Mất ngủ 28 ngày phải làm sao?

Mất ngủ 28 ngày phải làm sao?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Tôi bị mất ngủ đã được 28 ngày, người rất mệt mỏi, không ăn uống, chỉ muốn nằm lì trên giường. Bác sĩ cho tôi hỏi, mất ngủ 28 ngày phải làm sao?

Lê Thanh Trang (1958)

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên – Bác sĩ Nội thần kinh – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Mất ngủ 28 ngày phải làm sao?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Bạn cần đi khám bác sĩ Nội thần kinh để được chẩn đoán bệnh, đồng thời làm các xét nghiệm tổng quát: máu, siêu âm…để kiểm tra thêm tình trạng sức khỏe chung của bạn. Ngoài ra, để điều trị bệnh mất ngủ, bạn có thể tham khảo những biện pháp dưới đây:

  • Tìm kiếm nguyên nhân của bệnh mất ngủ kéo dài: Mỗi người khi không may mắc phải tình trạng mất ngủ đều có những nguyên nhân riêng biệt. Nhân viên y tế cần khai thác các thông tin liên quan đến nghề nghiệp, môi trường sống và các sang chấn tâm lý, tiền sử bệnh tật của người bệnh để tìm kiếm các nguyên nhân có thể. Loại bỏ được nguyên nhân gây bệnh mất ngủ kéo dài giúp định hướng và tăng hiệu quả điều trị mặc dù việc xác định nguyên nhân gây bệnh không phải dễ tiến hành ở tất cả mọi trường hợp.
  • Thay đổi chế độ ăn: Đây là giải pháp điều trị bệnh mất ngủ kéo dài không dùng thuốc được nhiều người dân tin tưởng và thực hiện. Một số các loại thực phẩm có tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ và dễ kiếm trong cuộc sống hằng ngày như chuối xanh, nước mật ong, hạt sen, hoa tam thất, …
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên: Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh lợi ích của việc luyện tập thể chất thường xuyên như duy trì cân nặng hợp lý, tăng tuần hoàn lưu thông đi khắp cơ thể, giải tỏa căng thẳng và cải thiện giấc ngủ. Tập yoga và ngồi thiền định là bộ môn thường được lựa chọn trên thực tế
  • Châm cứu: đây là động tác giúp tăng cường máu lưu thông, đả thông kinh mạch và cải thiện bệnh mất ngủ một cách toàn diện. Cơ chế tác dụng của châm cứu được giải thích nhờ vào sự giải phóng các chất nội sinh như serotonin, endorphin giúp thư giãn, an thần và giảm đau, giảm căng thẳng và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
  • Thuốc: một số thuốc có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh mất ngủ kéo dài nhờ vào tác dụng an thần, giảm lo âu. Tuy nhiên việc lạm dụng thuốc khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến các tác dụng phụ hoặc phản tác dụng làm cho bệnh mất ngủ diễn tiến nặng nề và khó điều trị thành công hơn.

Trân trọng!


Close
Social profiles