Kết mạc là gì? Chức năng của kết mạc

Kết mạc là gì? Chức năng của kết mạc

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng – Bác sĩ Mắt, Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Kết mạc là một màng mỏng, trong, bóng che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong mi mắt, đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu và có thể trượt dễ dàng trên bề mặt nhãn cầu mà không gây tổn thương cho giác mạc.

1. Kết mạc là gì?

Kết mạc là một màng nhầy bao phủ bề mặt của mắt, chạy từ rìa giác mạc đến bờ tự do của mặt sau mi mắt, gấp mép lại tại cùng đồ.

Kết mạc cấu tạo từ lớp biểu mô liên kết với nhu mô bằng lớp màng đáy. Đáy là lớp biểu mô lát tầng không sừng hóa, chứa các tế bào hình ly (tuyến nhầy đơn bào) và các cấu trúc tuyến khác, như các tuyến lệ phụ. Nhu mô kết mạc chứa mạng lưới bạch huyết với các tế bào lympho, dưỡng bào và đại thực bào, cùng với mạng mạch máu dày đặc.


Kết mạc
Kết mạc nhằm đảm bảo cho mi mắt không dính chặt vào nhãn cầu

2. Chức năng của kết mạc

Kết mạc có chức năng bảo vệ bề mặt mắt, giúp nhãn cầu vận động nhờ vào nếp gấp ở cùng đồ và nếp bán nguyệt. Chính những tác động này giúp cho mi mắt có thể di động dễ dàng mà không gây chà xát hay kích thích, dựa vào các nếp gấp và sự lỏng lẻo trong mối liên kết với các mô kế cận.

Ngoài ra, kết mạc còn giúp bề mặt mắt trở nên trơn láng duy trì sinh lý giác mạc, nhờ vào sự tiết các tuyến ở trong nó. Kết mạc còn cấu thành một hàng rào bảo vệ chống lại các xâm nhập bên ngoài dựa vào sự hiện diện của cấu trúc hạnh nhân và thành phần lysozyme có trong nước mắt.

3. Cấu tạo của kết mạc

Kết mạc nhãn cầu là một phần của kết mạc, bao phủ nhãn cầu và kết mạc mi mắt (sụn mi) là phần phủ lên các cấu trúc bên trong mí mắt.

Kết mạc do hệ thần kinh giao cảm và cảm giác chi phối. Về đại thể, kết mạc chia làm 3 phần:

  • Kết mạc mi tiếp nối ở phía trước với bờ tự do của mi mắt và che phủ bề mặt sụn mi;
  • Kết mạc cùng đồ tiếp nối từ phần sau của kết mạc mi (từ bờ trên sụn mi trên và bờ dưới của sụn mi dưới) quặt ra sau và tạo túi cùng kết mạc;
  • Kết mạc nhãn cầu bao gồm phần kết mạc che phủ bề mặt nhãn cầu tiếp nối từ dưới cùng đồ đến sát rìa giác mạc.

Kết mạc
Cấu tạo của kết mạc có thể được dựa trên đại thể và mô học

Về mô học, kết mạc bao gồm:

  • Biểu mô kết mạc: Gồm 2 đến 5 hàng tế bào. Lớp đáy là những tế bào hình trụ và mỏng dần khi lên phía bề mặt. Trong trường hợp bệnh lý khô mắt hay tổn thương của mi làm cho kết mạc bị bộc lộ kéo dài, lớp biểu mô sẽ bị sừng hoá.
  • Nhu mô kết mạc: Là một tổ chức đệm chứa nhiều mạch máu tách biệt với biểu mô kết mạc bằng một lớp màng cơ bản. Đặc biệt trong nhu mô kết mạc có chứa nhiều tuyến lệ phụ như tuyến Krause ở túi cùng kết mạc, tuyến Wolfring ở rìa sụn mi trên và túi cùng kết mạc (thuộc loại tuyến nang có ống)…, các tuyến chế nhày. Nước mắt được chế tiết từ các tuyến này có vai trò quan trọng trong việc tạo thành lớp film nước mắt bảo vệ bề mặt nhãn cầu.

4. Nhận diện các bệnh về kết mạc

  • Viêm kết mạc hay còn được gọi là đau mắt đỏ: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, Hầu hết những trường hợp viêm kết mạc đều ở dạng nhẹ không gây tổn thương nhãn cầu và không ảnh hưởng đến thị lực
  • Khô mắt: Đối tượng hay gặp nhất là dân văn phòng, những người thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính. Mặc dù không gây nguy hiểm, tuy nhiên bệnh khiến mắt của bạn mệt mỏi, giảm dần thị lực
  • Mộng thịt: Là một tổn thương lành tính, phát triển chậm, và hầu như không có hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể lan ra toàn bộ giác mạc trung tâm và ảnh hưởng đến thị lực.
  • Bệnh mắt hột: Là biểu hiện của viêm kết giác mạc mạn tính, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra với đặc điểm là hình thành những hột đỏ làm giảm thị lực ở mắt; bệnh có thể lây lan bằng cách dùng chung đồ vật cá nhân với người bị nhiễm bệnh như khăn mặt.

Viêm kết mạc
Viêm kết mạc là bệnh lý thường gặp về mắt

Các bệnh lý ở kết mạc thường không quá khó khăn để điều trị. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng cách có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm có thể dẫn đến suy giảm thị lực thậm chí là mù lòa.

Close
Social profiles