Công dụng thuốc Amogentine

Công dụng thuốc Amogentine

Thuốc Amogentine có thành phần chính là amoxicillin và acid clavulanic. Amoxicillin là kháng sinh nhóm penicillin, còn acid clavulanic là chất ức chế men beta-lactamase. Phối hợp amoxicillin và acid clavulanic giúp tăng độ bền và phổ kháng khuẩn của kháng sinh amoxicillin.

1. Thuốc Amogentine là thuốc gì?

Thuốc Amogentine có thành phần chính là amoxicillin và acid clavulanic. Amoxicillin là kháng sinh nhóm penicillin, bền trong môi trường acid và có phổ tác dụng rộng hơn benzylpenicillin, đặc biệt có tác dụng với trực khuẩn gram âm. Amoxicillin có tác dụng diệt khuẩn nhờ ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Amoxicillin có hoạt tính với phần lớn các vi khuẩn gram âm và gram dương như liên cầu, H. influenzae, tụ cầu không tiết penicilinase, N.gonorrhoeae, E.coli, và proteus mirabilis. Amoxicillin không có hoạt tính với những vi khuẩn tiết penicillinase, đặc biệt là các tụ cầu kháng methicillin, Pseudomonas và phần lớn các chủng Klebsiella và Enterobacter. Acid clavulanic là chất ức chế men beta-lactamase. Nó chứa một vòng beta-lactam trong cấu trúc, có khả năng liên kết với men beta-lactamase và bất hoạt men này. Nhờ vậy giúp tăng độ bền và phổ của kháng sinh amoxicillin.

Trên thị trường, thuốc Amogentine có nhiều hàm lượng khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng như Amogentin 500/125, Amogentin 250/62,5, Amogentin 875/125. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hoặc bột pha hỗn dịch. Amoxicilin phân bố vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể, trừ mô não và dịch não tủy, nhưng khi màng não bị viêm thì amoxicilin lại khuếch tán vào dễ dàng. Amoxicillin bền vững trong môi trường acid dịch vị, hấp thu nhanh và hoàn toàn hơn qua đường tiêu hóa so với ampicilin. Khoảng 60% liều amoxicillin uống được thải nguyên vẹn qua nước tiểu trong vòng 6 – 8 giờ.

2. Thuốc Amogentine có tác dụng gì?

Thuốc Amogentine được chỉ định trong điều trị các loại nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như đợt cấp của viêm phế quản mãn, viêm phổi thùy.
  • Nhiễm khuẩn tiêu hóa, đường tiết niệu-sinh dục (viêm thận-bể thận, viêm bàng quang, lậu, nhiễm khuẩn sản khoa).
  • Nhiễm khuẩn da và cơ do liên cầu, E. coli nhạy cảm hoặc tụ cầu khuẩn.

Thuốc Amogentine chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với các kháng sinh thuộc họ beta-lactam (kháng sinh penicillin, cephalosporin).

3. Liều dùng thuốc Amogentine

  • Liều tính theo hoạt chất amoxicillin. Liều thường dùng ở người lớn là 250 mg – 500 mg mỗi 8 giờ.
  • Trẻ em đến 10 tuổi có thể dùng liều 125 – 250 mg mỗi 8 giờ.
  • Trẻ dưới 20 kg thường dùng liều 20 – 40 mg/kg /ngày.
  • Nếu cần thiết thì trẻ em 3 – 10 tuổi viêm tai giữa có thể dùng liều 750 mg/lần, 2 lần mỗi ngày, trong 2 ngày.

4. Tác dụng phụ thuốc Amogentine

Bệnh nhân sử dụng thuốc Amogentine có thể gặp phải các tác dụng phụ sau đây:

Tần suất > 10%:

  • Tiêu hóa: Tiêu chảy

Tần suất 1 đến 10%:

  • Da liễu: Hăm tã, phát ban do nấm Candida, hăm da, mày đay
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn
  • Tiết niệu: Viêm âm đạo
  • Nhiễm trùng: Nhiễm nấm Candida, nhiễm nấm âm đạo

Tần suất

  • Tiêu hóa: Bụng chướng, đầy hơi
  • Huyết học: Tăng tiểu cầu
  • Hệ thần kinh: Nhức đầu

Không rõ tần suất:

  • Tim mạch: Viêm mạch quá mẫn
  • Da liễu: Mụn mủ ngoại ban tổng quát cấp tính, viêm da bóng nước, ban đỏ đa dạng, viêm da tróc vảy, ngứa, hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc
  • Quá mẫn: Sốc phản vệ, phù mạch, phản ứng giống như bệnh huyết thanh
  • Miễn dịch: Phản ứng thuốc với tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn
  • Hệ thần kinh: Kích động, lo lắng, thay đổi hành vi, lú lẫn, chóng mặt, hành vi hiếu động (có thể đảo ngược), mất ngủ, rung giật cơ
  • Thận: Viêm thận kẽ

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Amogentine

  • Nên kiểm tra chức năng gan, thận trong suốt quá trình điều trị nếu dùng thuốc dài ngày.
  • Có thể xảy ra phản ứng quá mẫn trầm trọng ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin hoặc các dị nguyên khác, do vậy cần phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng với penicilin, cephalosporin và các dị nguyên khác.
  • Nếu phản ứng dị ứng xảy ra như ban đỏ, sốc phản vệ, phù Quincke, hội chứng Stevens – Johnson, phải ngừng Amogentine ngay lập tức, điều trị cấp cứu bằng adrenalin, thở oxy, liệu pháp corticoid và thông khí, kể cả đặt nội khí quản và không bao giờ được dùng penicillin hoặc cephalosporin nữa.
  • Phụ nữ mang thai: Cả amoxicillin và axit clavulanic đều đi qua nhau thai. Tăng nguy cơ viêm ruột ở trẻ sơ sinh hoặc rối loạn ruột ở trẻ em có thể liên quan đến amoxicillin-clavulanate khi tiếp xúc gần thời điểm sinh. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc Amogentine cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Phụ nữ đang cho con bú: amoxicilin có thể bài tiết vào sữa mẹ. Mặc dù nhà sản xuất khuyến cáo nên thận trọng khi dùng amoxicillin và clavulanate cho phụ nữ đang cho con bú, amoxicillin-clavulanate được coi là tương thích khi cho con bú nếu sử dụng với liều khuyến cáo thông thường

6. Tương tác thuốc

  • Amoxicilin không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, do đó có thể uống trước hoặc sau bữa ăn.
  • Nifedipin làm gia tăng hấp thu amoxicillin.
  • Khi dùng allopurinol cùng với amoxicilin sẽ làm tăng khả năng nổi ban của amoxicilin.

Tóm lại, Amogentin được chỉ định trong điều trị các loại nhiễm trùng do vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Bệnh nhân tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

Close
Social profiles