Chuyên gia sản phụ khoa Vinmec giải đáp về bệnh phụ khoa

Chuyên gia sản phụ khoa Vinmec giải đáp về bệnh phụ khoa

Ngày 29.3 vừa qua, Phòng khám đa khoa quốc tế Vinmec Sài Gòn đã tổ chức ngày hội chăm sóc sức khỏe phụ nữ với chủ đề : “Những dấu hiệu đáng lưu ý và tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư phụ khoa”. TS.BS Nguyễn Thị Từ Vân – một trong những chuyên gia sản phụ khoa tại TP.HCM – đã giải đáp nhiều băn khoăn của chị em về các bệnh phụ khoa và phòng chống ung thư (UT) phụ khoa.

“Viêm âm đạo do nấm là bệnh phụ khoa thường gặp nhất, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ra ung thư CTC” – BS Nguyễn Thị Từ Vân – PK Quốc tế Vinmec Sài Gòn cho biết.

Phụ nữ từ 45 – 50 đã mãn kinh, khi quan hệ tình dục cần phải sử dụng các loại gel bôi trơn. Vậy các loại gel này có ảnh hưởng đến vấn đề phụ khoa và có khả năng dẫn đến UT cổ tử cung (CTC) hay không?
Trên thị trường hiện nay có một số loại gel bôi trơn đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Các sản phẩm có nguồn gốc từ nước, từ silicon (tham khảo ở trên mạng với từ khóa: gel bôi trơn âm đạo) thì chỉ có tác dụng bôi trơn, với độ PH acid nhẹ thích hợp với âm đạo, không có thêm hóa chất nào khác như nội tiết estrogen… nên không gây bệnh. Nếu được bảo quản, sử dụng đúng cách, các loại gel này không gây nhiễm trùng, không gây bệnh. Nhưng các chị em cần lưu ý, đó không phải là chất diệt khuẩn nên không dùng để chữa bệnh hay ngừa bệnh được. UT CTC là bệnh có liên quan đến việc nhiễm virus HPV – một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, nếu người phụ nữ quan hệ tình dục không an toàn, họ mới có nguy cơ bị lây virus này, từ đó có nguy cơ bị Ung thư cổ tử cung .

Ở phụ nữ trên 40 tuổi nhưng chưa có quan hệ tình dục, họ có khả năng bị UT cổ tử cung hay không? Và làm thế nào để phát hiện các bệnh UT phụ khoa?
Khi một người phụ nữ có quan hệ tình dục mới có nguy cơ bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HPV và tăng nguy cơ bị ung thư CTC. Nhưng nếu cơ thể khỏe mạnh, CTC không bị tổn thương thì virus này khó xâm nhập vào tế bào CTC, không gây rối loạn sinh sản tế bào để thành UT được. Vì vậy rất hiếm khi phụ nữ chưa quan hệ tình dục bị UT CTC liên quan tới HPV, là loại chiếm phần lớn trong các dạng UT CTC thường gặp. Còn UT nội mạc tử cung, UT buồng trứng thì họ vẫn có thể bị. Thậm chí họ có nguy cơ mắc UT nội mạc tử cung cao hơn ở phụ nữ đã sinh con. Để phát hiện sớm UT phụ khoa thì nên khám định kỳ, đi khám chuyên khoa khi có các triệu chứng bất thường: Ra khí hư nhiều, nhất là khi lẫn máu, kinh nguyệt bất thường, rong huyết, đau bụng dưới dai dẳng, bụng to lên…

Tôi đã làm thủ thuật để cắt bỏ buồng trứng. Vậy tôi có khả năng sẽ bị các bệnh UT phụ khoa nữa không?

UT phụ khoa bao gồm UT tử cung, buồng trứng, vú. Do đó, nếu cắt buồng trứng thì chỉ không bị UT buồng trứng, còn các loại khác thì vẫn có thể bị.

Tôi 52 tuổi, bí tiểu và ngứa âm đạo. Tôi có khả năng bị UT CTC không?

Triệu chứng ngứa âm đạo, chính xác hơn là ngứa âm hộ, thường do viêm âm đạo do nấm candida albican. Loại nấm này là một vi sinh nấm men, bình thường có thể có rất ít trong quần thể vi sinh thường trú trong âm đạo và không gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi nấm men phát triển thành sợi tơ nấm, lúc đó mới gây viêm và làm cho có triệu chứng. Khi bị viêm, âm đạo tăng tiết dịch. Dịch tiết bệnh lý mang nhiều nấm men và sợi tơ nấm chảy ra âm hộ và làm cho âm hộ bị viêm và ngứa. Dịch tiết này lan qua lỗ tiểu nằm kế bên nên cũng có thể gây viêm niệu đạo làm cho tiểu khó, tiểu đau, mót đi tiểu hoài, đôi khi tiểu ra máu.
Viêm âm đạo do nấm là bệnh phụ khoa thường gặp nhất, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ra ung thư CTC. Bạn đã 52 tuổi, nếu bị viêm âm đạo do nấm tái đi tái lại nhiều lần, kèm theo có bệnh lý ở đường tiểu thì đầu tiên nên cảnh giác với bệnh tiểu đường (đái tháo đường). Nếu bản thân bị dư cân, béo phì hay trong gia đình có người bị đái tháo đường thì nguy cơ bị bệnh của bạn càng tăng. Câu hỏi bạn đặt ra là có khả năng bị UT không, còn phải xét ở khía cạnh thứ hai: Ung thư CTC giai đoạn muộn thường có xâm lấn sang bàng quang (bọng đái), niệu đạo gây nên triệu chứng bí tiểu. Tuy nhiên, nếu chúng ta khám định kỳ hàng năm, tầm soát UT CTC đúng cách thì rất hiếm khi UT được phát hiện muộn như vậy.

Close
Social profiles