Công dụng thuốc Amlessa

Công dụng thuốc Amlessa

Thuốc Amlessa được bào chế dưới dạng viên nén, thuộc nhóm thuốc tim mạch. Thuốc có thành phần chính là Perindopril và Amlodipine, được dùng để điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh dạng mạch vành ổn định.

1. Công dụng của thuốc Amlessa

Thuốc Amlessa có thành phần chính gồm Perindopril và Amlodipine. Thuốc được bào chế với nhiều dạng hàm lượng khác nhau: Thuốc Amlessa 8mg/5mg, thuốc Amlessa 4mg/10mg, thuốc Amlessa 4mg/5mg,… tương đương với tỷ lệ Perindopril/Amlodipine.

Thuốc được dùng để điều trị thay thế trong tăng huyết áp vô căn, bệnh dạng mạch vành ổn định, ở bệnh nhân đã được kiểm soát đồng thời bằng Perindopril và Amlodipine với cùng hàm lượng tương tự.

Mặt khác, thuốc Amlessa chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người quá mẫn cảm với Perindopril hoặc các thuốc ức chế ACE khác;
  • Người có tiền sử phù mạch khi đã sử dụng thuốc ức chế ACE trước đây;
  • Bệnh nhân phù mạch tự phát hoặc do di truyền;
  • Quý 2 và 3 của thai kỳ.

Chống chỉ định liên quan đến Amlodipine:

  • Bệnh nhân hạ huyết áp mạnh;
  • Người quá mẫn cảm với Amlodipine hoặc các dihydropyridine khác;
  • Người đang trong trạng thái sốc (bao gồm cả sốc tim);
  • Người bị tắc nghẽn dòng chảy từ tâm thất trái (ví dụ hẹp nhiều động mạch chủ);
  • Bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định (loại trừ đau thắt ngực Prinzmetal);
  • Bệnh nhân suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp (trong vòng 28 ngày đầu).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Amlessa

Thuốc Amlessa được dùng bằng đường uống với liều dùng cho mỗi tình trạng người bệnh khác nhau:

  • Liều dùng thông thường: Mỗi ngày uống 1 viên duy nhất, nên dùng vào buổi sáng trước bữa ăn. Sự phối hợp liều lượng cố định này thường không phù hợp cho điều trị khởi đầu. Nếu cần thay đổi liều lượng thì có thể thay đổi, sử dụng theo tỷ lệ khác (tùy theo chỉ định của bác sĩ);
  • Liều dùng cho người có bệnh thận và người cao tuổi: Sự đào thải perindoprilat sẽ giảm ở người có bệnh thận và người lớn tuổi. Do đó, cần theo dõi y tế định kỳ (bao gồm kiểm tra creatinin và kali thường xuyên). Có thể dùng thuốc Amlessa cho bệnh nhân có độ lọc cầu thận Clcr 60ml/phút và không thích hợp cho người có Clcr dưới 60ml/phút. Với những bệnh nhân này, nên điều chỉnh liều theo từng cá nhân với từng thành phần của hợp chất. Sự thay đổi nồng độ Amlodipine không tương quan với mức độ suy thận;
  • Liều dùng cho người có bệnh gan: Chưa xác định được liều dùng cho bệnh nhân suy gan nên cần dùng thuốc Amlessa thận trọng cho nhóm đối tượng này;
  • Liều dùng cho trẻ em và thanh niên: Không nên dùng thuốc Amlessa cho trẻ em và thanh niên vì chưa xác định được hiệu quả và độ an toàn của thuốc cho nhóm đối tượng này.

Quá liều: Tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng thuốc Amlessa quá liều là hạ huyết áp, khiến bệnh nhân có triệu chứng choáng váng hoặc uể oải. Cách xử trí là nằm ngửa và nâng cao chân.

3. Tác dụng phụ của thuốc Amlessa

Các tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp khi sử dụng thuốc Amlessa gồm:

  • Thường gặp: Nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, có cảm giác kiến bò và kim châm, buồn ngủ, ù tai, rối loạn thị giác, nhịp tim quá nhanh, cảm giác nóng bừng ở mặt, khó tiêu hóa, đau bụng, ho, thở ngắn, buồn nôn, nôn ói, rối loạn vị giác, tiêu chảy,
  • Ít gặp: Tính khí thất thường, run, ngất, rối loạn giấc ngủ, mất cảm giác đau, viêm mũi (ngạt mũi, chảy nước mũi), thay đổi thói quen đại tiện, da có mảng đỏ hoặc mất màu, rụng tóc, đau lưng, đau cơ hoặc khớp, đau ngực,…
  • Rất hiếm gặp: Lú lẫn, rối loạn tim mạch (đau thắt ngực, nhịp tim không đều, cơn đau tim và đột quỵ), viêm phổi tăng bạch cầu ưa eosin, ban đỏ đa dạng (khởi phát với triệu chứng có vết đỏ, ngứa ở mặt hoặc chân, tay).

4. Thận trọng khi dùng thuốc Amlessa

4.1 Với thành phần Perindopril

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Amlessa liên quan với thành phần Perindopril gồm:

  • Quá mẫn cảm/phù mạch: Có thể xảy ra ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế ACE (gồm cả Perindopril). Khi bị phù mạch, cần ngưng dùng thuốc và có phác đồ theo dõi thích hợp tới khi khỏi hoàn toàn các triệu chứng;
  • Phản ứng dạng phản vệ trong khi thẩm tách LDL: Cần tránh những phản ứng này bằng cách tạm thời ngừng thuốc ức chế ACE trước khi thực hiện thẩm tách;
  • Phản ứng phản vệ trong khi giải mẫn cảm: Có thể tránh phản ứng dạng phản vệ bằng cách tạm thời ngừng thuốc ức chế ACE;
  • Giảm bạch cầu trung tính/mất bạch cầu hạt/thiếu máu/giảm tiểu cầu: Thận trọng khi dùng Perindopril ở bệnh nhân có bệnh collagen mạch máu, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, điều trị với allopurinol hoặc procainamide (đặc biệt ở người bị suy giảm chức năng thận). Nếu bắt buộc phải dùng thuốc, cần theo dõi định kỳ số lượng bạch cầu và người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm khuẩn nào;
  • Hạ huyết áp: Thuốc ức chế ACE có thể gây hạ huyết áp. Với bệnh nhân có nguy cơ cao hạ huyết áp triệu chứng hoặc người có bệnh mạch não, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cần theo dõi cẩn thận huyết áp, nồng độ kali huyết thanh và chức năng thận trong suốt thời gian dùng thuốc;
  • Hẹp động mạch chủ và van 2 lá, bệnh cơ tim phì đại: Thận trọng khi dùng Perindopril cho người bị hẹp lỗ van 2 lá và hẹp động mạch chủ hoặc bệnh cơ tim phì đại;
  • Suy thận: Nếu bệnh nhân suy thận có độ thanh thải creatinin dưới 60ml/phút nên điều chỉnh liều theo từng bệnh nhân với từng thành phần của thuốc;
  • Suy gan: Bệnh nhân dùng thuốc ức chế ACE có thể bị vàng da tắc mật và tiến triển thành hoại tử gan đột ngột, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, bệnh nhân dùng thuốc ức chế ACE nếu có biểu hiện vàng da và tăng men gan nên ngừng ngay thuốc này và theo dõi y tế thích hợp;
  • Ho: Có ghi nhận những trường hợp bị ho do dùng thuốc ức chế ACE. Đặc điểm là ho không có đờm, ho dai dẳng, hết ho khi ngừng thuốc;
  • Phẫu thuật/gây mê: Với bệnh nhân qua đại phẫu thuật hoặc trong khi gây mê với thuốc gây hại huyết áp thì nên ngừng thuốc ức chế ACE 1 ngày trước khi phẫu thuật. Nếu thấy có hiện tượng hạ huyết áp và cân nhắc do nguyên nhân dùng thuốc thì cần điều chỉnh bằng cách bù thể tích;
  • Tăng kali máu: Có tình trạng tăng kali huyết thanh ở một số bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế ACE, gồm cả Perindopril. Tăng kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong. Do đó, nên dùng thuốc Perindopril thận trọng, đặc biệt phải theo dõi nồng độ kali máu thường xuyên;
  • Bệnh nhân tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường đang điều trị bằng thuốc chống đái tháo đường hoặc insulin cần được theo dõi glucose máu chặt chẽ trong tháng đầu điều trị với thuốc ức chế ACE.

4.2 Với thành phần Amlodipine

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Amlessa liên quan với thành phần Amlodipine gồm:

  • Bệnh nhân suy chức năng gan: Giống như các chất đối kháng calci, thời gian bán thải của Amlodipine kéo dài ở bệnh nhân suy chức năng gan. Vì vậy, nên sử dụng Amlodipine thận trọng ở nhóm đối tượng này và cần theo dõi chặt chẽ chức năng gan;
  • Bệnh nhân suy tim: Cần điều trị thận trọng;
  • Lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Amlessa không tác động đến sự tỉnh táo, tập trung nhưng nếu cảm thấy yếu mệt hoặc choáng váng do hạ huyết áp thì cần cẩn thận bởi hiện tượng này sẽ ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc;
  • Không dùng thuốc Amlessa cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

5. Tương tác thuốc Amlessa

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng các tác dụng phụ khó lường. Một số tương tác thuốc của Amlessa gồm:

Không được dùng thuốc Amlessa cùng với các thuốc sau:

  • Lithium: Thuốc chữa cơn hưng cảm và trầm cảm;
  • Estramustine: Thuốc trị ung thư;
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali (spironolactone, triamterene), các muối chứa kali hoặc chất bổ sung kali.

Thận trọng đặc biệt khi dùng thuốc Amlessa đồng thời với các thuốc dưới đây:

  • Thuốc chống cao huyết áp (gồm cả thuốc lợi tiểu);
  • Thuốc chống viêm không steroid để làm giảm đau hoặc liều cao aspirin;
  • Thuốc chống rối loạn tâm thần: Chống trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt;
  • Thuốc chống động kinh: carbamazepine, phenytoin, phenobarbital, fosphenytoin, primidone;
  • Itraconazole, ketoconazole: Điều trị nấm;
  • Thuốc phong bế alpha điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Alfuzosin, prazosin, doxazosin, tamsulosin, terazosin;
  • Amifostine: Ngăn ngừa hoặc làm thuyên giảm tác dụng phụ của các thuốc hoặc do chiếu tia chữa ung thư;
  • Corticoid: Điều trị hen nặng, viêm khớp dạng thấp;
  • Các muối vàng (Au), đặc biệt khi dùng đường tĩnh mạch để điều trị các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra, bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng, tiền sử bệnh lý của bản thân,… Đồng thời, khi dùng thuốc Amlessa, người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.

Close
Social profiles