Ảnh hưởng của dinh dưỡng tới sức khỏe

Ảnh hưởng của dinh dưỡng tới sức khỏe

Dinh dưỡng là một phần thiết yếu đối với sức khỏe của con người. Thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bạn có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe hiện tại và tương lai của mình. Việc kết hợp ăn uống khoa học cùng với những thói quen sống tích cực có thể giúp giảm đáng kể các nguy cơ gây ra bệnh ung thư, tiểu đường, béo phì hoặc tim mạch.

1. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đối với sức khỏe

Chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, có liên quan mật thiết tới tình trạng sức khỏe của con người. Một chế độ dinh dưỡng không lành mạnh có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường, tim mạch hoặc cao huyết áp.

Theo thống kê, tại Hoa Kỳ có khoảng 1/3 số người trưởng thành (33,8%) và khoảng 17% trẻ em ở độ tuổi từ 2- 19 bị mắc bệnh béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh.

Ngay cả những người khỏe mạnh, nếu áp dụng chế độ ăn uống kém khoa học trong một thời gian dài sẽ gặp phải các rủi ro lớn về sức khỏe, như bệnh tật và thậm chí là tử vong. Những rủi ro này bao gồm bệnh tim, huyết áp cao, loãng xương, tiểu đường loại 2 và một số bệnh ung thư.

Đặc biệt, các yếu tố nguy cơ của những căn bệnh mãn tính ở người trưởng thành, như bệnh lý cao huyết áp hay tiểu đường ngày càng xuất hiện nhiều ở lớp trẻ. Có lẽ, đây chính là kết quả của những thói quen ăn uống vô bổ.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý chính là cầu nối cho một cơ thể khỏe mạnh, từ đó giúp làm giảm đáng kể các nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Đây là điều vô cùng quan trọng mà bạn không nên bỏ qua. Bằng cách lựa chọn thực phẩm thông minh và thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai và năng động.


Thể thao
Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể

2. Các dấu hiệu nhận biết cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng

Tình trạng sức khỏe của cơ thể con người được phản ánh chính xác thông qua chế độ dinh dưỡng. Một cơ thể sẽ luôn trong trạng thái khỏe mạnh khi được nạp đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu, trái lại, khi mất cân bằng về dinh dưỡng, cơ thể sẽ biểu hiện ra những dấu hiệu rõ rệt sau:

2.1. Cảm thấy mệt mỏi

Mệt mỏi, thiếu năng lượng là triệu chứng phổ biến nhất của một cơ thể bị thiếu sắt. Khi thiếu hụt nguồn khoáng chất này có thể dẫn đến thiếu máu do không có đủ lượng tế bào hồng cầu để bơm oxy và cung cấp chất dinh dưỡng đến toàn bộ các bộ phận của cơ thể.

Khi bị thiếu máu cơ thể sẽ có các biểu hiện như xanh xao bất thường. Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác cũng có thể gây ra mệt mỏi, chẳng hạn như trầm cảm, bệnh tuyến giáp, hoặc bệnh tim.

2.2. Tóc khô, dễ gãy rụng

Tóc chủ yếu được nuôi dưỡng từ protein. Khi tuổi tác càng cao, tóc sẽ trở nên yếu đi, khô, thưa thớt và dễ gãy rụng hơn. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy chế độ ăn uống của họ không đầy đủ.

Tóc dễ gãy là hậu quả của sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng như protein, sắt, folate, vitamin C và một số axit béo thiết yếu khác.

Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe khác như vấn đề về tuyến giáp cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tóc và da của bạn.

2.3. Móng tay hình thìa

Cũng giống như tóc, móng tay có thể biểu hiện ra các dấu hiệu cảnh báo sớm về một chế độ ăn uống thiếu chất. Dinh dưỡng kém sẽ dẫn đến một số thay đổi ở móng tay, bao gồm trở nên mỏng và dễ gãy, có thể bong tách ra khỏi ngón tay.

Đặc biệt, khi cơ thể bị thiếu chất sắt, móng tay sẽ cong lên như hình chiếc thìa, nhất là ở ngón trỏ và ngón giữa. Tình trạng này có tên gọi là koilonychia. Ngoài ra, các vấn đề về móng cũng có thể xảy ra do thiếu hụt lượng protein, canxi và các vitamin A, B6, C và D trong cơ thể.


móng tay
Những dấu hiệu bất thường ở móng tay cũng góp phần cảnh báo về tình hình sức khỏe của bạn

2.4. Các vấn đề về răng, miệng

Viêm môi góc cạnh là tình trạng nứt hoặc bị viêm ở khóe miệng. Đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo cho sự thiếu hụt sắt hoặc riboflavin (B2).

Ngoài ra, việc thiếu hụt sắt và vitamin B có thể khiến lưỡi bị nhạt màu và sưng lên bất thường.

Thiếu vitamin C dẫn tới nguy cơ cao bị chảy máu chân răng, kích thích phát triển bệnh nướu răng, nghiêm trọng hơn là mất răng.

2.5. Tiêu chảy, táo bón

Tình trạng táo bón có thể xảy ra nếu cơ thể không được cung cấp đủ lượng chất xơ, đây là một loại chất dinh dưỡng quan trọng đối với hệ tiêu hóa, thường có trong rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

Bên cạnh đó, sự kém hấp thụ các nguồn dưỡng chất cũng là nguyên nhân chính gây ra tiêu chảy mãn tính. Hấp thụ kém có thể bắt nguồn từ việc phẫu thuật, nhiễm trùng, sử dụng một số loại thuốc, lạm dụng rượu nặng, hoặc mắc phải rối loạn tiêu hóa, ví dụ như bệnh CrohnCeliac sprue. Vì vậy, khi bị tiêu chảy kéo dài, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm.

2.6. Các vấn đề về tinh thần

Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể là tác nhân chính dẫn tới bệnh trầm cảm. Hơn nữa, nó còn làm ảnh hưởng xấu tới nhiều chức năng về mặt tinh thần khác, bao gồm thay đổi tâm trạng thất thường, cáu kỉnh, lãnh đạm, mất hứng thú với những thứ bạn từng yêu thích, mất phương hướng, hay quên hoặc mất trí nhớ.

2.7. Dễ bị bầm tím

Nếu bạn dễ bị bầm tím mà không rõ nguyên nhân chính xác, khả năng cao là do chế độ ăn uống không hợp lý. Việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin K, vitamin C và protein khiến việc điều trị các vết thương lâu lành hơn.


Bầm tím
Thiếu vitamin quan trọng khiến cơ thể dễ bị bầm tím

2.8. Hệ miễn dịch kém

Một chế độ dinh dưỡng kém khoa học có thể làm cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu, không đủ khả năng để chống lại bệnh tật.

Để tăng cường sức khỏe cho hệ miễn dịch, bạn nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như kẽm, protein, cùng với các vitamin E, C, A.

3. Những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Người Anh đã có câu ngạn ngữ rằng “Ăn thế nào thì người thế ấy”. Câu nói này nhằm ám chỉ đến mối quan hệ mật thiết giữa chế độ ăn uống và sức khỏe của con người.

Các loại thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày là những yếu tố quyết định lớn đến sức khỏe tổng thể. Điều này cũng được thể hiện trong mỗi giai đoạn khác nhau của đời người. Đặc biệt ở những người trẻ tuổi, nếu tiếp tục duy trì các thói quen ăn uống không lành mạnh sẽ sớm phải đối mặt với các nguy cơ về bệnh tật sau này.

Vì vậy, thiết lập và tuân theo một chế độ dinh dưỡng cân đối, phù hợp ngay từ khi còn trẻ sẽ giúp cải thiện và bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn đảm bảo được một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tốt cho sức khỏe. Cụ thể là:

  • Bổ sung protein: Protein là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cơ thể. Nó cung cấp nguồn năng lượng dồi dào giúp duy trì sức mạnh và trọng lượng của cơ thể. Bạn có thể bổ sung protein vào chế độ ăn hàng ngày thông qua các loại thực phẩm, như trứng, sữa, các loại hạt, súp lơ, chuối, bơ, …

Protein
Protein cung cấp một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể
  • Bổ sung canxi: Canxi là một loại khoáng chất rất cần thiết cho sức khỏe của xương. Khi cơ thể bị thiếu canxi sẽ dẫn đến các vấn đề về xương, bao gồm loãng xương, gãy xương, giảm mật độ xương. Để ngăn ngừa những rủi ro này, bạn có thể bổ sung canxi thông qua các nguồn thực phẩm tự nhiên, ví dụ như sữa chua, các loại hạt, đậu xanh, khoai lang, bông cải xanh, cam,…
  • Uống vitamin tổng hợp: các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng, mọi người nên thường xuyên uống vitamin tổng hợp, nhất là những người cao tuổi hoặc người bị mắc các bệnh mãn tính, như tim mạch hoặc tiểu đường.
  • Tăng cường chất xơ: theo Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết, hầu hết cơ thể của mỗi người cần khoảng 20-35 gram chất xơ mỗi ngày, tùy theo độ tuổi và giới tính. Việc cung cấp đầy đủ lượng chất xơ có thể ngăn ngừa một số căn bệnh như táo bón, bệnh tim và ung thư. Chất xơ thường có nhiều nhất trong các loại ngũ cốc, trái cây và rau củ.
  • Hạn chế ăn đồ ăn nhanh: các loại snack, đồ ăn nhanh đều mang tính chất tiện lợi, ngon, rẻ, nhưng chúng có chứa rất nhiều chất béo, đường và muối, không mang lại lợi ích cho sức khỏe. Đây là món ăn yêu thích của rất nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ và vị thành niên. Thường xuyên ăn đồ ăn nhanh sẽ dẫn tới nguy cơ cao mắc các bệnh như béo phì, tim mạch, hoặc tiểu đường.
  • Thực hiện các thói quen lành mạnh khác: ngoài việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng cân đối, bạn có thể kết hợp chúng với việc luyện tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, thuốc lá để cải thiện hiệu quả các tình trạng sức khỏe và giữ cho cơ thể luôn linh hoạt, dẻo dai.

Bài viết tham khảo nguồn: hhs.gov, webmd.com

Close
Social profiles