Bị rối loạn tiêu hoá nên uống thuốc gì? Làm sao để hết rối loạn tiêu hóa?

Bị rối loạn tiêu hoá nên uống thuốc gì? Làm sao để hết rối loạn tiêu hóa?

Rối loạn tiêu hóa thường gây ra cảm giác đau bụng, khó chịu, mệt mỏi, đi ngoài nhiều, tiêu chảy… Những triệu chứng trên có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Thông qua bài viết dưới đây, hãy cùng Vinmec tìm hiểu làm sao để hết rối loạn tiêu hóa.

1. Tổng quan về rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một tình trạng bất thường ở hệ tiêu hóa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rối loạn tiêu hóa có thể kể đến:

  • Chế độ ăn uống: Ăn uống không đúng bữa, không khoa học. Dùng nhiều trà, cà phê, đồ ăn chua cay, nhiều dầu mỡ hoặc ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh;
  • Nguyên nhân bệnh lý: Các bệnh lý ở đại tràng, dạ dày có thể gây nên các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Một số bệnh điển hình như: viêm đại tràng, viêm loét dạ dày – tá tràng… đều có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng;
  • Lạm dụng thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh có thể vô tình làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em.

Rối loạn tiêu hóa tuy không nguy hiểm nhưng các triệu chứng: đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy… có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Vậy phải làm sao để hết rối loạn tiêu hóa?

2. Rối loạn tiêu hóa phải làm sao?

Nhiều người thắc mắc: “Rối loạn tiêu hóa nên uống thuốc gì để nhanh khỏi?”. Quả thực điều trị rối loạn tiêu hóa bằng thuốc Tây có ưu điểm là cho tác dụng nhanh. Tuy nhiên đây cũng là 1 con dao hai lưỡi bởi nó có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào người bệnh nên tìm hiểu kỹ lưỡng và nên có chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là một số đơn thuốc trị rối loạn tiêu hóa phổ biến mà bạn có thể tham khảo:

2.1. Thuốc giúp giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn

Một số triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa là cảm giác khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn. Các tình trạng này có thể được cải thiện nhờ các thuốc sau:

  • Domperidon: Là thuốc có tác dụng tăng áp lực cơ thắt dưới, hỗ trợ tăng co bóp dạ dày giúp chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Domperidon thường được dùng khi buồn nôn, khó tiêu, trào ngược dạ dày….;
  • Neopeptine: Là men tiêu hóa có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, giảm cảm giác chướng hơi đầy bụng;
  • Maalox: Là thuốc được dùng khi đầy bụng, khó tiêu có kèm theo ợ chua do thừa dịch vị axit. Thuốc có tác dụng kháng axit dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng, niêm mạc thực quản;
  • Metoclopramide: Thuốc giúp hạn chế cảm giác buồn nôn, chống trào ngược dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa;
  • Cylovanon: Là thuốc được chỉ định dùng khi chướng bụng, ợ hơi, táo bón. Ngoài ra Cylovanon cũng có tác dụng lợi mật.

2.2. Trong cầm tiêu chảy, hạn chế đi ngoài phân lỏng

Khi bị rối loạn tiêu hóa nặng, người bệnh có thể đi ngoài phân lỏng hoặc thậm chí là đi ngoài nhiều nước (tiêu chảy). Một số loại thuốc hỗ trợ tình trạng này bao gồm:

  • Berberin: Với thành phần chiết xuất từ cây hoàng đằng, Berberin được xem là 1 loại kháng sinh thực vật giúp tiêu diệt các vi khuẩn đường ruột, giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy. Ngoài ra thuốc còn kích thích tăng tiết mật, giúp tiêu hóa tốt hơn;
  • Oresol: Là dung dịch bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể khi bị tiêu chảy kéo dài. Lưu ý: Oresol cần pha đúng tỷ lệ theo hướng dẫn trên bao bì để đạt hiệu quả tối đa;
  • Loperamid: Đây là loại thuốc chỉ định để cầm tiêu chảy khi các triệu chứng tiêu chảy kéo dài mà không rõ nguyên nhân.

3. Những lưu ý để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa

Để phòng ngừa các vấn đề về tiêu hóa nói chung và rối loạn tiêu hóa nói riêng, mỗi người nên chủ động xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh. Dưới đây là một số lời khuyên giúp gia tăng sức khỏe hệ tiêu hóa mà bạn có thể tham khảo:

  • Ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng. Ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa;
  • Với người thường xuyên táo bón, cần bổ sung nhiều chất xơ, rau xanh để tăng cường quá trình đào thải của cơ thể;
  • Hạn chế uống các thức uống có cồn;
  • Thường xuyên bổ sung men vi sinh, các lợi khuẩn có lợi cho đường ruột;
  • Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn, mỗi ngày nên đi WC 1 lần vào cùng một thời điểm;
  • Bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại các tác nhân sinh vật gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Mặc dù rối loạn tiêu hóa là tình trạng rất thường gặp nhưng người bệnh cũng không nên quá chủ quan. Vì nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến nhiều bệnh nghiêm trọng hơn.

Trên đây là một số thông tin về đơn thuốc trị rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên để có hướng điều trị chính xác, người bệnh nên đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn cụ thể cho trường hợp của mình.

Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn nhận được sự hài lòng và đánh giá cao của khách hàng bởi chất lượng điều trị, trang thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc bệnh nhân.

  • Trang thiết bị hiện đại Việt Nam: Máy nội soi tiêu hóa ống mềm độ phân giải cao giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và các bệnh lý tiêu hóa chính xác. Robot phẫu thuật của Mỹ có độ chính xác cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục của bệnh nhân nhanh.
  • Đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao: Các bác sĩ được đào tạo bài bản tại các Trung tâm ngoại khoa của Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, có trình độ chuyên môn cao. Được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài, cập nhật các kỹ thuật, phác đồ điều trị mới nhất trên thế giới.
  • Chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu hóa với kỹ thuật mới nhất: Phẫu thuật nội soi bằng robot với tỉ lệ thành công lên đến 95%. Nội soi tiêu hóa gây mê không đau, không khó chịu.
  • Chăm sóc người bệnh toàn diện: Là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam áp dụng chương trình phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS), giúp rút ngắn thời gian nằm viện chỉ còn sau 3 – 5. Tỷ lệ biến chứng, chi phí của người bệnh giảm, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Close
Social profiles