Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer: Sự khác biệt là gì?

Sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer: Sự khác biệt là gì?

Bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ đều có thể gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi nên nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa 2 căn bệnh này. Vậy sự khác biệt giữa 2 căn bệnh này là gì? Hãy theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.

1. Sự khác biệt về định nghĩa của sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

1.1 Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là hội chứng, không phải bệnh riêng biệt, nó bao gồm một nhóm các triệu chứng không có chẩn đoán xác định. Sa sút trí tuệ gồm một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức như trí nhớ và khả năng lý luận. Chứng sa sút trí tuệ là một cụm từ dùng chung cho nhiều tình trạng bệnh khác nhau. Theo thống kê có thể có hàng trăm dạng sa sút trí tuệ khác nhau, trong đó bệnh Alzheimer thuộc dạng phổ biến nhất.

Một người có thể mắc một hoặc có khi nhiều hơn một chứng sa sút trí tuệ hay được gọi là chứng sa sút trí tuệ hỗn hợp. Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, có tác động rất lớn đến khả năng hoạt động độc lập của bệnh nhân. Đây là một nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới khả năng chăm sóc cho người lớn tuổi và đặt gánh nặng tâm lý cũng như tài chính lên gia đình.

1.2 Bệnh Alzheimer

Alzheimer là một bệnh tiến triển gây ra suy giảm trí nhớ và nhận thức một cách dần dần. Bệnh học ở những người mắc bệnh Alzheimer cho thấy có mảng lão hóa và lắng đọng amyloid beta trong vỏ não, chất xám dưới vỏ. Mặc dù, những người trẻ tuổi vẫn có thể bị bệnh Alzheimer nhưng các triệu chứng thường bắt đầu sau tuổi 60.

Ở những người trên 80 tuổi, thời gian từ lúc được chẩn đoán đến khi qua đời thường dưới 3 năm. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi hơn, thời gian này có thể kéo dài lâu hơn.

2. Nguyên nhân gây bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

2.1 Nguyên nhân của sa sút trí tuệ

Nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ bao gồm:

  • Tuổi cao: Bạn có khả năng cao hơn mắc chứng sa sút trí tuệ khi bạn già đi.
  • Một số bệnh lý như Alzheimer, Parkinson và Huntington. Trong đó Bệnh Alzheimer gây ra khoảng 50–70% các trường hợp sa sút trí tuệ.
  • Nhiễm trùng hạn như HIV, bệnh mạch máu.
  • Tiền sử đột quỵ, trầm cảm.
  • Mắc bệnh lyme, suy giáp, thiếu vitamin B12
  • Chấn thương sọ não, khối u tại não.
  • Rối loạn chuyển hoá.

Như vậy, sa sút trí tuệ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, một số nguyên nhân có thể giúp phòng ngừa được tình trạng bệnh này.

2.2 Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ.

3. Các dấu hiệu bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ

Các triệu chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cũng có thể trùng lặp với nhau, nhưng vẫn có một số điểm khác biệt. Điểm chung về triệu chứng của 2 căn bệnh này là:

  • Suy giảm khả năng tập trung suy nghĩ.
  • Suy giảm trí nhớ.
  • Suy giảm khả năng giao tiếp.

Một số triệu chứng khác biệt về triệu chứng của 2 căn bệnh này.

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer bao gồm:

  • Người bệnh thường gặp khó khăn khi nhớ các sự kiện hoặc cuộc hội thoại đã xảy ra gần đây.
  • Bệnh nhân thường lãnh cảm, có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, mất phương hướng.
  • Giảm khả năng phán đoán và thay đổi hành vi
  • Gặp khó khăn khi nói chuyện, nuốt hoặc đi lại trong giai đoạn nặng của bệnh.

Đối với sa sút trí tuệ:

Một số thể bệnh của sa sút trí tuệ sẽ có chung một số triệu chứng như trên, nhưng chúng vẫn có những đặc điểm khác biệt, cụ thể:

  • Sa sút trí tuệ thể lewy (LBD): Có nhiều triệu chứng tương đồng như bệnh Alzheimer giai đoạn nặng. Tuy nhiên, những người bị sa sút trí tuệ thể lewy có nhiều khả năng gặp các triệu chứng ban đầu như xuất hiện ảo giác thị giác, khó khăn để giữ cân bằng và thường gặp rối loạn giấc ngủ.
  • Những người mắc chứng suy giảm trí tuệ do các bệnh khác như Parkinson hoặc bệnh Huntington thường có sự cử động không chủ ý trong giai đoạn đầu của bệnh.

4. Điều trị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer

4.1. Điều trị suy giảm trí tuệ

Điều trị chứng sa sút trí tuệ tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác gây ra chứng bệnh này. Trong một số trường hợp, điều trị nguyên nhân gây bệnh có thể mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Các tình trạng có khả năng đáp ứng cao với điều trị bao gồm sa sút trí tuệ do: bệnh do thuốc, do mạch máu não hay rối loạn chuyển hoá. Ví dụ: Điều trị sa sút trí tuệ do mạch máu sẽ điều trị để giúp ngăn ngừa tổn thương thêm cho mạch máu não và ngăn ngừa đột quỵ.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, chứng sa sút trí tuệ là không thể chữa khỏi. Nhưng nhiều dạng bệnh vẫn có khả năng được cải thiện, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, cần có biện pháp chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường bổ sung vitamin nhóm B.

4.2 Điều trị bệnh Alzheimer

Hiện tại, không có cách nào để điều trị bệnh Alzheimer, nhưng các lựa chọn để giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh bao gồm:

  • Thuốc cho tình trạng rối loạn hành vi chẳng hạn như thuốc chống loạn thần.
  • Thuốc cho bệnh nhân giảm trí nhớ, bao gồm thuốc ức chế cholinesterase donepezil (Aricept), rivastigmine (Exelon) và memantine (Namenda).
  • Các biện pháp thay thế nhằm tăng cường chức năng não hoặc sức khỏe tổng thể, chẳng hạn như tăng cường omega-3 (dầu cá)
  • Thuốc điều trị hành vi thay đổi giấc ngủ: Có thể cần dùng thuốc an thần gây ngủ nếu bệnh nhân mất ngủ.
  • Thuốc trị trầm cảm: Nếu người bệnh có thêm các dấu hiệu chứng trầm cảm, cần dùng thuốc chống trầm cảm để cải thiện các triệu chứng của bệnh.

5. Tiên lượng chứng suy giảm trí tuệ và bệnh Alzheimer

Đối với sa sút trí tuệ, tiên lượng bệnh hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nếu những nguyên nhân có thể điều chỉnh thì tiên lượng tốt hơn, tuổi thọ kéo dài hơn. Ngược lại, bệnh có thể tiến triển nhanh và bệnh nhân tuổi thọ giảm sút.

Bệnh Alzheimer hiện không có phương pháp nào để chữa trị. Thời gian của mỗi giai đoạn bệnh khác nhau. Một người bình thường được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer có tuổi thọ ước tính khoảng 4–8 năm sau khi được chẩn đoán xác định, nhưng một số người có thể sống chung với bệnh đến 20 năm. Những người càng lớn tuổi được chẩn đoán bệnh thì khả năng sống kéo dài rất hạn chế thường chỉ vài năm.

Cả hai chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer đều gây suy giảm trí nhớ và khả năng tự chăm sóc. Tuy nhiên, đây là hai căn bệnh khác nhau. Nếu như bạn cảm thấy người thân hay chính bản thân mình có những dấu hiệu của bệnh thì hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm. Bắt đầu điều trị kịp thời có thể giúp bạn quản lý các triệu chứng tốt hơn.

Close
Social profiles