Tiểu cầu giảm, xuất hiện vết bầm tím ở chân có nguy hiểm không?

Tiểu cầu giảm, xuất hiện vết bầm tím ở chân có nguy hiểm không?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Lượng tiểu cầu của cháu giảm còn 77/ micro lít máu. Cháu thường xuyên xuất hiện nhiều vết bầm tím ở chân dài ngày. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi tiểu cầu giảm, xuất hiện vết bầm tím ở chân có nguy hiểm không? Cháu cảm ơn bác sĩ.

Lê Thị Nhi (2001)

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Trung tâm Ung bướu xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Tiểu cầu giảm, xuất hiện vết bầm tím ở chân có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiểu cầu bao gồm: Tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Trong đó, một số nguyên nhân gây bệnh đã được xác định như:

  • Do tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiễm ký sinh trùng.
  • Nhiễm virus cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi.
  • Do tác động của các bệnh có lách to như xơ gan, cường lách.
  • Ảnh hưởng của các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp,…
  • Do các bệnh về máu như suy tủy toàn bộ, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư tủy di căn, thiếu máu tiêu huyết tự miễn.
  • Do tác động từ các độc chất và một số loại thuốc như: Thuốc an thần, thuốc hạ nhiệt, thuốc kháng sinh, một số loại thuốc cảm cúm…

Một số trường hợp thiếu tiểu cầu không xác định được nguyên nhân, được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Ngoài những vấn đề bất ổn gây ra cho sức khỏe và sinh hoạt thường ngày, biến chứng nếu không điều trị bệnh kịp thời rất nghiêm trọng.

Hiện tại, tiểu cầu của bạn ở mức 77/microlit thì vẫn là an toàn. Tuy nhiên, bạn cần mau chóng đi khám bệnh để được chẩn đoán xác định nguyên nhân, từ đó điều trị trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng.

Nếu bệnh không được điều trị ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, mức độ thiếu tiểu cầu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Số lượng tiểu cầu tiếp tục giảm xuống, nếu đến ngưỡng chỉ còn dưới 10,000/ml tiểu cầu, bệnh nhân có thể bị chảy máu nhiều, gây nguy hiểm đến tính mạng. Giảm tiểu cầu nặng cũng có thể gây chảy máu trong óc hoặc ở ruột, có thể gây chết người.

Trân trọng!


Close
Social profiles