Trẻ bị sốt kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì?

Trẻ bị sốt kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì?


Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà em 26 tháng bị viêm nướu, mà nay 4 ngày rồi vẫn còn sốt. Bác sĩ cho em hỏi, trẻ bị sốt kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì?

Lèo Gia Nghĩa

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu – Bác sĩ Răng – Hàm – Mặt – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ bị sốt kéo dài là dấu hiệu của bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Sốt kéo dài là hiện tượng sốt liên tục, kéo dài quá 3 ngày. Bé nhà bạn bị viêm nướu, sốt đã 4 ngày thì nguyên nhân chưa hẳn là do viêm nướu. Bạn cần đưa bé thăm khám bác sĩ chuyên khoa Nhi và Răng – Hàm – Mặt để bác sĩ chẩn đoán, xác định nguyên nhân (sốt siêu vi, tay chân miệng, sốt xuất huyết…). Sau khi loại được các bệnh lý Nhi khoa thì Nha sĩ sẽ có hướng dẫn điều trị cụ thể cho bé.

Ngoài ra, bạn cần chú ý:

  • Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ.
  • Cặp nhiệt độ cho trẻ (có thể đặt nhiệt kế ở dưới hốc nách hoặc ở hậu môn của trẻ). Nhiệt kế phải được giữ trong nách của trẻ tối thiểu 3 phút, cánh tay của trẻ phải áp sát vào ngực. Nhiệt độ thực của trẻ sẽ là số hiện trên nhiệt kế cộng thêm khoảng 0,3 – 0,4 độ. Ví dụ: nhiệt kế ghi 38°C thì thân nhiệt thực sự của bé khoảng 38,3 – 38,4°C.
  • Nếu thân nhiệt của trẻ không quá 38°C: cởi bớt quần áo, không đắp chăn, chỉ mặc quần áo mỏng cho trẻ và theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, cứ khoảng 1 giờ đo 1 lần.
  • Nếu thân nhiệt của trẻ khoảng 38 – 38,5°C có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp sau: cởi bỏ bớt quần áo, dùng phương pháp hạ sốt vật lý (chườm ấm – lau người cho trẻ) và hạ sốt bằng những thuốc hạ sốt thông thường.
  • Phương pháp chườm là dùng khăn bông mềm, sạch, nhúng vào chậu nước, vắt hơi ráo rồi lau lên khắp mình trẻ, nhất là các vị trí như nách, bẹn, chờ bốc hơi thì lau tiếp cho tới khi thân nhiệt hạ xuống khoảng 37,5°C.
  • Nếu thân nhiệt của trẻ 38,5°C trở lên: Cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo đúng liều lượng, cân nặng và khoảng cách giữa hai lần uống thuốc ghi trong hướng dẫn sử dụng.
  • Nếu trẻ nhỏ buồn nôn không uống được thuốc thì có thể dùng dạng thuốc đặt hậu môn.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước hoa quả tươi.
  • Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám xác định nguyên nhân và điều trị sốt.

Trân trọng!


Close
Social profiles