọng, tuy nhiên hiếm khi xảy ra.

Trong trường hợp gặp phải tác dụng phụ không mong muốn hoặc có bất kỳ biểu hiện khác lạ nào nghi ngờ liên quan đến thuốc Cezmeta, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ phụ trách điều trị hoặc dược sĩ tư vấn để được xử trí đúng cách và kịp thời.

5. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Cezmeta

5.1 Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Cezmeta?

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân cần thận trọng trong quá trình điều trị các vấn đề tiêu hoá bằng thuốc Cezmeta, bao gồm:

  • Trong trường hợp có biểu hiện sốt, bệnh nhân tuyệt đối không được dùng thuốc Cezmeta quá 2 ngày.
  • Nếu xảy ra tình trạng tiêu chảy mất nước, bệnh nhân cần được tiến hành các biện pháp bù nước kết hợp với sử dụng thuốc bằng đường uống / tiêm truyền dịch tĩnh mạch. Số lượng nước cần bù sẽ được xác định cụ thể dựa trên tuổi tác, mức độ tiêu chảy và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cezmeta cho đối tượng bệnh nhân bị tiêu chảy nặng, do thuốc có thể làm biến đổi độ đặc của phân và chưa đánh giá được liệu thuốc có ngăn chặn tình trạng mất nước – điện giải vẫn tiếp diễn trong tiêu chảy cấp hay không.
  • Những bệnh nhân thường xuyên lao động nặng, điều khiển phương tiện giao thông hoặc máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc Cezmeta.
  • Thuốc Cezmeta có thể gây ra các ảnh hưởng xấu cho thai kỳ của người mẹ, bao gồm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi hoặc quái thai,… Điều này đặc biệt có hệ luỵ xấu nếu người mẹ dùng thuốc Cezmeta trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, phụ nữ mang thai tuyệt đối không được sử dụng thuốc Cezmeta nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thuốc Cezmeta có khả năng truyền qua trẻ sơ sinh thông qua đường sữa mẹ. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc dùng thuốc Cezmeta trong giai đoạn này. Ngoài ra, cũng có nhiều loại thuốc chưa được xác định đầy đủ các tác động của chúng đến trẻ bú sữa mẹ, vì vậy bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định điều trị.

5.2 Tương tác của thuốc Cezmeta với các thuốc khác

Khi sử dụng thuốc Cezmeta cùng lúc với 1 hoặc nhiều loại thuốc khác có thể xảy ra phản ứng tương tác, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình hấp thu, thải trừ cũng như chuyển hoá của các loại thuốc. Sự tương tác cũng khiến mức độ sinh khả dụng của Cezmeta bị thay đổi theo chiều hướng tốt/ xấu, hoặc làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ cho bệnh nhân khi dùng loại thuốc này. Do đó, để tránh xảy ra tương tác thuốc, bệnh nhân nên uống các thuốc khác sau khi sử dụng Cezmeta khoảng 2 giờ.

Ngoài ra, để tránh tối đa nguy cơ tương tác giữa Cezmeta với các thuốc điều trị bệnh khác, bạn cũng nên liệt kê đầy đủ các danh mục sản phẩm thuốc, chế phẩm, thảo dược, vitamin hay thực phẩm chức năng mà bản thân hiện đang sử dụng để bác sĩ đưa ra lời khuyên tốt nhất. Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều sao cho phù hợp hơn.

Close
Social profiles