Cách chăm sóc lỗ tai mới bấm cho bé

Cách chăm sóc lỗ tai mới bấm cho bé

Xỏ lỗ tai/ bấm lỗ tai là một trong những phương pháp làm đẹp đầu tiên mà cha mẹ thực hiện cho các bé gái với mong muốn con thêm xinh xắn đáng yêu. Tuy nhiên, liệu phụ huynh đã biết cách chăm sóc lỗ tai sau khi bấm cho con?

1. Những điều nên biết trước khi bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh

1.1. Thời điểm xỏ lỗ tai cho bé

Việc quyết định thời điểm bấm lỗ tai cho bé sẽ tùy thuộc vào mỗi bố mẹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhi cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng khi cho trẻ bấm lỗ tai quá sớm, bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn rất non yếu. Thực tế, độ tuổi thích hợp để trẻ có thể bấm lỗ tai là từ 7 tháng tuổi trở lên. Ở độ tuổi này trẻ đã có thể chịu được đau một chút và cơ thể cũng nhanh chóng chữa lành vết thương nhẹ từ việc xỏ lỗ tai.

1.2. Chất liệu phù hợp để xỏ lỗ tai cho bé

Nhiều bác sĩ nhận định hoa tai (bông tai) bằng thép phẫu thuật không rỉ sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bé, bởi kim loại này không chứa niken hay bất kỳ hợp kim nào gây ra phản ứng dị ứng. Đôi khi, một số trẻ nhỏ còn nhạy cảm với vàng trắng bởi loại kim loại này chứa niken.

Ngoài thép không rỉ, lựa chọn an toàn tiếp theo bao gồm: bạch kim, titan và vàng 14K.

1.3. Địa điểm an toàn để bấm lỗ tai cho bé

Hiện nay, có rất nhiều nơi đề xuất dịch vụ bấm lỗ tai cho bé. Từ cửa hàng vàng bạc, bán hàng rong đến các cửa hàng spa, bán phụ kiện trang sức,… Dụng cụ để bấm khuyên tai ở những địa chỉ này cũng rất đơn giản, chỉ cần một súng bấm. Tuy nhiên việc bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ cần tuân thủ nhiều quy trình về vệ sinh khử khuẩn. Do vậy, theo các chuyên gia, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế, bệnh viện để thực hiện cách bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh đúng quy trình nhất. Lợi ích khi bấm khuyên cho bé tại các địa chỉ y tế có cấp phép:

  • Đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé bằng các biện pháp: đeo găng tay y tế, khử trùng súng bấm bằng cồn, cho bé sử dụng các dụng cụ xỏ lỗ tai mới,…
  • Các y tá sẽ dùng thuốc tê và dụng cụ cần thiết để giúp quá trình xỏ lỗ tai cho bé diễn ra nhanh chóng và nhẹ nhàng nhất.

2. Hướng dẫn cách chăm sóc lỗ tai mới bấm cho bé

2.1. Giảm bớt cơn đau sau bấm lỗ tai

Khi bé thực hiện bấm lỗ tai, cha mẹ có thể giúp bé giảm bớt cơn đau bằng các biện pháp sau:

  • Trước khi thực hiện thủ thuật 30 – 60 phút, cha mẹ bôi 1 ít kem mỡ có thành phần Lidocaine lên dái tai của bé.
  • Dùng khăn lạnh chườm lên dái tai của bé trước lúc bấm 15 – 30 phút.
  • Hỗ trợ tâm lý cho bé (áp dụng với bé từ 3 tuổi trở lên) bằng cách nói cho bé những gì sắp diễn ra, giải thích với bé mục đích của việc bấm lỗ tai và lợi ích của nó. Không nên để bé chịu đau khi tâm lý vẫn còn hoang mang, sợ hãi.

2.2. Cách vệ sinh, chăm sóc lỗ tai sau khi bấm

Sau khi bấm lỗ tai cho bé, cha mẹ cần chú ý chăm sóc khu vực này để tránh hiện tượng bé bấm lỗ tai bị mưng mủ do nhiễm trùng bằng cách:

  • Cho trẻ cột tóc gọn gàng, tránh để tóc dính vào lỗ tai mới bấm.
  • Không gài khuyên cài quá chặt.
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào tai trẻ, đồng thời dặn trẻ không nên sờ vào lỗ tai quá nhiều.
  • Thận trọng khi thay quần áo, đeo mũ bảo hiểm cho bé để tránh lỗ tai trẻ bị tác động và đau đớn.
  • Dùng bông cotton thấm nước muối sinh lý để rửa tai cho bé mỗi ngày (mặt trước và sau dái tai). Không được dùng cồn hay nước tẩy mạnh như oxy già.

2.3. Các lưu ý sau khi bấm lỗ tai

Cha mẹ nên để trẻ đeo bông tai ít nhất 6 tuần sau khi bấm bởi lỗ tai có nguy cơ bị bít lại ngay sau đó. Sau 6 tuần, bạn có thể tháo bông tai ban đầu và thay bằng bông tai khác nhưng hãy đảm bảo trẻ đeo liên tục trong 6 tháng để hình thành lỗ vĩnh viễn.

Trong suốt thời gian đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi phản ứng ở phần lỗ bấm xem có dấu hiệu nhiễm trùng không. Nếu có thì cần đưa trẻ đi khám ngay vì rất có thể trẻ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng với chiếc khuyên tai mới bấm.

3. Khi nào cần đưa trẻ đi khám sau bấm lỗ tai?

Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sau bấm lỗ tai nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

  • Nhiễm trùng không khỏi sau 2 – 3 ngày tự điều trị.
  • Bông tai của trẻ bị kẹt 2 bên đầu tai bị nhiễm trùng hoặc không ngừng chảy máu, mưng mủ.
  • Xuất hiện dịch vàng hoặc 1 lớp màng bọc quanh lỗ bấm khuyên tai.
  • Trẻ sốt trên 38 độ.
  • Trẻ bị đau và sưng tấy ở ngoài vị trí lỗ xỏ khuyên tai.

Khi gặp những trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được hướng dẫn cách vệ sinh, chăm sóc tai hợp lý. Bác sĩ cũng có thể gợi ý bạn thử đổi bông tai bằng chất liệu khác cho bé. Ngoài ra còn 1 lưu ý là do trẻ còn nhỏ, cha mẹ không nên cho con đeo hoa tai đắt tiền để tránh bị kẻ gian lợi dụng, gây nguy hiểm cho chính trẻ.

Close
Social profiles